“Quên” nộp hồ sơ
Theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2013 quy định trách nhiệm chủ đầu tư nhà ở thương mại: “Trong thời hạn 50 ngày, kể từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua hoặc kể từ thời điểm bên mua đã thanh toán đủ tiền theo thoả thuận thì phải làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho người mua, người thuâ nhà ở, trừ trường hợp người mua, thuê mua tự nguyện làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận…”
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp chủ đầu tư vi phạm, không bàn giao sổ hồng, gây ra tranh chấp… ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.
Đơn cử như, tại chung cư cao cấp Hòa Bình Green City (Hai Bà Trưng, Hà Nội), dù đã hơn 4 năm dọn về sinh sống nhưng hàng trăm hộ dân tại đây hiện vẫn chưa được chủ đầu tư là công ty TNHH Hòa Bình bàn giao sổ hồng.
Tương tự, cư dân chung cư Discovery Complex tại 302 Cầu Giấy (Hà Nội) tố chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Dịch vụ Cầu Giấy bàn giao nhà ở cho dân 2 năm nay nhưng tới giờ vẫn “biệt tăm” sổ hồng.
Việc chậm bàn giao sổ hồng là một trong những nguồn cơn tranh chấp chung cư diễn ra phức tạp nhiều năm nay.
Hay, gần đây, hàng trăm cư dân sinh sống tại toà nhà chung cư Athena Complex Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) phản ánh, dù đã hoàn thành mọi nghĩa vụ với chủ đầu tư là Công ty Cổ phần thương mại xây dựng 379 nhưng đã 2 năm nay vẫn không nhận được sổ hồng.
Xác nhận thông tin về các trường hợp nêu trên, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, dự án Toà B Hoà Bình Green City, dự án Discovery Complex và Athena Complex Xuân Phương chưa được chủ đầu tư nộp hồ sơ đề nghị thẩm tra hồ sơ pháp lý dự án theo quy định Luật Nhà ở năm 2013.
“Treo” sổ hồng vì sai phạm chủ đầu tư
Phản ánh tới Dân Việt, ông Nguyễn Hoài Việt - trưởng ban quản trị cụm chung cư New Horizon City địa chỉ 87 Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, cư dân về ở từ năm 2017 và thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư là Công ty CP Xây dựng và kỹ thuật Việt Nam (Vinaenco). Nhưng, các căn hộ tại chung cư này đang phải gánh chịu hậu quả từ sai phạm của chủ đầu tư và sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, khi không sớm phát hiện, ngăn chặn chủ đầu tư xây dựng sai.
Gần nghìn căn hộ New Horizon City 'treo' sổ hồng do sai phạm của chủ đầu tư chưa được khắc phục.
Cũng theo đại diện ban quản trị trên, nguyên nhân các căn hộ tại đây không được cấp sổ đỏ được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (tháng 2/2020) cho biết là do, Sở này chưa nhận được hồ sơ, tài liệu của cơ quan chức năng thể hiện chủ đầu tư đã thực hiện khắc phục các sai phạm và nghĩa vụ tài chính tại dự án. Do đó, Sở này không có cơ sở để xem xét giải quyết thủ tục sổ hồng cho người mua nhà theo quy định.
Tương tự, tại toà CT-01 A dự án Hòa Bình Green City nhiều năm nay vẫn chưa được cấp sổ hồng. Nguyên nhân là do chủ đầu tư chưa nộp lại các văn bản hồ sơ còn tồn tại mà Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu chủ đầu tư khắc phục. Đơn cử như việc: Điều chỉnh công năng tầng hầm 1; Chậm nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước…
Phạt chủ đầu tư chậm làm sổ hồng tới 1 tỉ đồng
Theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP mới đây của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, đơn vị kinh doanh bất động sản hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất nếu không cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua sẽ bị phạt tùy vào mức độ vi phạm.
Trong đó, mức thấp nhất là từ 50 ngày đến 6 tháng sẽ bị phạt tiền từ mức 10 triệu đến 100 triệu đồng; mức vi phạm 6-9 tháng sẽ bị phạt tối đa 300 triệu đồng; 9-12 tháng mức phạt tối đa là 500 triệu đồng; từ 12 tháng trở lên mức phạt tối đa là 1 tỉ đồng.
Thời gian vi phạm quy định nêu trên được tính từ ngày chủ đầu tư bàn giao nhà ở, công trình xây dựng, đất cho người mua hoặc kể từ thời điểm bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.
Trường hợp chủ đầu tư đã khắc phục sai phạm sau thời hạn quy định thì thời gian vi phạm được tính đến ngày chủ đầu tư khắc phục sai phạm. Còn nếu một dự án mà chủ đầu tư vi phạm ở nhiều mức thời gian khác nhau đối với các căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất khác nhau thì tính tiền phạt theo từng mức phạt quy định nêu trên, nhưng tổng số tiền phạt không được vượt quá 1 tỉ đồng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.