Luồng ý kiến trái chiều ở Thụy Điển về quyết định gia nhập NATO của chính phủ
76% người dân Phần Lan ủng hộ việc gia nhập NATO, trong khi con số ấy ở Thụy Điển chỉ là 57%. Động thái gia nhập liên minh quân sự của hai nước được thúc đẩy bởi chiến dịch của Nga ở Ukraine.
Trên thực tế, một số người Thụy Điển không chắc liệu việc gia nhập NATO có phải là lựa chọn phù hợp hay không. Phát biểu với CNN, sinh viên kinh tế Anton Hamburg cho rằng quyết định gia nhập NATO của Thụy Điển là "vội vàng": "Tôi không nghĩ mọi người nên sợ hãi việc Nga sẽ tấn công Thụy Điển. Tôi nghĩ điều này thật phi lý".
Anita Sullivan, 70 tuổi, người Thụy Điển, nói với CNN rằng Thụy Điển nên tiếp tục đóng vai trò giữ vững hòa bình. Việc gia nhập NATO là một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Stockholm, vì tính trung lập về quân sự là nguyên lý trung tâm của bản sắc dân tộc Thụy Điển.
Đối với Anita, những cảnh báo về Nga chỉ là "tuyên truyền của NATO". Thụy Điển đã không có chiến tranh với Nga trong 200 năm, cuộc chiến gần đây nhất nổ ra vào đầu thế kỷ 19.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người dân Thụy Điển đồng ý với quyết định của chính phủ về việc trở thành thành viên của NATO.
Với Rainer Pinior, một người sống sót sau Thế chiến 2 sinh ra ở Đức, định cư ở Thụy Điển cách đây 60 năm, việc gia nhập NATO là một hành động đúng đắn.
Hồi tưởng về cuộc chiến tranh, ông nói: "Tôi vẫn nhớ những ký ức thảm khốc ấy như mới ngày hôm qua".
Về quyết định xin gia nhập NATO của Thụy Điển, ông Rainer nói: "Đây là một việc làm đúng đắn. Bởi vì không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong mười ngày tới".
Trong bối cảnh Thụy Điển và Phần Lan công bố ý định gia nhập NATO, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ phải "tái cân bằng tình hình" nếu cả hai nước đều tham gia liên minh.
Tổng thống Vladimir Putin coi sự mở rộng về phía đông của NATO là một mối đe dọa và đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nhằm ngăn chặn điều này.
Bất chấp sự đảm bảo của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, các đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan đều đang phải đối mặt với những khó khăn. Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ quyết đơn của họ với lý do hai nước đang chứa chấp các thành viên của các nhóm chiến binh người Kurd mà Ankara coi là tổ chức khủng bố.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.