Nhiễm độc thiếc tại Công ty Quảng Phong ở Hải Dương, người lao động kêu cứu
Nhiễm độc thiếc tại Công ty Quảng Phong ở Hải Dương, người lao động kêu cứu
Tâm Đức
Thứ năm, ngày 10/09/2020 09:59 AM (GMT+7)
Sau một số trường hợp người lao động làm việc tại Công ty Quảng Phong (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) bị nhiễm độc thiếc, trong đó có một ca đã tử vong, chính quyền địa phương mong muốn cơ quan chức năng sớm có kết luận và xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) tại công ty này.
Cuối tháng 8 vừa qua, anh Nguyễn Văn Huỳnh, trú tại thôn Cẩn Du, xã Châu Sơn, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã có đơn kêu cứu gửi lãnh đạo UBND huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương trình bày về việc vợ anh là chị Phạm Thị Bẩy bị nhiễm độc thiếc rất nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Nội dung đơn cho biết, chị Bẩy được nhận làm công nhân tại dây chuyền nghiền phế liệu thuộc Công ty Quảng Phong có địa chỉ tại xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện từ tháng 7/2020.
Thời gian làm việc trong ngày từ 7h30 sáng đến 19h30 tối. Sau một thời gian làm việc, sức khỏe của chị Bẩy sút đi trông thấy với các biểu hiện như: sụt cân, hay mất trí nhớ, lột bong da tay…
Ngày 21/7, phía công ty đã đưa chị Bẩy đi khám tại Bệnh viện tỉnh Hải Dương. Đến ngày 24/7, chị Bẩy nhận được thông báo từ Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện cho biết chị bị nhiễm độc thiếc rất nặng, phải đưa đi cấp cứu ngay nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Do hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, anh Huỳnh bản thân đang phải điều trị ung thư dạ dầy lại phải chăm hai con nhỏ nên đến 30/7, gia đình mới đưa chị Bẩy đi khám lại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương sau đó chuyển lên Trung tâm Chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu.
Trước đó, vào cuối tháng 7, Bệnh viện Bạch Mai đã có công văn khẩn gửi Bộ Y tế, các cục, viện liên quan của Bộ và Sở Y tế Hải Dương thông báo về việc có thêm 2 ca bệnh từng làm việc tại Công ty Quảng Phong bị nhiễm độc thiếc, tổn thương não chất trắng, nâng tổng số bệnh nhân đang điều trị liên quan đến công ty này lên 5 trường hợp.
Theo thông báo của Bệnh viện Bạch Mai, các trường hợp trên đều có triệu chứng bất thường về thần kinh như: mất trí nhớ, ảo giác, nói lẫn, tư duy chậm, hay cáu giận… và đều làm công nhân ở bộ phận nghiền nhựa tại Công ty Quảng Phong, trong đó có 1 ca đã tử vong.
Qua xét nghiệm, 5 bệnh nhân đều có nồng độ thiếc trong máu và nước tiểu cao hơn gấp từ 2 lần đến hàng trăm lần cho phép.
Hình ảnh chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy các bệnh nhân bị tổn thương chất trắng não, trong đó có 1 ca đã tử vong. Đây là những trường hợp đầu tiên ở Việt Nam bị nhiễm độc thiếc tử vong được phát hiện tại Bệnh viện Bạch Mai.
Thông tin về các ca bệnh nhiễm độc thiếc có thời gian làm việc tại Công ty Quảng Phong khiến nhiều lao động đã và đang làm việc tại đây rất lo lắng.
Anh V.V.Q. ở xã Chi Lăng Bắc, huyện Thanh Miện vào làm việc tại bộ phận nghiền phế liệu của Công ty Quảng Phong từ cuối năm 2019. Sau một thời gian làm việc, anh Q. thấy cay mắt, tay chân run.
Đến tháng 6/2020, anh Q. phải nhập viện tại Bệnh viện Bạch Mai để điều trị trong tình trạng sút gần 10 kg so với thời điểm mới vào làm việc tại Công ty Quảng Phong, sức khỏe rất yếu, đi tiểu không kiểm soát được và xuất hiện tình trạng ảo giác.
Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau một tuần điều trị, anh Q. đã chủ động xin ra viện.
Cùng có những biểu hiện tương tự, anh L.V.M. ở xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện làm công nhân tại bộ phận nghiền phế liệu của công ty Quảng Phong cho biết, anh thường xuyên mệt mỏi, đau đầu, tức ngực.
Từ giữa tháng 7 đến nay, anh đã nhiều lần đi khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương và Bệnh viện Bạch Mai.
Quá trình khám, chữa bệnh tốn kém rất nhiều tiền nên người lao động mong muốn được công ty hỗ trợ kinh phí để tiếp tục trong quá trình điều trị bệnh.
Tuy nhiên, hiện có một thực tế là mặc dù đã được ngành y tế khuyến cáo nhập viện điều trị nội trú nhưng nhiều người vẫn lưỡng lự vì phần lớn công nhân làm việc tại đây đều có hoàn cảnh khó khăn.
Cần xử lý nghiêm
Qua tìm hiểu được biết, Công ty Quảng Phong được thành lập và hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào tháng 6/2016, thay đổi lần thứ 3 vào tháng 6/2018, do Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cấp.
