Tại thành phố cảng Dương Giang ở phía tây Quảng Đông, hơn 1.000 chiếc tàu cá đã hướng về Biển Đông sau khi Phó Chủ tịch tỉnh Lưu Côn thông báo khai mạc lễ hội nghề cá của tỉnh này.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2012/images/2012-08-03/1434702161-185_16_tau-ca.jpg) |
Tàu cá Trung Quốc ồ ạt ra Biển Đông. |
Theo ông Lưu, hơn 14.000 chiếc tàu cá đăng ký tại Quảng Đông sẽ khởi hành hướng ra Biển Đông để đánh bắt hải sản. Tại tỉnh Hải Nam, theo các quan chức ngư nghiệp thì sẽ có khoảng 9.000 chiếc tàu cá chở theo 35.611 ngư dân cũng chuẩn bị đổ ra Biển Đông. Như vậy, có ít nhất 23.000 chiếc tàu cá Trung Quốc sẽ hoạt động tại Biển Đông trong những ngày tới.
Nhật báo Hải Nam đưa tin, đội tàu cá Trung Quốc đã lên đường ra khơi khi chính quyền tỉnh Hải Nam nói rằng, họ đang tìm cách tăng cường đánh bắt hải sản trong khu vực, trong đó có vùng biển xung quanh cái gọi là thành phố Tam Sa. Thành phố này mới được thành lập gần đây nhằm chiếm giữ hai quần đảo tranh chấp ở Biển Đông là quần đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) và Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), và quần đảo Trung Sa.
Tờ báo này cũng cho biết Chính quyền tỉnh Hải Nam đã giúp đỡ ngư dân địa phương đóng nhiều tàu đánh bắt cá hiện đại hơn. Ông Fu Kuen-chen, chuyên gia về Luật Hàng hải ở Đài Loan cho rằng, việc trang bị cho ngư dân Hải Nam những tàu thuyền tốt hơn rõ ràng là khuyến khích họ ồ ạt tiến ra đánh bắt tại các vùng biển sâu đang có tranh chấp.
Chuyên gia này nhấn mạnh: “Các tàu đánh cá bằng lưới vét có thể tập hợp thành những đội tàu cá để hoạt động ở ngoài khơi xa. Đây cũng là cách thường được các ngư dân Đài Loan áp dụng trước đây, coi đó là một biện pháp nhằm xua đuổi các tàu quân sự Indonesia đến quấy nhiễu hoạt động đánh bắt của họ”.
Tuy nhiên, theo Fu Kuen-chen, các hoạt động như vậy sẽ mang theo những nguy cơ cố hữu, bởi kế hoạch tổ chức các đội tàu cá cho ngư dân Hải Nam đánh bắt ở các vùng biển sâu chắc chắn sẽ đưa họ ra các vùng biển tranh chấp. “Những hành động này chắc chắn sẽ khiến Việt Nam và Philippines khó chịu, khiến họ có thể thực hiện các hành động đáp trả” - chuyên gia này nhận xét.
Ông Fu Kuen-chen nói thêm rằng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 khuyến khích các nước có tranh chấp lãnh hải thương lượng với nước khác để nỗ lực đạt được một thỏa thuận hòa bình.
Quang Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.