Nhiều người trẻ chưa hiểu tác hại của ma túy đá

Thùy Anh Thứ hai, ngày 02/12/2019 10:47 AM (GMT+7)
Nhiều năm gần đây tỷ lệ người nghiện ma túy có chiều hướng tăng cao, đặc biệt là những người trẻ. Thế nhưng không phải người trẻ nào cũng có đủ những hiểu biết về độ nguy hại của ma túy.
Bình luận 0

Ma túy đá đã xâm nhập mọi nơi

Từ quán bar đến ngõ nhỏ, thậm chí là ngay trong chính trường học ở cả nông thôn và thành thị các em vẫn có thể tiếp cận hàng ngày với ma túy. Thế nhưng vì thiếu kiến thức, không có sự hiểu biết về tính nguy hại của ma túy đá mà nhiều em đã trở thành đối tượng để kẻ xấu dụ dỗ.

img

70% người nghiện ma túy độ tuổi dưới 30 tuổi.

Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, tính trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam có thêm khoảng 10 vạn người nghiện ma tuý. Điều đáng lưu ý, trong số đó, có khoảng 70% số người nghiện dưới 30 tuổi; 5% người sử dụng ma túy ở tuổi chưa thành niên (dưới 18 tuổi), riêng trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 50%. Thực trạng trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ ma túy xâm nhập học đường.

Hiện nay, tình hình người sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) ở Việt Nam tiếp tục gia tăng ở tất cả các địa phương, chiếm khoảng 70% tổng số người nghiện. Riêng ở một số tỉnh miền Trung và miền Nam, tỷ lệ này lên đến  85 – 90 %. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu sức khỏe tâm thần Trung ương, loạn thần ở người sử dụng ATS chủ yếu là hoang tưởng, chiếm tỷ lệ 68,2%, ảo giác là 72,7%, trầm cảm chiếm 23,8% và 15% trầm cảm trong thời gian 3 năm sau khi sử dụng. Những người trầm cảm thường có hành vi quấy rối an ninh trật tự, vi phạm pháp luật, thậm chí tự sát gây rất nhiều khó khăn công tác quản lý, ảnh hưởng tới đời sống của người dân.

“32,5% phụ huynh học sinh và giáo viên không biết về các loại ma túy và tác hại của các loại ma túy; 29,5% có hiểu biết một chút;  25% biết khá rõ và 13% biết rõ về ma túy. Tuy nhiên, phần lớn kiến thức mà phụ huynh và giáo viên hiểu về ma túy mới chỉ dừng lại ở việc ma túy là chất gây nghiện, có tác động tiêu cực đến người sử dụng, cón hiểu và nhận diện đó là loại ma túy nào và tác hại ra sao, gây hậu quả thế nào với người sử dụng thì hầu như chưa nắm vững. Bên cạnh đó, kỹ năng nhận diện và xử lý khi nghi ngờ con em mình có dấu hiệu sử dụng ma túy, cũng chiếm tỷ lệ rất thấp”.

Học sinh thiếu kiến thức ma túy trầm trọng

Theo Ông Lê Trung Tuấn - Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD), những người trẻ đang thiếu kiến thức trầm trọng về ma túy. Nghiên cứu từ năm 2014 của Viện PSD về “Thực trạng nhận thức của học sinh sinh viên về ma túy: Nguyên nhân và giải pháp” trên 1.100 học sinh các trường phổ thông ở 5 quận của TP.Hà Nội và một số địa phương khác cho thấy, chỉ có 4,5% số học sinh nói rằng mình hiểu biết về khái niệm và các chất ma túy, trong khi đó có tới 42,2 % tự đánh giá mình không hiểu về nội dung này; 44% các em không hiểu biết gì về dấu hiệu để nhận biết người nghiện ma túy và gần 40% chưa biết đến kỹ năng cần thiết phòng tránh ma túy.

Đặc biệt, những loại ma túy tác động trực tiếp đến hệ thần kinh của người sử dụng và đang trở nên phổ biến hiện nay, nhất là trong giới trẻ như ma túy đá, chỉ có 56,4% số học sinh cho rằng chất đó khả năng gây nghiện, còn một số chất khác như shisha, bóng cười cũng rất ít học sinh biết đến. Nhận thức chưa đầy đủ cùng với tâm lý chủ quan khi cho rằng những loại ma túy trá hình này không có khả năng gây nghiện và không nguy hại đến sức khỏe là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi sử dụng ma túy ở học sinh hiện nay. Về nguyên nhân: 65% học sinh không biết tác hại của ma túy nên tò mò và dùng thử; 27% do bạn bè rủ rê, mời và lôi kéo sử dụng; 8% do bị lừa mà không hay biết

Trong khi đó, ma túy hiện nay biến tướng, giả dạng và trá hình dưới nhiều hình thức khác nhau, khó nhận biết nhưng tên gọi lại vô cùng hấp dẫn lứa tuổi học sinh như nước vui, trà sữa, nấm ma thuật, tem giấy, bóng cười – funky ball,… Vì thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng nhưng lại chủ quan, thờ ơ nên nhiều em đã sa ngã vào ma túy mà không hay biết.

Ông Tuấn cho rằng để cung cấp kiến thức ma túy cho các em, các trường cần đa dạng hình thức truyền thông. Theo đó ứng dụng chương trình truyền thông mới, lấy học sinh làm trung tâm, lồng ghép với các hoạt động trò chơi “học mà chơi – chơi mà học”.

Thời gian qua, Viện PSD xây dựng và thực hiện đổi mới phương thức truyền thông phòng, chống ma túy cho học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm tại Khu trưng bày tuyên truyền tác hại về ma túy (Khu Du lịch Sinh thái Long Việt, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội). Học sinh tới đây sẽ được tham quan, tìm hiểu kiến thức ma túy. Ngoài ra các em còn được giao lưu với những người đã và đang điều trị cai nghiện ma túy, về sự đau khổ của những người một lần lầm lỡ từ đó giúp em có cái nhìn đúng và tránh xa ma túy.

“Theo tôi cần truyền thông toàn diện, khoa học và hấp dẫn về kiến thức phòng chống ma túy, có vậy các bạn trẻ mới hào hứng đón nhận. Đặc biệt, Bộ GDĐT cần xây dựng tài liệu, lồng ghép các chương trình giáo dục vào trong sách giáo khoa, tổ chức các cuộc thi về chủ đề ma túy để các em tham gia nhằm nâng tầm hiểu biết” – ông Tuấn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem