Nhiều phương án hỗ trợ doanh nghiệp và lao động đi nước ngoài
Nhiều phương án hỗ trợ doanh nghiệp và lao động đi nước ngoài
Nguyệt Tạ (thực hiện)
Thứ bảy, ngày 11/07/2020 06:08 AM (GMT+7)
Phải làm gì để vượt qua các khó khăn, thách thức, đón thời cơ tiếp tục hoạt động XKLĐ? Phóng viên Báo NTNN/Dân Việt phỏng vấn ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH).
Ông có nhận định gì về hoạt động XKLĐ qua 6 tháng đầu năm 2020?
- Do tác động của dịch Covid-19, 6 tháng qua việc XKLĐ gặp nhiều khó khăn. Hoạt động XKLĐ cả trong nước và nước tiếp nhận đều không thực hiện được.
6 tháng đầu năm cả nước đưa 33.510 lao động đi làm việc ở các thị trường nước ngoài, trong đó Đài Loan là 10.300 lao động, Nhật Bản 21.107 người, còn lại là các thị trường khác. Mục tiêu năm 2020 chúng ta sẽ đưa 120.000 người đi làm việc ở nước ngoài, nhưng tới nay mới thực hiện được gần 1/3 chỉ tiêu.
Qua khảo sát, trong tháng 6 cũng đã có một số DN túc tắc đưa lao động đi XKLĐ ở Đài Loan, Hàn Quốc (diện thuyền viên), nhưng không nhiều. Chúng tôi hy vọng trong tháng 7 và tháng 8 tới tình hình XKLĐ sẽ khả quan hơn, tuy nhiên trên thế giới dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát và có diễn biến phức tạp, vì vậy dự báo công tác XKLĐ vẫn sẽ gặp những khó khăn mới.
Triển vọng nào cho lao động Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid -19 vẫn còn tồn tại? Liệu lao động có cơ hội đi nước ngoài làm việc trong thời gian tới?
- Qua nắm bắt tình hình, Cục Quản lý lao động ngoài nước thấy rằng, một số thị trường tiềm năng của chúng ta đã có những tín hiệu nhằm chuẩn bị tuyển dụng lại lao động. Đầu tiên là 3 thị trường tiềm năng: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. 3 thị trường này chiếm trên 90% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện giới chủ sử dụng lao động ở Hàn Quốc và Đài Loan đều muốn tiếp nhận lao động Việt Nam để khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19. Cuối tháng 6 và đầu tháng 7, Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc chính thức nối lại kỳ thi năng lực tiếng Hàn tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, điều đó cho thấy thị trường này sẽ sớm mở cửa trở lại.
Đối với thị trường Nhật Bản, nhu cầu lao động rất cao, tập trung ở các ngành nghề nông nghiệp, chăm sóc người cao tuổi, chế biến suất ăn, thực phẩm... Hai nước đang đàm phán để mở cửa thị trường trở lại dự kiến vào cuối tháng 7, đầu tháng 8. Bộ LĐTBXH sẽ có văn bản hướng dẫn DN mở lại thị trường, trước mắt là các thị trường đã an toàn và có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam.
Hiện nay Cục có giải pháp nào để hỗ trợ DN và người lao động đi XKLĐ?
- Để hỗ trợ tích cực cho người lao động và DN XKLĐ, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã tổng hợp ý kiến của các DN để có thể hoàn thiện và gửi kiến nghị lên cơ quan, ban ngành và Chính phủ nhằm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN.
Trước mắt có thể là hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục hành chính cho DN, giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm; tăng cường giải quyết trực tuyến (online) đối với đăng ký hợp đồng, cấp phép cho các DN.
Tạm thời dừng việc thanh tra định kỳ đối với các DN đến hết quý II/2020. Cục Quản lý lao động ngoài nước, Thanh tra Bộ LĐTBXH chỉ tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có đơn thư khiếu nại, thắc mắc từ người lao động, thân nhân người lao động và phản ánh của cơ quan thông tấn, báo chí.
Ngoài ra, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đang phối hợp Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước trao đổi với đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, nghiên cứu việc giãn nộp khoản đóng góp 1% số thu tiền dịch vụ của DN vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước trong thời gian dịch bệnh hoặc cả năm 2020.
Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng sẽ được hoàn trả một phần các khoản chi phí và hỗ trợ như tiền môi giới, tiền dịch...
Thời gian tới Cục có giải pháp nào để có thể đạt mục tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài?
- Về giải pháp, Cục đã đề ra nhiều phương án nhằm hỗ trợ DN và người lao động trong bối cảnh có dịch Covid-19. Trước đó, liên tiếp trong các tháng cao điểm dịch bệnh, Bộ LĐTBXH có văn bản hướng dẫn các DN đưa lao động đi an toàn, đảm bảo công tác phòng dịch, sau đó là có văn bản tạm thời ngừng đưa lao động đi làm việc ở một số thị trường bùng phát dịch. Đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý lao động, khi có vấn đề phát sinh sẽ hướng dẫn tư vấn cho lao động đang làm việc ở nước ngoài.
Căn cứ vào tình hình dịch bệnh hiện tại, chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn các DN sẵn sàng trong việc chuẩn bị tuyển chọn lao động, tạo nguồn chuẩn bị xuất cảnh khi thị trưởng mở cửa đón lao động trở lại.
Hướng triển khai vẫn là tăng cường công tác XKLĐ ở một số thị trường trọng điểm, tiềm năng như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.