Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Nguyễn Mạnh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Lang Chánh, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa cho hay: "Năm học 2022-2023, trường có 373 học sinh lớp 12. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy nguyện vọng của đa số các em chỉ là thi đỗ tốt nghiệp chứ không đăng ký xét tuyển đại học".
Theo thầy Tuấn, nhu cầu học sinh ở đây chủ yếu là lấy bằng tốt nghiệp THPT sau đó đi học nghề hoặc làm công nhân. Chỉ có khoảng 20 em trong tổng số học sinh cả trường có nguyện vọng xét tuyển đại học năm nay.
"Nhà trường quan tâm, động viên, chia sẻ với học sinh rất nhiều nhưng đặc thù địa phương là huyện miền núi, sự định hướng, quan tâm của bố mẹ ít cộng với việc các em tự đánh giá năng lực của mình nên các em chỉ đặt mục tiêu là thi đỗ tốt nghiệp", thầy Tuấn nói.
Hiện tại, Trường THPT Lang Chánh đang nỗ lực ôn tập cho học sinh theo kế hoạch của Sở GDĐT Thanh Hóa để các em hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với những học sinh yếu kém, các giáo viên chủ động giao bài, giảng dạy thêm cho các em. Tuy nhiên, theo thầy Tuấn, do giáo viên trong trường còn thiếu nên công tác giảng dạy và định hướng nghề nghiệp cho học sinh gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê của Bộ GDĐT năm 2022, có 20 tỉnh, thành có số thí sinh không đăng ký xét tuyển nguyện vọng nhiều nhất là Hà Nội dẫn đầu với 22.187 thí sinh, tiếp đến là Thanh Hóa (15.714 thí sinh), Nghệ An (14.145 thí sinh).
Hiện tại, một số trường ở Nghệ An đã hoàn thành việc khảo sát nguyện vọng của toàn bộ học sinh lớp 12. Tuy nhiên, kết quả năm nay cho thấy cũng có nhiều học sinh không muốn xét tuyển đại học.
Ở Trường THPT Nghĩa Đàn 2, trong số gần 500 học sinh lớp 12 thì 2 lớp C1 và C2 có 100% học sinh mong muốn đăng ký xét tuyển vào đại học. Các lớp từ C3 đến C7 tỷ lệ dao động từ 50 – 80%. Riêng 3 lớp cuối cùng là C8, C9 và C10, có đến 100% học sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT nhưng chỉ để lấy kết quả tốt nghiệp. Còn lại, không học sinh nào có nguyện vọng đăng ký vào đại học.
Được biết, hơn một nửa học sinh ở các lớp này có nguyện vọng được đi xuất khẩu lao động hoặc đi du học (nhưng thực chất là để đi làm). Một học sinh chia sẻ, không dự định vào đại học vì lo sợ không có việc làm sau khi ra trường. Sau khi tốt nghiệp, em sẽ đi du học theo hình thức vừa học, vừa làm để nhanh chóng có thu nhập và đỡ đần được gia đình.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 2 cho biết, không bất ngờ với kết quả thống kê này bởi lẽ những năm trước, số lượng học sinh lớp 12 không có nguyện vọng xét tuyển vào đại học đã khoảng 40 – 50%. Ngay trong quá trình học, các em đã biết năng lực của mình và không đặt quá nặng vấn đề cần phải vào đại học. Thay vào đó, các em lựa chọn đi học nghề, đi xuất khẩu lao động hoặc đi làm công nhân. Số học sinh đăng ký vào đại học, thường là những bạn học khá, giỏi và có khả năng trúng tuyển vào các trường đại học top đầu.
Lựa chọn khác thay vì đại học
Lý giải về việc nhiều học sinh hiện nay không đăng ký xét tuyển đại học, thầy giáo Trần Đình Mạnh, Hiệu trưởng Trường THPT Tương Dương 2, Nghệ An cho rằng, không khó để tìm được những lớp học có 100% học sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp. Theo thầy Mạnh, chi phí học đại học quá đắt đỏ nên nhiều gia đình ở vùng miền núi khó có thể kham nổi. Thế nên, các em học xong THPT chủ yếu chỉ muốn đi làm để có thu nhập.
Số học sinh không vào đại học đang ngày một nhiều. Qua khảo sát, Trường THPT Tương Dương 2 có gần 70% học sinh không đăng ký xét tuyển đại học.
Tại Trường THPT Quang Trung, Diễn Châu, Nghệ An, thầy Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, chỉ một tỷ lệ nhỏ học sinh ở trường đăng ký xét tuyển vào đại học. Còn lại, hầu hết các em muốn xuất khẩu lao động ở nước ngoài, thậm chí có những em lớp 11 đã nghỉ học để đi. Một số ít các em không có điều kiện sẽ chọn đi học nghề hoặc đi làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Mai Văn Đạt, Bí thư Đoàn Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An tiết lộ: "Qua khảo sát, 100% các em học sinh của trường có nguyện vọng học đại học. Năm 2022, tỉ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học đến 95%".
Lý giải về việc nhiều học sinh không muốn thi đại học, thầy Đạt cho rằng đây cũng là điều dễ hiểu: "Khi công tác phân luồng đã có hiệu quả, một bộ phận học sinh nhận thấy năng lực của mình vừa phải, các em sẽ chuyển hướng học nghề để tìm kiếm cơ hội việc làm. Nếu vào đại học, các em chỉ có khả năng đỗ vào các trường top cuối. Khả năng các em xin việc sau khi ra trường sẽ không cao trong khi đầu tư cho đại học mất nhiều thời gian và tiền bạc".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.