Nhiều kẽ hở trong bảo vệ rừng

Thứ ba, ngày 25/10/2011 19:37 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tình trạng phá rừng chiếm đất, lấy gỗ và lâm sản trái pháp luật vẫn diễn ra phổ biến và phức tạp. Có ý kiến cho rằng cần nghiêm túc “đặt lại vấn đề” này mới hy vọng giải quyết dứt điểm.
Bình luận 0

Rừng “ngót” mỗi ngày…

Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2011, tại các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã phát hiện gần 9.000 vụ vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng (QLBVR). Trong đó, rừng bị mất phát hiện được là hơn 1.000ha (chiếm 68,6% so với cả nước), chủ yếu tập trung tại các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước.

img
Gỗ hương ngay trên đường tuần tra của Vườn quốc gia Yok Đôn bị lâm tặc đốn hạ.

Đặc biệt, tại các huyện Krông Năng, Ea Hleo (Đăk Lăk), Đăk Ngol (Đăk Nông) đã xảy ra những vụ phá rừng có tổ chức, có khi lên đến hàng trăm người tham gia. Giặc rừng ngày một tinh vi hơn, sử dụng các phương tiện hiện đại để phá rừng với tốc độ rất nhanh.

Tình trạng chống người thi hành công vụ ngày càng diễn ra thường xuyên, gay gắt, trắng trợn, gây hậu quả nghiêm trọng. Chỉ trong 9 tháng đã có 12 cán bộ làm công tác QLBVR bị hành hung và nhiều tài sản của Nhà nước bị phá hủy.

Theo Bộ NNPTNT trong 5 năm qua, mỗi năm Tây Nguyên và Đông Nam Bộ bị suy giảm hơn 31 nghìn ha, trong đó “phần” của lâm tặc là 2.000ha, tập trung chủ yếu thuộc khu vực các doanh nghiệp được thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư; các lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp, một số rừng đặc dụng có gỗ quý...

Chưa có sự chung tay

Ông Nguyễn Đức Luyện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cho rằng, trên thực tế, số rừng mà địa phương bị mất nhiều hơn báo cáo; có 3 câu chuyện rất “nóng” về rừng, đó là: Nhà nhà trồng cao su, doanh nghiệp trồng cao su, nạn xâm chiếm đất rừng khai thác lâm sản và việc khai thác khoáng sản gây phức tạp cho việc QLBVR. Rừng chính thức bị mất khoảng 37 nghìn ha, trong đó doanh nghiệp làm mất hơn 6.000ha. Gần 30 nghìn ha còn lại thực chất đã mất từ rất lâu, người dân đã canh tác làm nhà ở trên đó cả chục năm nay, nhưng không thể xử lý được.

Không đưa ra con số cụ thể, nhưng theo ông Đinh Văn Khiết - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk, cũng khẳng định người dân đã sống trong rừng, lấn chiếm rừng để canh tác sinh sống ổn định trong rừng từ nhiều năm qua và diện tích này vẫn chưa được xác định chính xác. Song vấn đề là không thể thu hồi vì chưa biết sẽ “đẩy” dân đi đâu.

Trả lời NTNN, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, cho rằng: “Để bảo vệ rừng tốt hơn thì nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách đặc thù cần được điều chỉnh. Nhưng một vấn đề rất rõ, thể hiện trên thực tế là: Một khi chính quyền vào cuộc mạnh mẽ thì việc bảo vệ rừng sẽ tốt hơn”.

Cũng theo ông Khiết, các doanh nghiệp quốc doanh quản lý hàng chục nghìn ha rừng và cũng để nạn phá rừng xảy ra nặng nề nhất. Việc phá rừng không chỉ ảnh hưởng đến một người mà cả một thế hệ, thế nhưng việc xử lý không thỏa đáng, chưa đủ răn đe; xưởng cưa, nơi “nuốt” gỗ lậu lại được cấp phép rất đơn giản; luật pháp còn nhiều kẽ hở để lâm tặc lách luật…

Ông Khiết cho rằng cần phải rà soát lại tất cả các văn bản pháp luật liên quan đến rừng để có một sự thống nhất trong việc xử lý; “đặt lại vấn đề” về rừng, xử lý tại gốc thì rừng mới có hy vọng. Còn theo ông Luyện, rừng là tài sản quốc gia nhưng chưa được quan tâm đúng mức, chưa có sự chung tay của các bộ, ngành. Đây chính là khó khăn lớn nhất trong việc QLBVR.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem