Giải tỏa uất ức, căng thẳng
Nụ cười tỏa sáng trên gương mặt, chị Minh – một phụ nữ bán hoa quả tại chợ Bãi Đá cho biết, chị chưa từng nghĩ một ngày mình có thể nhảy một cách vui vẻ như vậy.
Chị em tiểu thương chợ Bãi Đá hăng say học nhảy. Ảnh: CSAGA.
Chị cho biết, cuộc sống của chị rất vất vả. Dậy sớm, thức khuya để chạy chợ, đảm đang làm vợ, làm mẹ, nhưng chị từng bị chồng giết hụt tới 3 lần. Chồng đánh chửi thường xuyên và diễn ra trong nhiều năm, nhưng chị vẫn cắn răng chịu đựng với suy nghĩ để gia đình được toàn vẹn, bảo vệ các con mình.
Chia sẻ về trường hợp của chị Minh, bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho biết, bà đã mất nhiều thời gian mới tiếp cận và nhận được sự tin cậy của chị Minh, nghe chị chia sẻ về nỗi đớn đau của mình.
“Chị ấy kể, lấy nhau sau 5 năm chồng bắt đầu đánh chửi vợ như cơm bữa với những lý do hết sức vớ vẩn như: Đi chợ về muộn; chưa có nước sôi... Người chị ấy hiếm hoi lắm mới có ngày không bầm dập. Nhưng, hai lần bị đánh gần đây khiến chị nhớ nhất. Đó là cách đây hai năm, chị bị chồng đánh đến rạn xương đầu, phải đi viện cấp cứu. Vết thương ấy đến giờ vẫn còn di chứng, hàng ngày chị ấy vẫn phải uống thuốc. Lần khác, chị bị chồng chèn gối lên đầu rồi (không biết là dùng dao hay kéo) định đâm, anh bộ đội chạy vào can thì bị đâm vào tay phải khâu 5 mũi. Khi anh ta có bồ, anh ta còn dẫn về nhà để bắt vợ phục vụ cơm nước và không được tỏ vẻ vô lễ với bồ của chồng” – bà Vân Anh nói.
Để trợ giúp chị Minh, bà Vân Anh đã đến gặp chủ tịch hội phụ nữ xã, công an xã, chính quyền... để tìm giải pháp. Xã đã phải họp bàn 3 cuộc để tìm cách giải cứu chị Minh khỏi bạo lực. Thậm chí, công an còn vẽ cả sơ đồ nhà chị Minh với các cửa thoát, lối vào khẩn cấp để khi chồng đánh, chị Minh biết đường tháo chạy, tìm hỗ trợ. Nhà chị Minh cũng được đặt trong tình trạng bảo vệ. Cảnh sát và một người bạn thân của chồng chị Minh đã gặp gỡ và cảnh báo anh ta. Anh ta cũng đã viết cam kết không đánh vợ.
“Tôi rất thích được học nhảy. Khi nhảy, tôi cảm thấy mình được giải tỏa uất ức, cuộc sống đỡ căng thẳng hơn” – chị Minh chia sẻ.
“Tiến quân” vào nội đô
Dạy nhảy cho phụ nữ bán hàng ở chợ Bãi Đá là chương trình do CSAGA thực hiện. Điều này gây ngạc nhiên vì nhiều người cho rằng, nhảy nhót phải dành cho phụ nữ thư dãn, ở môi trường đẹp đẽ. Đằng này ở chợ ồn ào, phụ nữ ăn mặc giản dị, bận rộn, ám mùi cá thịt mà nhảy Zumba không phù hợp.
Chia sẻ về điều này, bà Vân Anh cho biết, nhảy là cơ hội để giải phóng cơ thể, rất cần thiết cho chị em, nhất là những phụ nữ bị bạo hành, căng thẳng, mệt mỏi. “Việc vận động cơ thể đối với nạn nhân bị bạo lực gia đình rất quan trọng. Bởi phải giải phóng được thân thể mới có thể giải phóng được cái đầu. Khi giải phóng được thân thể, các cơ mềm ra sẽ hỗ trợ rất lớn việc mở mang đầu óc…” - bà Vân Anh nói.
Theo bà Vân Anh, sau chợ Bãi Đá, CSAGA sẽ nhân rộng mô hình này tại các chợ vùng xứ Đoài (Sơn Tây) và “tiến quân” vào nội đô. Bà hy vọng sẽ tạo ra phong trào giải trí lành mạnh cho chị em tiểu thương vốn làm việc căng thẳng, không có thời gian tham gia giải trí, hoạt động nâng cao sức khỏe và xả stress. Và cùng với việc học nhảy, chị em sẽ được học về kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình, sống tự tin, vui vẻ, tạo hạnh phúc cho mình và cho gia đình.
Là giáo viên dạy nhảy cho chị em tiểu thương, chị Vũ Thị Thùy Linh hy vọng, thông qua hoạt động nhảy múa, chị em sẽ khỏe mạnh hơn, tin yêu bản thân hơn, hướng tới những điều tích cực.
Chợ Bãi Đá từng có rất nhiều chị em bị bạo lực gia đình. Sau hơn 1 năm, với nhiều chương trình tác động, tình trạng bạo lực đã giảm bớt. Tuy nhiên, một số người bắt đầu chuyển từ bạo lực thể xác sang bạo lực tinh thần với những thủ đoạn tinh vi hơn. Do đó, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chương trình hỗ trợ nam giới tại khu vực chợ Bãi Đá để thay đổi nhận thức của họ về bạo lực gia đình, giúp họ thực sự biến chuyển về hành vi”.
Bà Nguyễn Vân Anh
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.