Thông tin về chương trình bình ổn thị trường năm 2022 và Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn TP.HCM, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết năm nay có 69 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình. Ở nhiều ngành hàng, số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đều tăng.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, trong bối cảnh giá cả nguyên vật liệu toàn cầu biến động phức tạp, để đảm bảo khả năng bình ổn thị trường, đặc biệt các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, sở đã vận động thêm các nguồn lực xã hội tham gia chương trình, tăng sản lượng cung cấp.
Ở nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu có 39 doanh nghiệp tham gia, tăng 4 doanh nghiệp so năm 2021. Lượng hàng đăng ký tăng mạnh so năm 2021.
Cụ thể: gạo tăng 27% , đường tăng 56%, dầu ăn tăng 101%, thịt gia cầm tăng 2%, trứng gia cầm tăng 6%, thực phẩm chế biến tăng 31%, gia vị tăng gấp 5 lần, lương thực khô (mì, bún, phở… khô) tăng gấp 8 lần.
Mặt hàng sữa có 7 doanh nghiệp tham gia, tăng 4 doanh nghiệp.
Nhóm hàng phục vụ mùa khai giảng có 11 doanh nghiệp tham gia, tăng 1 doanh nghiệp so năm 2021. Lượng hàng cung ứng như tập học sinh, đồng phục học sinh, cặp, ba lô, túi xách chiếm 35%-50% nhu cầu thị trường.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết tham gia chương trình bình ổn thị trường năm nay, có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao.
Một số đơn vị lớn lần đầu tham gia: Cholimex (gia vị), TH True Milk (sữa), MM Mega Market, Cental Retail (phân phối)…
Các đơn vị chủ lực về hoạt động phân phối như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Satra, MM Mega Market, Cental Retail, Aeon Citimart, GS25…
Một số đơn vị cung ứng chủ lực các mặt hàng lương thực, thực phẩm như: Vissan (thịt gia súc, thực phẩm chế biến…), C.P Việt Nam (thịt gia súc, trứng gia cầm), Sagrifood (thịt gia súc), Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt (trứng gia cầm), Foodcosa, Vinh Phát, Tấn Vương (gạo), Colusa – Miliket, Bình Tây (mì, bún, phở khô), Sài Gòn Food (thực phẩm chế biến), San Hà…
Một số đơn vị cung ứng các mặt hàng sữa như Vinamilk, NutiFood, TH Truemilk… Cung ứng các mặt hàng mùa khai giảng tham gia chương trình như Fahasa, Nhân Văn (phân phối, tổng hợp), Hami, Mr.Vui, LilaMiti (cặp, ba lô, túi xách), Vĩnh Tiến (tập học sinh), Leedo (giày dép)…
Một số đơn vị cung ứng chủ lực các mặt hàng dược phẩm như Domesco, OPV, Merap, Tipharco, Imexpharm, Pymepharco, Agimexpharm, Stada, Roussel, Naduphar…
Đại diện Sở Công Thương cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục đôn đốc doanh nghiệp bình ổn thị trường xây dựng phương án tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ… đúng tiến độ, kế hoạch của UBND TP; đảm bảo sản lượng cung ứng ra thị trường đầy đủ, giá bán ổn định.
Sở cũng sẽ phối hợp chặt chẽ hệ thống phân phối trên địa bàn, vận động chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác trong giai đoạn hiện nay để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người dùng; đặc biệt đẩy mạnh đối với sản phẩm bình ổn thị trường và các mặt hàng thiết yếu khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.