Doanh nghiệp chê động thái sẵn sàng giúp tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng chỉ là... hô hào
Nhiều doanh nghiệp than thở: "Sẵn sàng giúp tiếp cận nguồn vốn" của ngân hàng chỉ là... hô hào
Quốc Hải
Thứ tư, ngày 08/12/2021 10:42 AM (GMT+7)
Nhu cầu tín dụng cuối năm rất lớn, tuy nhiên trên thực tế, người dân và doanh nghiệp phải có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch dòng tiền… thì mới có khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng...
Từ khi TP.HCM mở cửa trở lại vào đầu tháng 10, để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh, nhiều ngân hàng (NH) đã tung các gói, chương trình ưu đãi nhằm kích cầu tín dụng với lãi suất hấp dẫn.
Tung gói ưu đãi, kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng
Chẳng hạn, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank), nhà băng này đã dành nguồn vốn hơn 5.000 tỷ đồng hỗ trợ cho các DN tham gia chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, với mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 0,5-1,5%/năm.
Đồng thời, từ tháng 10, Sacombank triển khai nguồn vốn 20.000 tỷ đồng cho DN vay với lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,5%/năm với kỳ hạn vay đến 3 tháng, 5,5%/năm với thời hạn lên đến 6 tháng và từ 4%/năm dành cho DN xuất khẩu. Nguồn vốn được NH áp dụng đến hết ngày 31/12.
Tương tự, mới đây Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đã dành 5.000 tỷ đồng và 150 triệu USD với mức lãi suất cho vay từ 5,1%/năm đối với VND và 2%/năm đối với USD cho các DN vừa và nhỏ có nhu cầu bổ sung vốn lưu động. Thời gian vay vốn lên đến 9 tháng tùy thuộc vào từng điều kiện cấp tín dụng.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng đang triển khai các gói ưu đãi lãi suất cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp MSME với tổng hạn mức lên tới 2.000 tỷ đồng.
Cụ thể, OCB triển khai chương trình "Tiếp sức hộ kinh doanh mùa dịch" dành cho cá nhân có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh và bổ sung vốn lưu động. Bên cạnh đó, nhà băng này cũng triển khai gói "Hỗ trợ tái sản xuất kinh doanh" dành cho doanh nghiệp MSME, với mức lãi suất vay ưu đãi từ 5,99%/năm. Ưu đãi được triển khai đến hết ngày 31/12 hoặc tới khi hết quy mô tín dụng của chương trình.
Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố tính đến ngày 1/11 đạt 2.679,6 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 10,6% so cùng kỳ năm 2020.
Còn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), nhà băng này cũng triển khai nhiều gói giải pháp tài chính dành riêng cho nhóm doanh nghiệp SME. Cụ thể, từ nay đến hết ngày 19/3/2022, SCB triển khai chương trình ưu đãi lãi vay dành cho các khách hàng tham gia sản phẩm "Vay vốn siêu tốc, phát lộc kinh doanh" với lãi suất ưu đãi, chỉ từ 6,99%/năm.
Dù nhiều NH đã tung các gói ưu đãi để kích cầu tín dụng, nhưng có thể thấy sức hấp thụ của nền kinh tế cũng chưa mạnh. Thực tế, tính đến cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP.HCM cũng chỉ đạt khoảng 6,7%. Dù mức tăng này cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên so với tháng trước đó thì nhìn chung mức độ phục hồi vẫn còn khá chậm sau một tháng mở cửa.
Chưa kể, mức tăng trưởng tín dụng 6,7% này cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng tín dụng chung của cả nền kinh tế.
Vẫn chuyện cũ: Khó vay!
Ông Thanh Tuấn, chủ một doanh nghiệp thực phẩm tại Bình Chánh cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu nên doanh nghiệp đã được ngân hàng điều chỉnh giảm lãi vay từ 0,7 - 1%/năm.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, mức giảm lãi suất này cũng chỉ "như muối bỏ biển" bởi sau quãng thời gian hơn 4 tháng nghỉ dịch, mọi nguồn lực của DN đã cạn kiệt. Vì vậy, để có thể vực dậy hoạt động và giúp DN vượt qua khó khăn lúc này, ngân hàng cần giảm thêm lãi suất.
