“Các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư trong ngành sản xuất xe hơi có thể đóng, hoặc thu hẹp mảng sản xuất lắp ráp xe hơi tại Việt Nam” - ông Takimoto Koji, trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM, đã chia sẻ.
Hiện Nhật Bản có 4 hãng sản xuất xe hơi tại Việt Nam là Honda, Toyota, Suzuki và Mazda nhưng đại diện JETRO chưa tiết lộ hãng nào sẽ rời Việt Nam...
Ô tô nhập khẩu Ấn Độ như Hyundai Grand i10 đang là thách thức với xe lắp ráp trong nước
Xe từ Ấn Độ giá chỉ khoảng 84 triệu đồng
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tính trung bình, tháng 1-2017 mỗi ô tô nhập về Việt Nam có mức giá chỉ còn khoảng 20.800 USD/chiếc (chưa thuế), trong khi giá trung bình xe nhập khẩu tháng 1-2016 là 25.300 USD/chiếc.
Trong đó, dòng xe từ Ấn Độ nhập về có mức thấp nhất, trung bình chỉ khoảng 3.700 USD (tương đương khoảng 84 triệu đồng/xe, chưa thuế); xe nhập từ Indonesia có giá trung bình chỉ khoảng 440 triệu đồng...
Đáng chú ý, tốc độ tăng nhập khẩu từ ASEAN rất mạnh, nhất là các dòng ô tô đến từ Thái Lan và Indonesia. Trong đó, riêng nhập khẩu ô tô từ Indonesia tăng đột biến khi đạt 1.823 chiếc, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ có... 1 chiếc. Đối với các thị trường ngoài ASEAN, nhập khẩu ô tô từ Ấn Độ ghi nhận mức tăng mạnh với 1.006 chiếc.
Xu hướng nhập thay vì sản xuất
Theo một số chuyên gia và người nhiều năm kinh doanh ô tô, việc các DN sản xuất lắp ráp ô tô vốn FDI rời Việt Nam, nếu xảy ra, là điều dễ hiểu. Vì ta cứ ưu đãi, trong khi không có đủ áp lực nên hưởng xong ưu đãi, đến khi nhập khẩu hiệu quả hơn thì họ sẽ bỏ sản xuất, đi nhập khẩu chứ không thể “làm từ thiện” được.
Theo ông Lê Nguyễn Minh Tuấn - giám đốc kinh doanh Saigon Ford Phổ Quang (TP.HCM), thuế đã giảm dần và từ 1-1-2017, các dòng xe dung tích nhỏ, dưới 9 chỗ ngồi nhập từ ASEAN được giảm thuế 10% (chỉ còn 30%). Nên theo quan sát của anh, các hãng ô tô đều duy trì hai mảng kinh doanh độc lập là lắp ráp và nhập khẩu về bán.
Khi biểu thuế ô tô Việt Nam giảm giúp giá ô tô giảm đến hàng trăm triệu đồng/chiếc thì ông Tuấn cho rằng các hãng sản xuất sẽ chuyển sang nhập khẩu, thu hẹp dần mảng sản xuất.
Chủ một showroom ô tô trên đường Lê Văn Lương kéo dài (Hà Nội) cũng cho rằng qua việc nhập hàng, anh nhận thấy việc giảm thuế mạnh đã khiến nhiều hãng ô tô chuyển hướng nhập khẩu nguyên chiếc thay vì sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Dẫn chứng với hãng T, anh nêu họ chỉ lắp ráp dòng xe có dung tích nhỏ 1.5L, còn lại phần lớn là nhập khẩu từ Thái Lan.
Chính sách sai lầm?
Theo một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), những sai lầm trong chính sách, chiến lược phát triển ngành ô tô trước đây đã khiến ngành ô tô trong nước không có động lực để nội địa hóa.
“Ôtô đắt thì làm sao mà người dân mua được? Các chính sách thuế lên xuống, thiếu ổn định thì doanh nghiệp khó mà đầu tư để nội địa hóa” - vị này nói.
Theo Trần Hồng Ninh - giám đốc Công ty Bệnh viện Ô tô, thực trạng hiện nay của ngành công nghiệp ô tô là kết quả của một chính sách nói nhiều mà không chịu hành động. Việt Nam mời gọi những nhà sản xuất ô tô lớn, dành cho họ nhiều ưu đãi nhưng lại không khuyến khích nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
“VN không có sản phẩm hỗ trợ cho ngành ô tô. Cùng với thị trường nhỏ, chi phí cao, ngành sản xuất ô tô Việt Nam nhanh chóng gặp khó” - ông Ninh nói.
Theo JETRO, để hỗ trợ DN vượt qua áp lực sau năm 2018, chính sách của Việt Nam nên tập trung vào giảm giá và kiểm soát nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN.
Ông Takimoto Koji cho rằng thời gian còn quá ngắn cho Việt Nam kịp thay đổi lớn trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, Việt Nam cần làm sao tăng quy mô tiêu thụ để giữ được chân các nhà sản xuất xe hơi.
Ngọc An - Như Bình (TTO)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.