Gia đình anh Trần Hồng Phong (ở nhà trọ Ngọc Duyên, Ninh Kiều, Cần Thơ) cho biết chỉ ăn gạo từ quê gửi lên. Anh Phong (sinh năm 1980, ở xã Tân Phước, Gò Công Đông, Tiền Giang) lên Cần Thơ làm công nhân, gặp chị Trần Thị Cẩm Ngân quê tỉnh Trà Vinh cũng làm công nhân, lấy nhau và sinh con gái năm 2014. Ở Cần Thơ đã mấy năm, anh nói: “Cha mẹ tôi ở quê làm lúa, hằng tháng đều gửi gạo lên cho chúng tôi, không cho chúng tôi mua gạo ngoài chợ”. Theo lời anh, lúa để gia đình ăn, cha mẹ anh làm riêng không phun thuốc trừ sâu; còn những đám lúa khác có phun thuốc sâu như nhiều nông hộ trong vùng, làm để bán.
Quan điểm
Muốn có gạo thương hiệu chất lượng cao, phải đầu tư đồng bộ từ giống, quy trình sản xuất đến chế biến, bảo quản. Khả năng đầu tư đến đâu, mở rộng diện tích đến đó, chứ đừng chạy theo thành tích, khó thành công.
Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua
Ở khu dân cư Hồng Phát thuộc phường An Bình, Ninh Kiều, Cần Thơ, gần năm nay xuất hiện điểm bán gạo Campuchia của chị Phan Thị Cẩm Tú. Chị Tú quê ở thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ) lên quận Ninh Kiều lấy chồng, sinh sống bằng công việc khác, khi thấy nhiều người vất vả tìm gạo “sạch” mới đem gạo Campuchia lên bán. Chị giới thiệu gạo mùa hương lài, do cha mẹ mua từ Campuchia về sấy và xay ra gạo, đóng gói bán giá 18.000 đồng/kg, còn gạo lứt 23.000 đồng/kg, tấm 13.000 đồng/kg, và cám 50.000 đồng/kg. Theo chị Tú, cám nguyên chất qua sàng lọc rất mềm và mịn, ăn có tác dụng làm sáng da, mờ vết thâm, tẩy da chết, hạn chế tối đa mụn đầu đen. Chị Tú cho biết, bán gạo chỉ là việc phụ nhưng một tháng cũng được 1-2 tấn.
Chuẩn bị đem gạo Campuchia giao cho khách ở cửa hàng chị Tú
Nhu cầu mua gạo ngoại tăng
Cha của chị Tú là ông Phan Huy Phong, kinh doanh lúa gạo trên 30 năm, có nhà máy xay xát. Ông kể, lúa Campuchia ông mua ở các tỉnh giáp với Thái Lan, vùng đất cao nên một năm chỉ làm được một vụ vào mùa mưa, “người dân không bón phân và không phun thuốc trừ sâu, năng suất chỉ chừng 4 tấn/ha, khác với những tỉnh giáp Việt Nam làm lúa cao sản đã bón nhiều phân và phun thuốc sâu”.
Lúa mùa của họ được thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 11 âm lịch, ông cũng chỉ có thể mua dịp đó. Để có hàng bán quanh năm, ông sấy khô dự trữ. Theo ông Phong, trước đây mua ít nhưng gần đây nhu cầu tăng nên mua nhiều, một năm khoảng 2.000 tấn lúa, nhập về Việt Nam qua cửa khẩu Xuân Tô, Khánh Bình (An Giang), Xà Xía (Kiên Giang). “Gạo làm ra bán cho doanh nghiệp tiêu thụ trong nước, được kiểm nghiệm chất lượng đầy đủ, không dư lượng thuốc trừ sâu”, ông Phong nói.
Ở An Giang, một trong những tỉnh có sản lượng lúa hàng đầu cả nước, nhiều người dân cũng theo trào lưu sùng sạo “sạch” ngoại. Gia đình bà Nguyễn Thị Lan ở xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu có 7 người, hằng tháng đều mua gạo Campuchia hoặc Thái Lan. Nhà bà có trồng 1 ha lúa IR50404 nhưng bán hết cho thương lái sau khi gặt. Tại xã Vĩnh Xương, gạo IR50404 giá 9.500 đồng/kg, gạo Campuchia giá 15.000 - 17.000 đồng/kg.
Gia đình ông Trần Văn Thời đã kinh doanh gạo hơn 20 năm ở chợ Mỹ Long (thành phố Long Xuyên, An Giang), chục năm nay cũng sính ăn gạo ngoại. Ông giải thích: “Chọn gạo ngoại vì nghe bảo họ không bón phân hóa học, thuốc trừ sâu nên có cảm giác ngon, hy vọng an toàn cho sức khỏe. Còn gạo xứ ta chạy theo năng suất, bón nhiều phân hóa học và phun thuốc sâu, sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ”.
Nhiều nơi ở ĐBSCL đang có hiện tượng treo bảng bán gạo Campuchia, Thái Lan. Xu hướng sùng gạo ngoại đang “lan tỏa”. PV Tiền Phong hỏi: “Căn cứ vào đâu để khẳng định gạo ngoại là sạch?”. Chị trả lời: “Nhìn hột gạo là biết ngay thôi ạ”. Hỏi nhiều người cũng chỉ nghe rằng, nhiều người nói vậy, chớ cơ quan kiểm định có đưa ra khuyến cáo gì đâu?
Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực tổ chức vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu, sản xuất gạo đóng túi. Tuy nhiên, vụ đông xuân 2014-2015, theo Cục Trồng trọt, diện tích cánh đồng lớn ở ĐBSCL mới đạt 130.332 ha, bằng 8,3% tổng diện tích gieo sạ, và chưa đến một nửa trong đó được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu. Hiện nay, gạo đóng túi bán nội địa phải chịu VAT 5%, còn xuất khẩu 0%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.