Nhiệm vụ không có biên giới được Phó Giám đốc Công an Hà Nội nói là gì?
Nhiệm vụ không có biên giới được Phó Giám đốc Công an Hà Nội nói là gì?
Mai Lan
Thứ năm, ngày 16/03/2023 19:29 PM (GMT+7)
Công an TP.Hà Nội vừa có buổi làm việc, trao đổi với đại diện Văn phòng thường trực phòng chống ma tuý - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an và đại diện 5 nước về tình hình, kết quả công tác phòng chống ma túy trên địa bàn.
Cụ thể, vừa qua đại diện Văn phòng thường trực phòng chống ma tuý - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an làm Trưởng đoàn cùng đại diện 10 cán bộ 5 nước Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan (thuộc Trung tâm điều phối Sông Mekong an toàn về phòng chống ma tuý - Trung tâm SMCC) đã có buổi làm việc, trao đổi với Công an TP.Hà Nội về tình hình, kết quả công tác phòng chống ma túy trên địa bàn Thủ đô.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra – Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội cùng Ban Chỉ huy Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, đại diện một số đơn vị chức năng tiếp đoàn.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết, Thủ đô Hà Nội mặc dù không có chung đường biên giới với các nước Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia, nhưng Công an Thủ đô Hà Nội đã ký quy chế phối hợp với Công an Thủ đô các nước nhằm phát hiện, phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm trong đó có tội phạm về ma túy.
Thời gian qua, giữa Công an Việt Nam nói chung, Công an TP.Hà Nội nói riêng đã có sự gắn kết phối hợp với Cảnh sát Trung Quốc, Lào, Campuchia rất tốt trong việc phối hợp bắt giữ đối tượng phạm tội.
Các thành viên Trung tâm SMCC trao đổi các thông tin liên quan tại buổi làm việc với Công an TP.Hà Nội. Ảnh: CACC
Thời gian tới, Bộ Công an Việt Nam cũng như Chính phủ Việt Nam rất mong sự hợp tác sâu sắc hơn nữa, toàn diện hơn nữa về công tác phòng chống đấu tranh các loại tội phạm, trong đó có tội phạm về ma túy.
Nguồn ma túy ở Việt Nam chủ yếu thẩm lậu từ nước ngoài về. Trong đó, thuốc phiện, heroin thì từ Tây Bắc, Tây Nam, Lào, Campuchia. Nguồn katamine rất đa dạng với nhiều chủng loại thẩm lậu vào Việt Nam từ các nước Châu Âu như: Ba Lan, Hà Lan, Pháp.
Đấu tranh với loại tội phạm này, Công an TP.Hà Nội đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng như hải quan, các công ty chuyển phát nhanh, ngăn chặn tội hạm ma túy qua đường hàng không.
Trong năm 2022, các đơn vị, lực lượng trong Công an thành phố phát hiện, khám phá 3.295 vụ, 4.907 đối tượng. Xử lý hình sự 3.027 vụ, 3.855 bị can; xử lý hành chính 268 vụ, 1.052 đối tượng.
Vật chứng thu giữ tổng số 423,1kg ma túy các loại. Pháp luật Việt Nam xử lý rất nghiêm khắc loại tội phạm này, trong đó án cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, vì lợi nhuận lớn, các đối tượng tham gia vào đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy vẫn gia tăng, liều lĩnh, manh động, thậm chí còn trang bị nhiều vũ khí như súng, đao, kiếm… để chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng (thứ 9 từ trái sang) cũng đề nghị các nước giúp đỡ bắt giữ 5 đối tượng truy nã, có thông tin hiện đang lẩn trốn tại Lào, Hồng Kông, Trung Quốc... Ảnh: CACC
"Chúng ta phải nhận thức rằng đấu tranh với tội phạm ma túy nói riêng và các loại tội phạm khác nói chung là nhiệm vụ không có biên giới. Tôi cũng đã trực tiếp làm việc với đồng chí Lý Vạn Tường, đại diện Cảnh sát Trung Quốc tại Việt Nam và đã đề nghị giúp đỡ tương trợ tư pháp đối với Thủ đô Hà Nội. Trong thời gian qua, việc hợp tác này đã đạt được một số hiệu quả, trong đó có nội dung liên quan đến tội phạm rửa tiền và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản" – Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh.
Để công tác phối hợp của lực lượng chức năng chặt chẽ, cắt đứt nguồn cung ma túy về Việt Nam, vị lãnh đạo Công an TP.Hà Nội mong muốn các nước phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cũng như Công an TP.Hà Nội giải quyết triệt để các loại tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cũng đề nghị các nước giúp đỡ bắt giữ 5 đối tượng truy nã, có thông tin hiện đang lẩn trốn tại Lào, Hồng Kông, Trung Quốc và Campuchia…
Các thành viên Trung tâm SMCC cũng đã trao đổi, thảo luận về phương thức hoạt động, các chất ma tuý, các loại vũ khí nóng mà các đối tượng thường xuyên sử dụng, qua đó tìm ra các biện pháp đấu tranh với loại tội phạm này.
Đại diện Công an Myanmar đã chia sẻ việc đăng tải thông tin các vụ án ma túy được cập nhật trên trang fanpage, mỗi vụ việc là những thông tin ngắn, viết bằng tiếng Myanmar, phía dưới sẽ có phụ đề dịch ra tiếng Anh.
Đại diện Thái Lan chia sẻ về quy định sử dụng cần sa, Thái Lan cho phép trồng, sử dụng nhưng phải được cấp phép với mục đích y tế và nghiên cứu. Đối với Trung Quốc, cũng đã chia sẻ việc quản lý người cai nghiên bắt buộc và cai nghiện tại cộng đồng…
Đại diện Trung tâm SMCC cho biết, trung tâm đã có văn bản gửi đến 63 công an các đơn vị địa phương, khi cần xác minh thông tin truy nã, truy tìm đối tượng, các đơn vị cứ gửi văn bản, Trung tâm sẵn sàng phối hợp hỗ trợ…
Trung tâm điều phối Sông Mekong an toàn về phòng chống ma tuý (SMCC) được thành lập bởi 5 nước: Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, với mục đích giúp các nước thành viên điều phối triển khai các hoạt động chung của kế hoạch hành động, tổng hợp tình hình tội phạm ma túy, kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp chiến lược nhằm đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy ở cấp độ quốc gia và khu vực, góp phần kiểm soát tốt tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Trung tâm SMCC hoạt động theo cơ chế luân phiên. Năm 2023, Trung tâm đặt tại trụ sở Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy ở Hà Nội và đi vào hoạt động từ ngày 7/2 đến ngày 9/4/2023.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.