Thương hiệu lớn liên tục bị bị “nhái”
Trong lĩnh vực BĐS, thực tế hiện nay xuất hiện khá nhiều trường hợp vi phạm bản quyền thương hiệu, mà cụ thể là nhái, trùng tên doanh nghiệp, dự án, hình ảnh, logo, tên miền... Hàng loạt doanh nghiệp địa ốc lớn như Tập đoàn Hưng Thịnh, Him Lam, Đại Phúc, Novaland, Nam Long… đang đau đầu vì tình trạng “nhái” thương hiệu tràn lan này, gây nhầm lẫn cho khách hàng và ảnh hưởng không nhỏ đến các chủ đầu tư uy tín.
Theo đó, vào ngày 15/1/2020, trên một số trang báo điện tử đã đăng tải thông tin vụ việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An thông báo truy tìm đối tượng là lãnh đạo, đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng BĐS Hưng Thịnh (Công ty Hưng Thịnh Long An) để điều tra, xác minh tố giác tội phạm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền góp vốn/thanh toán của nhà đầu tư tại dự án Khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường (địa chỉ: xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An) do chính Công ty Hưng Thịnh Long An làm chủ đầu tư.
Tập đoàn BĐS uy tín hàng đầu thị trường với 18 năm kinh nghiệm. Trong ảnh: Logo, slogan Tập đoàn Hưng Thịnh
Ngay sau vụ việc này, trên trang fanpage chính thức và các website của Tập đoàn Hưng Thịnh cũng như các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh đã phát thông báo xác nhận và khẳng định rằng Công ty Hưng Thịnh Long An không thuộc hệ thống công ty thành viên và không có bất cứ mối liên hệ nào với Tập đoàn Hưng Thịnh. Đồng thời, dự án Khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường cũng không thuộc danh mục các dự án do Tập đoàn Hưng Thịnh đầu tư, phân phối.
Ông Nguyễn Nam Hiền, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết: “Tập đoàn Hưng Thịnh hiện là thương hiệu bị nhái tên nhiều nhất, ngay cả trong nhiều lĩnh vực khác không chỉ là BĐS cũng lấy tên “Hưng Thịnh”. Quý khách hàng và nhà đầu tư nên tìm hiểu thông tin chính xác để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc xảy ra”.
Tập đoàn Hưng Thịnh là thương hiệu BĐS uy tín hàng đầu với đội ngũ gần 3.000 nhân sự, sở hữu gần 50 công ty thành viên, 12 văn phòng đại diện cùng hệ thống sàn giao dịch quy mô. Bên cạnh hoạt động kinh doanh sôi nổi, Tập đoàn Hưng Thịnh còn dành nguồn ngân sách lớn cho các hoạt động xã hội, đặc biệt là bóng đá. Tập đoàn Hưng Thịnh chính là đơn vị đồng hành và hỗ trợ VFF chi trả lương cho HLV Park Hang Seo và các chuyên gia của bóng đá Việt Nam trong 3 năm (2020 – 2023).
Đồng thời, Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Land – Đơn vị thành viên chủ lực trong việc đầu tư, phát triển BĐS của Tập đoàn Hưng Thịnh cũng là nhà tài trợ nguồn kinh phí cho Đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia và Đội tuyển bóng đá nữ trẻ trong thời gian 5 năm (từ ngày 1/1/2020 – 31/12/2024). Có lẽ, chính vì những đóng góp tích cực này, thương hiệu Tập đoàn Hưng Thịnh và các công ty thành viên hay bị các doanh nghiệp BĐS khác mạo danh để tạo uy tín.
Trước đó, trong năm 2018, Him Lam Land cũng đau đầu vì cả 2 dự án Khu dân cư Him Lam Chợ Lớn (quận 6) và Khu dân cư Him Lam (quận 7) của công ty bị các đơn vị khác nhái thương hiệu, gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Tương tự, Tập đoàn Đại Phúc cũng bị dân môi giới lấy “mác” dự án Van Phuc City (quận Thủ Đức) để chào mời khách hàng mua đất tại một dự án “ma” ở Bình Dương, cách đó không xa.
Tương tự, hồi tháng 7/2018, Tập đoàn Nam Long đã tiến hành khởi kiện doanh nghiệp Nam Long Real vì công ty này sử dụng thương hiệu Nam Long để bán dự án phân lô tại tỉnh Bình Dương. Trong khi đó, phía Tập đoàn Nam Long không có bất cứ dự án đất nền nào ở Bình Dương.
Cần có biện pháp mạnh để bảo vệ thương hiệu
Nhận xét về tình trạng nhái tên thương hiệu, dự án trên thị trường hiện nay, các chuyên gia BĐS nhận định hiện tượng này đang khá phổ biến và chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp môi giới nhỏ, năng lực hạn chế. Các doanh nghiệp nhỏ này không tự khẳng định thương hiệu bằng sản phẩm hay xây dựng tên tuổi doanh nghiệp của mình, mà phải “dựa hơi” những “ông lớn” trên thị trường để bán hàng. Điều này không chỉ gây tổn thất cho doanh nghiệp bị nhái thương hiệu mà còn khiến thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển bền vững.
Trước thực trạng này, lời khuyên cho các doanh nghiệp BĐS là đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Ngoài các cách tự bảo vệ mình như chủ động đăng ký, bảo hộ thương hiệu một cách chuyên nghiệp; đầu tư vào hoạt động truyền thông xây dựng nhãn hiệu, hình ảnh… thì các doanh nghiệp phải có biện pháp mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm sở hữu trí tuệ.
Nhiều công ty môi giới nhái tên của các doanh nghiệp bất động sản có uy tín để lừa đảo.
Cụ thể đối với trường hợp của Tập đoàn Hưng Thịnh, vào ngày 10/9/2019, Tập đoàn Hưng Thịnh đã tiến hành khởi kiện Công ty Hưng Thịnh Long An và được thụ lý tại Toà án nhân dân tỉnh Long An. Ngoài ra, Tập Đoàn Hưng Thịnh còn gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị điều tra xử lý Công ty Hưng Thịnh Long An tránh việc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các khách hang, nhà đầu tư cũng như của Tập đoàn Hưng Thịnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.