"Thực tế, nhiều DN đang đối mặt với áp lực trả lãi vay, chứ chưa nói đến trả nợ gốc. Nguồn tài chính được ví như "oxy" giúp DN tái phục hồi sau dịch, song không phải DN nào cũng đủ khả năng vay vốn mới. Vì vậy, điều chúng tôi mong mỏi lúc này chỉ là được giảm lãi cũ", ông Tuấn nói.
Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí-Điện TP.HCM - cho hay thời gian qua, các doanh nghiệp cơ khí-điện cũng được hỗ trợ giảm lãi vay, nhưng số giảm quá ít.
"Bình quân các DN chỉ được giảm 0,5%/năm thì không mang nhiều ý nghĩa ở thời điểm này," ông Đỗ Phước Tống chia sẻ.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, trong điều kiện Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa nới lỏng điều kiện vay vốn, ngành ngân hàng thành phố thời gian qua đã trao đổi, thống nhất phương án xử lý đối với các phương án sản xuất kinh doanh không có tài sản thế chấp. Bởi, đây là một trong những điểm nghẽn lớn nhất khiến các DN chưa tiếp cận được vốn tín dụng từ ngân hàng.
Giải pháp này được ngành ngân hàng thành phố triển khai trong khuôn khổ chương trình kết nối doanh nghiệp – ngân hàng, để tạo điều kiện cho người dân, DN tiếp cận vốn tín dụng của ngân hàng một cách thuận lợi và ưu đãi nhất.
Cụ thể, thay vì cần tài sản thế chấp thường là bất động sản, người dân, doanh nghiệp có thể thế chấp dòng tiền bán hàng, cho ngân hàng quản lý nguồn thu… để làm cơ sở thu hồi nợ, tạo điều kiện cho ngân hàng thẩm định, giải ngân vốn tín dụng cho các phương án sản xuất kinh doanh.
Như vậy, chỉ cần người dân, doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch dòng tiền… thì khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng sẽ cao hơn. Đây được xem là giải pháp khá hiệu quả, vừa đảm bảo cung ứng vốn cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo tính pháp lý cho các hợp đồng cấp tín dụng của ngân hàng trong bối cảnh ngành này cũng đang đối mặt với rủi ro nợ xấu tăng cao.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Luận - nhà sáng lập và điều hành Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu, việc tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng thời điểm này rất khó, bởi họ đưa ra các điều kiện mà hầu như các DN không thể với tới được.
Theo ông Luận, thời điểm cuối năm, DN nào muốn tăng sản lượng lên thì bắt buộc phải có vốn lưu động, phải vay ngân hàng. Bình thường những năm không có dịch Covid-19, thì hàng hóa vẫn ra vô đều đều. Còn bây giờ, hàng hóa bị chậm lại, các kế hoạch kinh doanh 6 tháng cũng bị đứng lại thì đâu có ngân hàng nào dám mạnh tay cho vay?
"Ngân hàng nào cũng nói sẵn sàng cho vay nhưng do cuối năm, ngân hàng nào cũng tính đến sự ổn định và an toàn nên khi DN đưa hồ sơ đến thì đều bị "từ chối khéo" bằng một số điều kiện mà DN không thể đáp ứng", ông Luận nói.
Dự kiến lượng kiều hối đổ về TP.HCM tới 6,5 - 6,6 tỷ USD
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, lượng kiều hối về thành phố trong 11 tháng qua ước đạt 6,2 tỷ USD, vượt con số cả năm 2020 là 6,1 tỷ USD. Trong khi đó, lượng kiều hối vẫn tiếp tục chuyển về, nên dự kiến cả năm 2021, TP.HCM sẽ thu hút được khoảng 6,5 - 6,6 tỷ USD kiều hối, bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.