Bình yên trở về
Thời gian gần đây, trong ngôi nhà nhỏ của anh Giang Phà Thành (dân tộc Phù Lá) và chị Nông Thị Oai (dân tộc Tày) ở thôn Nậm Khắp Trong, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà luôn đầy ắp tiếng cười, hàng xóm không còn nghe thấy tiếng đánh chửi nhau của vợ chồng anh chị.
Nhớ lại chuyện cũ, chị Nông Thị Oai chia sẻ, có thời điểm tưởng chừng như hôn nhân của chị đã đổ vỡ. Trước đây cuộc sống của vợ chồng không được hạnh phúc, bởi người chồng mỗi khi uống rượu về nhà thường hay quậy phá, mắng chửi vợ con. Lúc đầu thì chị cam chịu, nhẫn nhục khuyên can chồng nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”.
Trước tình hình trên, chị Oai đã tâm sự với chị em trong thôn và đến đầu năm 2016, Ban Chủ nhiệm cùng các hội viên trong CLB Phòng chống BLGĐ ở thôn đã đến hòa giải, động viên gia đình chị. Sau những lần nói chuyện, chia sẻ, anh Thành đã dần ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình, bắt đầu tu chí làm ăn, biết thương yêu vợ con hơn.
Tham gia sinh hoạt CLB Phòng chống BLGĐ, anh Lâm Văn Thượng (dân tộc Tày) đã biết chia sẻ các công việc nhà với vợ. Ảnh: Thu Hà
Bà Lâm Thị Yên (dân tộc Tày) – Chi hội trưởng Hội Phụ nữ, thành viên Ban chủ nhiệm CLB Phòng chống BLGĐ thôn Nậm Khắp Trong chia sẻ: Trước đây, trong thôn có nhiều ông chồng thường xuyên đi uống rượu rồi về quậy phá, chửi bới vợ con. Hầu hết công việc nhà cửa, nương rẫy của các gia đình trong cũng luôn là trách nhiệm của người phụ nữ. Có gia đình, người vợ làm việc gì không vừa ý người chồng là họ có thể nhận được những lời nói thô tục, đòn roi, bị bạo hành tình dục, bị chồng đuổi ra khỏi nhà.
“Từ khi thành lập đến nay, CLB luôn duy trì sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Tại các buổi sinh hoạt, Ban chủ nhiệm CLB đã tuyên truyền, hướng dẫn các thành viên kỹ năng ứng xử trong gia đình; giới thiệu truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tác hại của BLGĐ; các biện pháp, kinh nghiệm trong phòng chống BLGĐ; kỹ năng sống… Mỗi năm CLB đều hòa giải được 4-5 vụ BLGĐ” - bà Yên cho biết.
Thay đổi nhận thức
“Tại các buổi sinh hoạt, Ban chủ nhiệm CLB đã tuyên truyền, hướng dẫn các thành viên kỹ năng ứng xử trong gia đình; giới thiệu truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tác hại của BLGĐ; các biện pháp, kinh nghiệm trong phòng chống BLGĐ; kỹ năng sống…” - bà Lâm Thị Yên (dân tộc Tày) – Chi hội trưởng Hội Phụ nữ, thành viên Ban chủ nhiệm CLB Phòng chống BLGĐ thôn Nậm Khắp Trong.
|
Gia đình anh Lâm Văn Thượng (dân tộc Tày) và chị Phan Thị Hải (dân tộc Tày) từng được Ban chủ nhiệm cùng các hội viên trong CLB Phòng chống BLGĐ ở thôn đã đến hòa giải mâu thuẫn vợ chồng thành công. Hiện, vợ chồng anh Thượng, chị Hải là những những thành viên tích cực nhất trong CLB.
Anh Thượng chia sẻ: “Trước kia, tôi luôn có suy nghĩ và quan niệm rằng đàn ông thì phải làm những việc lớn chứ không thể xuống bếp nấu cơm, quét nhà. Thế nhưng, khi tham gia sinh hoạt tại CLB Phòng chống BLGĐ tôi nhận thấy, cuộc sống gia đình cần có sự chia sẻ, cảm thông từ cả vợ và chồng, chứ không thể dồn trách nhiệm cho riêng ai. Bây giờ khi đi làm nương về vợ chồng tôi cùng chia sẻ làm các công việc trong nhà từ dọn nhà, nấu cơm, chăn nuôi lợn gà đến việc dạy dỗ các con nên không khí trong gia đình trở nên ấm cúng hơn”.
CLB “Phòng chống BLGĐ” ở thôn Nậm Khắp Trong là 1 trong nhiều CLB hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Bà Hà Thị Khánh Nguyệt – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Phụ nữ tỉnh Lào Cai cho biết: Lào Cai chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống cũng như nhận thức người dân còn nhiều hạn chế. Những năm qua, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh đặc biệt quan tâm tới xây dựng các mô hình câu lạc bộ: CLB “Cha mẹ nuôi dạy con tốt”, “Người cha tốt của con”…; mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ với pháp luật”; “Phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em”; mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”…
Hiện các mô hình này phát huy tốt vai trò tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết cho hội viên, phụ nữ về những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, nâng cao kỹ năng phòng chống buôn bán phụ nữ, phòng chống BLGĐ. Đến nay, các quyết định của gia đình ở Lào Cai cũng đã có sự bình đẳng hơn và được thể hiện thông qua sự bàn bạc và cùng đưa ra quyết định giữa vợ và chồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.