Dự báo GDP quý 3 sẽ tăng trưởng âm, chính sách điều hành tiền tệ sẽ ra sao những tháng cuối năm?
Nhiều dự báo GDP quý 3 sẽ tăng trưởng âm, chính sách điều hành tiền tệ sẽ ra sao những tháng cuối năm?
Quốc Hải
Thứ năm, ngày 09/09/2021 16:18 PM (GMT+7)
Những số liệu vĩ mô vừa được công bố cho thấy, kịch bản GDP quý 3 tăng trưởng âm đang hiện hữu do tác động của làn sóng bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4. Theo các chuyên gia, nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành trong những tháng cuối năm…
Thông thường, có thể dự báo tăng trưởng GDP từ 3 khu vực kinh tế quan trọng là công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.
Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp thường tăng trưởng khá ổn định ở mức thấp so với GDP bình quân hàng năm và không ảnh hưởng nhiều tới dự báo tăng trưởng GDP. Còn các lĩnh vực có tỷ trọng lớn trong GDP như dịch vụ và công nghiệp có thể đo lường lần lượt bằng các chỉ số "Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng" (RSI) và "Chỉ số sản xuất công nghiệp" (IIP).
Tuy nhiên, nhìn vào dữ liệu vĩ mô vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, chỉ số IIP trong tháng 7 và tháng 8 đã giảm lần lượt 0,3% và 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 8, chỉ số IIP đã giảm 4,2% so với tháng trước. Với tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp như hiện nay, nhiều khả năng tháng 9 sẽ tiếp tục có mức giảm tương đương tháng 8.
Nếu điều này tiếp diễn, có thể kéo tăng trưởng GDP của quý 3 thấp đi đáng kể bởi ngành công nghiệp có tỷ trọng đóng góp lớn trong GDP (khoảng 30 – 40%).
Tương tự, chỉ số RSI trong tháng 7 và tháng 8 giảm lần lượt 19,8% và 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi với việc lệnh giãn cách xã hội sẽ tiếp tục duy trì ở hầu hết các tỉnh thành đến hết 15/9, khiến số liệu bán lẻ trong tháng 9 được kỳ vọng cũng không có nhiều diễn biến tích cực.
Những yếu tố này khiến nhiều đơn vị, tổ chức kinh tế đưa ra dự báo về một kịch bản GDP quý 3 sẽ rất thấp, thậm chí đối mặt tình trạng tăng trưởng âm.
Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 9, SSI Research cho rằng, việc tốc độ tăng trưởng GDP quý 3 ghi nhận giá trị âm sẽ không quá bất ngờ khi hầu hết các cấu thành chính trong GDP đều sụt giảm, bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu ròng.
"Việc thực hiện giãn cách xã hội mức cao nhất trong thời gian dài (hơn 2 tháng đối với TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ và hơn 1 tháng đối với Hà Nội) đã khiến tất cả các hoạt động của nền kinh tế bị gián đoạn. Số liệu vĩ mô trong tháng 8 phản ánh ảnh hưởng không chỉ còn gói gọn trong khu vực dịch vụ mà đã lan rộng sang ngành sản xuất – chế biến chế tạo", chuyên gia của SSI Research, nhận định. Trong khi đó, các phương án duy trì sản xuất như "3 tại chỗ" hoặc "Một cung đường hai điểm đến" chỉ mang tính tạm thời và thể hiện nhiều bất cập khiến công suất sản xuất của các nhà máy ở phía Nam ở mức thấp - chỉ vào khoảng 10 - 50%.
"Khả năng kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9 và các biện pháp nới lỏng giãn cách của Chính phủ sẽ là yếu tố then chốt giúp tâm lý của các doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng và nhà đầu tư hồi phục", chuyên gia của SSI Research, bình luận.
Cũng dự báo GDP trong quý 3 có thể sẽ tăng trưởng âm, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhấn mạnh, trong quý 4/2021, nếu không có những hỗ trợ chính sách mạnh mẽ hơn, sự phục hồi kinh tế sẽ yếu do dư chấn từ đại dịch lên thị trường lao động, chuỗi cung ứng, bảng cân đối của doanh nghiệp và hộ gia đình.
Bên cạnh đó, việc thúc đẩy tiến độ đầu tư công có thể không như mong muốn do các biện pháp kiểm soát Covid-19 và Chính phủ có thể cần phải sử dụng nguồn lực tài khóa cho mục tiêu phòng chống dịch…
Chính sách điều hành tiền tệ ra sao trong những tháng cuối năm?
Thông thường, để tránh tình trạng GDP tăng trưởng âm, Chính phủ có 2 lựa chọn một trong hai giải pháp là nới lỏng tiền tệ, hoặc mở rộng tài khóa. Thậm chí, cũng có thể sử dụng đồng thời 2 chính sách này bằng cách duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, tìm cách thúc đẩy tín dụng bằng biện pháp hành chính, nhưng đồng thời cũng sẽ đẩy mạnh mở rộng tài khóa (cứu doanh nghiệp, người lao động và người nghèo một cách trực tiếp…).
Theo SSI Research, trong giai đoạn khó khăn hiện tại của dịch bệnh, không loại trừ trường hợp NHNN sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong điều kiện lạm phát được kiểm soát.
"Các biện pháp hỗ trợ có thể bao gồm ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 03, bao gồm kéo dài thời hạn trích lập dự phòng, mở rộng phạm vi cơ cấu nợ xấu hỗ trợ cho nhóm ngân hàng và có thể tiếp tục lùi thời gian có hiệu lực của Thông tư quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn", chuyên gia của SSI Research, nêu.
Còn theo Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, đà tăng trưởng tín dụng sẽ chững lại trong những tháng cuối năm. Tăng trưởng cung tiền chậm trong 6 tháng đầu năm cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã không sử dụng đến biện pháp bơm thanh khoản trên diện rộng và vẫn tập trung vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng có chọn lọc.
"Chính sách tiền tệ những tháng cuối năm kỳ vọng sẽ tiếp tục nghiêng về chiều hướng hỗ trợ do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước có thể giữ tâm thế thận trọng trong bối cảnh lạm phát đang tăng trở lại. Nếu nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng GDP âm trong quý 3/2021, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành và gói tài khóa khác để hỗ trợ nền kinh tế", chuyên gia của VDSC dự báo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.