Sáng 9/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo về Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2019.
Theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/03/2002, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) vai trò, vị trí quan trọng của khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cần tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả.
Mục tiêu từ năm 2002 đến năm 2010 là đưa kinh tế tập thể thoát khỏi những yếu kém hiện nay, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong nền kinh tế quốc dân.
Nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vẫn ở trong tình trạng khó khăn, năng lực nội tại yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Võ Thành Thống cho biết, sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, mặc dù tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều bất ổn, nợ công cao, ngân sách hạn hẹp, nhưng khu vực hợp tác xã lại hoạt động khá ổn định.
Cụ thể, số lượng hợp tác xã tăng theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên. Ngoài ra, các hợp tác xã từng bước hoạt động đúng bản chất, tập trung vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên.
Thứ trưởng Võ Thành Thống thông tin, hiện nay, trên cả nước đã có hàng trăm mô hình hợp tác xã ra đời và phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên.
“Đây là những dấu hiệu đáng mừng, cho thấy kinh tế tập thể, hợp tác xã đang phục hồi và phát triển đúng hướng. Mô hình hợp tác xã kiểu mới phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta, vừa khuyến khích kinh tế cộng đồng thành viên hợp tác xã, vừa tôn trọng và nâng cao vị thế kinh tế hộ thành viên, góp phần giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường.”, Thứ trưởng Thống nói.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, bên cạnh hợp tác xã, các tổ hợp tác cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
“Bên cạnh hợp tác xã, tổ hợp tác (THT) là một thành phần trong khu vực kinh tế tập thể. Xuất phát từ nhu cầu phát triển của kinh tế hộ và điều kiện kinh tế - xã hội ở mỗi địa bàn; THT được thành lập với hình thức tổ chức, quy mô và nội dung hoạt động đa dạng, hoạt động của THT nói chung đã tiếp cận khá sát với bản chất đích thực của HTX, chủ yếu hướng vào mục đích giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất và đời sống.
THT đã khắc phục được một số mặt yếu kém của kinh tế hộ đơn lẻ, như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất; giúp kinh tế tổ viên tăng sức cạnh tranh thị trường và nâng cao năng lực hoạt động kinh tế; giúp các hộ tổ viên sử dụng có hiệu quả hơn về đất đai, lao động, vật tư và tiền vốn; tiếp nhận những thông tin, tiến bộ khoa học - kỹ thuật góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của kinh tế hộ.” Thứ trưởng Võ Thành Thống nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Võ Thành Thống phát biểu tại buổi họp báo.
Theo Cục Phát triển Hợp tác xã, từ khi Luật hợp tác xã năm 2012 được ban hành, số lượng các hợp tác xã hoạt động hiệu quả tăng lên rõ rệt, chiếm khoảng 57% trong tổng số hợp tác xã (đối với các hợp tác xã nông nghiệp); khoảng từ 50-83% (đối với các hợp tác xã phi nông nghiệp).
Doanh thu bình quân của một hợp tác xã năm 2018 đạt 4.477 triệu đồng/hợp tác xã, tăng 3.622 triệu đồng (gấp khoảng 5,2 lần) so với năm 2003; trong đó doanh thu bình quân của hợp tác xã với thành viên cũng tăng từ 698 triệu đồng/năm năm 2003 lên 3.280 triệu đồng/năm năm 2018, tăng 2.582 triệu đồng (gấp khoảng 4,7 lần) so với năm 2003; chiếm khoảng 73% trong doanh thu bình quân của 1 hợp tác xã.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, các hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vẫn ở trong tình trạng khó khăn, năng lực nội tại của các hợp tác xã còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu; năng lực, trình độ cán bộ quản lý trong khu vực hợp tác xã còn hạn chế, khó đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.