Nhiều doanh nghiệp đổ về cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng tìm bạn hàng xuất khẩu nông sản

Thiên Hương Thứ năm, ngày 09/03/2023 08:14 AM (GMT+7)
Gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã tập trung khá nhiều ở cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng để tìm bạn hàng, vì đây là cửa khẩu quan trọng trong xuất khẩu nông sản, đặc biệt là thủy sản của cả Việt Nam và Trung Quốc.
Bình luận 0

Ngày 8/3, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ NNPTNT) tổ chức Diễn đàn "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây)".

Trung Quốc có nhu cầu lớn nhiều loại nông sản

Chia sẻ về thương mại thủy sản Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh mới, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, giai đoạn 2018 - 2022, thương mại thủy sản Việt Nam - Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường chính. Từ vị trí số 3, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ.

Tích cực kết nối để xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc - Ảnh 1.

Doanh nghiệp ở huyện Krông Pắc (Đăk Lăk) thu mua sầu riêng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Anh Dũng

Bà Trần Thị Bích Ngọc - Trưởng ban Quản lý cửa khẩu Quốc tế Móng Cái cho rằng, để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa trong cách nghĩ, cách quản lý, quy hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng "chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia hội nhập". Không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, đóng gói, vận chuyển xuất khẩu.

7 sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất gồm tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết, cá tra. Trong đó, tôm là sản phẩm được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất, chiếm tỷ lệ 24% về khối lượng, 41% về giá trị. Sản phẩm thủy sản đông lạnh chiếm 93% khối lượng và 89% giá trị nhập khẩu. 

Ông Nam cho hay: Quảng Tây là địa phương lớn thứ 3 ở Trung Quốc về nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Quảng Đông và Trạm Giang. Năm 2022, nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào Quảng Tây đạt 28.400 tấn, trị giá gần 190 triệu USD. Việt Nam là nguồn cung thủy sản số 1 cho Quảng Tây khi chiếm 69% khối lượng và 75% giá trị của tỉnh bạn.

Do đó, ông Nam đề xuất tăng cường xúc tiến thương mại, giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các địa phương Trung Quốc. Hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ duyệt hồ sơ cho các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Đặc biệt, các cơ quan cần cập nhật, cung cấp thông tin về nhu cầu, quy định của thị trường và các địa phương của Trung Quốc cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Tô Vạn Quang - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc tại Quảng Tây, đại diện Công ty TNHH Đầu tư Công nghiệp Đông Đằng cho biết, công ty có văn phòng tại nhiều thành phố từ Quảng Tây đến Trùng Khánh, Thành Đô, Thượng Hải. Trong đó, có nhiều thành phố giáp với Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. 

"Chúng tôi cũng có văn phòng tại Hà Nội, Lạng Sơn, cửa khẩu Lào Cai. Chiến lược của chúng tôi sắp tới sẽ là lập văn phòng phủ khắp các thành phố ở Trung Quốc và Việt Nam, thúc đẩy toàn diện hợp tác thương mại và đầu tư hai nước" - ông Quang khẳng định.

Theo ông Quang, trong năm 2023, Công ty Đông Đằng dự kiến mua 35.000 tấn sầu riêng, trong đó mua từ Việt Nam là 15.000 tấn. Ngoài ra, công ty còn có nhu cầu mua 120.000 tấn khoai lang tím, ký hợp đồng mua cá basa, cá hố, và các loại hải sản khác... "Chúng tôi rất mong kết nối với các vị đối tác tham dự online hoặc trực tiếp ở diễn đàn" - ông Tô Vạn Quang nói.

Trong khi đó, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tỉnh Quảng Ninh với Quảng Tây trong quan hệ thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam – Trung Quốc. Cụ thể, Quảng Ninh là cửa ngõ giao thương của Trung Quốc không chỉ với Việt Nam mà là cả khối ASEAN. Còn Quảng Tây là thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản chính của Việt Nam, chiếm gần 50% giá trị nhập khẩu.

"Đây là khu vực có lượng hàng hóa nhập khẩu lớn, chiếm tới 47,5% tổng nhập khẩu từ Trung Quốc. Về xuất khẩu qua Quảng Ninh sang Quảng Tây Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa, chiếm 15,4% kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc", đại diện Cục cho biết.

Để thắng trên thị trường, phải có thương hiệu

Tích cực kết nối để xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc - Ảnh 3.

Các đại biểu và doanh nghiệp tham dự diễn đàn tại điểm cầu TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: T.H

Chia sẻ thông tin tại diễn đàn, đại diện Công ty Thương mại Quốc tế Sunwah (Quảng Châu), cho biết: Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc muộn hơn so với Thái Lan, Malaysia. Hai nước này có nền tảng sản xuất, đóng gói, quy trình xuất khẩu quy mô hơn Việt Nam. Thương hiệu của họ tại thị trường Trung Quốc cũng đang mạnh hơn, đây là cản trở với sầu riêng Việt Nam.

Đại diện Sunwah đề xuất Bộ NNPTNT nâng cao hạn mức xuất khẩu bằng cách cho doanh nghiệp này phối hợp với các doanh nghiệp đóng gói của phía Việt Nam, góp phần tiêu chuẩn hóa nguồn hàng, làm lạnh, vận chuyển...

"Để thắng trên thị trường, phải có thương hiệu. Từ sầu riêng, sẽ kéo theo các loại hoa quả khác của Việt Nam đi theo con đường tạo thương hiệu lành mạnh" - đại diện Sunwah nói.

Bên cạnh đó, Sunwah dẫn kết quả nghiên cứu thị trường, cho rằng Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu khoai tây, cam quýt vào Vân Nam. Tuy nhiên, trong quá trình giao dịch, có nhiều thương vụ vi phạm điều kiện hợp đồng. Điều này ảnh hưởng xấu đến uy tín xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

Sunwah đề xuất cùng doanh nghiệp Việt Nam tạo sàn giao dịch, cải thiện quá trình thương mại giữa doanh nghiệp hai nước. "Nhìn nhận khách quan, nông sản Việt Nam vào Trung Quốc nhiều, ngược lại thì ít. Tuy vậy, dù thế nào thì hàng hóa chất lượng cao mới là điều khiến nông sản Việt Nam tạo nên vị thế" – doanh nghiệp cho hay.

Sau khi nghe các ý kiến của đại biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan của Trung Quốc phối hợp tạo điều kiện để doanh nghiệp 2 nước giao thương. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cần chỉ đạo TP.Móng Cái phối hợp với các đơn vị bên phía Quảng Tây (Trung Quốc) để tổ chức diễn đàn xúc tiến thương mại ở TP.Đông Hưng của nước bạn trong thời gian sớm nhất, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp 2 nước có thể thương thảo trực tiếp với nhau, xây dựng các chuỗi cung ứng, xuất khẩu nông sản 2 nước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem