“Nhen” tình yêu sách trong chiến sĩ

Thứ ba, ngày 17/05/2011 21:46 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xác định vai trò quan trọng của bộ đội biên phòng (BĐBP), ngoài nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, còn là lực lượng góp phần phát triển văn hóa, xã hội vùng biên; 10 năm qua, hàng trăm vạn bản sách đã được gửi tới các chiến sĩ, đồng bào biên giới.
Bình luận 0

Chung tay vì sách báo

Bộ VHTTDL phối hợp Bộ Tư lệnh BĐBP và các địa phương có đường biên giới đã cung cấp bình quân cho mỗi thư viện Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh từ 6.000-8.000 bản sách và 25-35 loại báo chí, mỗi tủ sách đồn biên phòng cơ sở có từ 600-1.000 bản sách cùng 10-15 loại báo và tạp chí, có những đồn được trang bị nhiều, lên tới 3.000-5.000 bản sách.

img
Sách báo là món ăn tinh thần không thể thiếu với các chiến sĩ.

Cho đến nay, hầu hết các đơn vị BĐBP đóng quân trên các tuyến biên giới đã có tủ sách, thư viện. Theo Ths Nguyễn Thị Thanh Mai – Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL, trong chương trình này, ngành thư viện đã có những ưu tiên trong phân bổ sách đối với 44 tỉnh có đường biên giới để có nguồn vốn luân chuyển sách tới các đồn biên phòng.

Theo bà Mai, Bộ cũng chỉ đạo các Sở VHTTDL, các thư viện tổ chức tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ trong nghiệp vụ quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả sách báo ở cơ sở. Các công tác trên được thực hiện liên tục 10 năm qua, theo đánh giá của ngành thư viện thì dù chưa thật đáp ứng được nhu cầu của đông đảo đối tượng, nhưng đã đưa văn hóa đọc “len lỏi” đến được với đồng bào, chiến sĩ miền biên giới.

Cùng với việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, mô hình cũng phổ biến các kiến thức sản xuất, y tế, luật pháp, văn hóa, xã hội... Bà Mai chia sẻ: “Rất đáng ghi nhận tinh thần của anh em chiến sĩ và các cán bộ thư viện. Nhiều nơi thư viện chuyển sách đến tận đồn hoặc anh em lên tận nơi đưa sách về phục vụ đồng đội và đồng bào. Ở Cà Mau, tôi đã theo các ghe xuồng đưa sách qua nhiều kênh rạch để mang tới các chiến sĩ ở ngoài biển”.

“Sách phải tìm người”

Ngoài các hoạt động theo ngành dọc, sự tham gia của xã hội dù chưa nhiều, nhưng đã có những nghĩa cử đáng ghi nhận. Như chuyến công tác của đoàn cán bộ Bộ VHTTDL ra Trường Sa vừa qua, một số nhà sách, NXB đã gửi theo số sách trị giá hàng trăm triệu đồng. Nhiều cơ quan xuất bản, doanh nghiệp phát hành đã tích cực hưởng ứng những đợt phát động của Bộ cũng như ngành thư viện. Đầu tháng 5 này, NXB Trẻ, Nhà sách Thăng Long… cũng gửi tặng bộ đội số sách trị giá gần 200 triệu đồng.

Cùng với việc khơi dậy tinh thần tham gia của xã hội, theo quan điểm của các những người làm công tác thư viện, vai trò hàng đầu vẫn thuộc về Nhà nước, Chính phủ trong việc tiếp tục đẩy mạnh chương trình trong giai đoạn 2011-2015 tới đây.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm triển khai mô hình vừa diễn ra tại Tây Ninh với sự tham gia của hơn 200 đại biểu thư viện 44 tỉnh thành có đường biên giới quốc gia, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái nhận định: “Mạng lưới thư viện/tủ sách đồn biên phòng đã có bước phát triển cả về chất và lượng, phục vụ đồng bào, chiến sĩ có hiệu quả…”.

Theo đó, chất lượng mô hình cần được nâng cao bằng việc tăng nguồn vốn tư liệu – bổ sung thêm nhiều loại sách, báo phục vụ chiến sĩ, đồng bào, tăng cường đào tạo cán bộ quản lý, điều hành các thư viện, tủ sách để nâng cao chất lượng phục vụ, tăng số lượt tiếp cận sách, báo.

Đặc biệt là mô hình thư viện lưu động, rất linh hoạt, tiện ích và hiệu quả cao nhưng hiện nay vẫn là nỗi trăn trở của những người làm thư viện cũng như chương trình này. Nếu Nhà nước hỗ trợ được về phương tiện vận chuyển, thiết bị phục vụ thì như mơ ước của nhiều người, mỗi chiếc xe chở sách sẽ trở thành dịch vụ miễn phí và hiện đại để chiến sĩ, đồng bào tiếp cận sách, báo, Internet…

Tất nhiên, đi kèm với đó còn phải có chế độ dành cho các cán bộ điều hành thư viện, tủ sách ở các đồn biên phòng cũng như các địa bàn khác. Bà Thanh Mai nói: Chúng tôi rất tâm đắc với mô hình thư viện lưu động, đã xây dựng thành 1 điều trong Dự thảo Luật Thư viện, sẽ trình Chính phủ vào tháng 12 năm nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem