Nhiều cơ sở kinh doanh ở TP.HCM chưa chuyển đổi số vào kinh doanh
Chưa tới 4% trong số hơn 2.100 cơ sở kinh doanh ở Phú Nhuận có ứng dụng công nghệ thông tin
Nguyên Vỹ
Thứ năm, ngày 14/11/2024 17:47 PM (GMT+7)
Kết quả khảo sát 2.154 cơ sở kinh doanh ở quận Phú Nhuận (TP.HCM) cho thấy mức độ quan tâm chuyển đổi số khá cao. Song thực tế chỉ có 3,75% đơn vị có ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh.
Trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 10/2024, TP.HCM đã triển khai chương trình thí điểm "Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số" tại quận Phú Nhuận.
Chương trình đã khảo sát, đánh giá mức độ sẵn sàng cho thương mại điện tử và chuyển đổi số của hơn 2.154 doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ.
Việc khảo sát không chỉ giúp TP.HCM có cái nhìn tổng quan về thực trạng chuyển đổi số, mà còn là tiền đề cho các hoạt động hỗ trợ toàn diện trong thời gian tới.
Kết quả khảo sát cho thấy các đơn vị có quan tâm được hỗ trợ chuyển đổi số chiếm tỷ lệ 56,4%. Trong khi, số lượng đơn vị có ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh chỉ chiếm 3,75%.
Theo bà Thúy, nhu cầu về chuyển đổi số của các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh còn rất nhiều. "Đồng thời kết quả chỉ ra nguy cơ, nếu không chuyển đổi số bán buôn, bán lẻ thì tiểu thương sẽ khó cạnh tranh với hàng hóa xuất xứ ngoài nước được bán trên sàn thương mại điện tử có nguồn gốc từ nước ngoài", bà Thúy nói.
Lãnh đạo TP.HCM cũng cho biết, giá trị trung bình của 1 gói chuyển đổi số cơ bản mà các doanh nghiệp nền tảng đang cung cấp miễn phí 6 tháng cho các đơn vị tham gia khảo sát là khoảng 300.000 đồng/tháng (đối với gói quản lý bán hàng).
Các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh tại quận Phú Nhuận được kết nối với hệ sinh thái của 6 nhà cung cấp giải pháp nhằm khắc phục những điểm yếu trong quá trình chuyển đổi số của mình.
Tổng số các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh tại quận Phú Nhuận hiện có khoảng 10.000 đối tượng. Tỷ lệ khoảng 56,4% quan tâm tới chuyển đổi số nói trên, tương đương với khoảng 5.641 đối tượng cần được hỗ trợ để chuyển đổi số.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số
Theo đo lường của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng kinh tế số đóng góp vào GRDP của TP.HCM năm 2023 là 21,5%, tăng 2,84% so với năm 2022, thuộc nhóm 9 địa phương có tỷ trọng kinh tế số trong GRDP trên 20%.
Năm 2024, TP.HCM tiếp tục chọn chuyển đổi số là nội dung trọng tâm với chủ đề năm là "Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội".
Bà Thúy cho biết, TP.HCM đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, trong đó có triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi xác định công nghệ số là động lực chính và cũng là động lực mới để phát triển kinh tế.
Theo đó, Thành phố chủ trương hỗ trợ kinh phí, tư vấn, giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn có nhu cầu chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Mục tiêu đề ra sẽ có 100% doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận, cập nhật thông tin về chuyển đổi số. Tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số phải đạt tối thiểu 60%.
Cũng từ quá trình khảo sát, bà Thúy cho biết, thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục tập trung các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số.
Mục tiêu Thành phố là xây dựng hệ sinh thái, mạng lưới liên kết mạnh mẽ các doanh nghiệp công nghệ số đủ năng lực để cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số không chỉ ở TP.HCM, khu vực phía Nam nói riêng cũng như cả nước nói chung.
TP.HCM phát triển kinh tế số có trọng tâm, trọng điểm vào 10 ngành lĩnh vực mà Thành phố có thế mạnh.
"Đồng thời, phổ cập kinh tế số vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế và xã hội, không chỉ tập trung vào các khu đô thị hay lĩnh vực công nghệ cao mà còn hướng đến các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa và các ngành nghề truyền thống", bà Thúy chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.