Doanh nghiệp có 100% vốn từ Seychelles - một quốc đảo nằm ở Ấn Độ Dương. Đại diện công ty là ông Lin, Tzu - Yen, người Đài Loan (Trung Quốc).
Công ty Quảng Phong xây dựng nhà máy sản xuất các loại rèm, ga giường, khăn trải bàn tại cụm công nghiệp Ngũ Hùng, Thanh Giang, huyện Thanh Miện từ giữa năm 2016 với tổng vốn đầu tư 396 tỷ đồng, quy mô sản xuất 17,4 triệu sản phẩm/năm. Hiện nay, công ty có hơn 1.000 công nhân lao động đang làm việc.
Tại thời điểm dự án đầu tư, ngành nghề hoạt động của Công ty Quảng Phong không bị cấm, không bị hạn chế đầu tư tại Hải Dương.
Tuy nhiên, hoạt động tái chế, nghiền phế liệu do Công ty Quảng Phong tự lắp đặt thêm. Hạng mục này không có trong nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt vào tháng 1/2017.
Theo báo cáo ĐTM, phế liệu trong quá trình sản xuất gồm bìa carton, nilon, màng PVC dư thừa… được công ty thu gom và bán cho các đơn vị tái chế, không có nội dung tái sử dụng.
Cuối tháng 7/2020, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) đã có Công văn 242/SKNN&MT về kết quả khảo sát thực địa ở Công ty Quảng Phong. Theo đó, tiếng ồn tại công ty này vượt tiêu chuẩn cho phép, nồng độ bụi cao, đặc biệt là khu vực tạo hạt.
Mẫu nguyên liệu, sản phẩm tại xưởng nguyên liệu có nhiều kim loại như chì, kẽm, thiếc, asen… Không khí môi trường lao động có một số hợp chất hữu cơ nguy hại bay hơi.
Sau khi có thông tin về những ca bệnh bị nhiễm độc thiếc là công nhân của công ty Quảng Phong, ngày 18/7, Sở Y tế Hải Dương đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, mời các chuyên gia của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) về xác minh thông tin.
Đồng thời, triển khai một số biện pháp chuyên môn tại Công ty Quảng Phong như quan trắc môi trường lao động, lấy mẫu tại khu vực nghiền nguyên liệu, đưa 15 lao động đang làm việc tại khu vực nghiền nguyên liệu và khu vực phối liệu của công ty đi khám sàng lọc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Kết quả khám sàng lọc cho thấy có 7/15 lao động có lượng kali, pH máu giảm. Theo biên bản làm việc của đoàn liên ngành, phần lớn lao động làm tại khu vực nghiền nguyên liệu mới vào làm, công ty chưa ký hợp đồng lao động. Trong hồ sơ của người lao động tại công ty không lưu hợp đồng thử việc.
Theo kết quả khảo sát thực địa ở Công ty Quảng Phong của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường tại công văn số 242/SKNN&MT ngày 29/7 vừa qua, tiếng ồn tại công ty vượt tiêu chuẩn cho phép; nồng độ bụi cao, đặc biệt là khu vực tạo hạt.
Mẫu nguyên liệu, sản phẩm tại xưởng nguyên liệu có nhiều kim loại như chì, kẽm, thiếc, asen… Không khí môi trường lao động có một số hợp chất hữu cơ bay hơi.
Ngày 5/8, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo Công ty Quảng Phong tạm ngừng sản xuất bộ phận nghiền liệu; giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành xác minh làm rõ vụ ngộ độc thiếc tại công ty này và báo cáo để có hướng xử lý, giải quyết.
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Nhữ Văn Cúc, Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương cho biết, lãnh đạo huyện đã nhận được đơn kêu cứu của công nhân làm việc tại Công ty Quảng Phong và các nội dung có liên quan.
Huyện đã làm việc với các bên liên quan và có báo cáo với lãnh đạo tỉnh Hải Dương về nội dung này.
Tuy nhiên, việc xác minh, điều tra vượt quá thẩm quyền nên vẫn phải chờ kết luận của các cơ quan chức năng. Lãnh đạo huyện mong muốn sớm có kết luận liên quan đến vụ việc nhiễm độc thiếc tại công ty này cũng như các sai phạm tồn tại ở đây, đồng thời đề nghị cần xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Sáng 9/9, đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương cho biết, mặc dù Sở Y tế tỉnh Hải Dương và Trung tâm đã có nhiều văn bản đề nghị, hướng dẫn nhưng đến nay, Công ty TNHH Quảng Phong vẫn chưa cho người lao động đi khám sàng lọc nhiễm độc thiếc tại các cơ sở y tế theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương và các ngành chức năng.
Trước đó, ngày 21/8, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm tại Công ty Quảng Phong.
Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn Công ty Quảng Phong tổ chức cho người lao động đi khám sức khỏe để sàng lọc các trường hợp nhiễm độc thiếc.
Những người đang bị nhiễm độc thiếc phải được điều trị kịp thời để giảm thiểu tổn thương não chất trắng; tổ chức nhận diện, đánh giá yếu tố có hại và lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động, quan trắc môi trường lao động toàn diện, lấy mẫu, phân tích nguyên liệu đầu vào và phế liệu để xác định các chỉ số gây độc hại...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.