Tạm ứng rồi nợ kéo dài
Ngày 18.7, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Văn Minh (46 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Chế biến thực phẩm Phú An Sinh (trụ sở quận 12, TP.HCM) - doanh nghiệp nổi tiếng về chăn nuôi, giết mổ và phân phối thực phẩm sạch, để điều tra về hành vi sử dụng trái phép tài sản.
|
Người dân mua hàng bình ổn giá tại cửa hàng ở quận 2, TP.HCM. |
Cụ thể, trong dịp Tết năm 2011, Công ty Phú An Sinh được Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (nơi Phú An Sinh đặt nhà máy chế biến) tạm ứng 16,5 tỷ đồng với lãi suất 0% để bình ổn giá (BOG) và đảm bảo hàng hóa tiêu dùng. Chương trình BOG kết thúc cuối tháng 5.2011, nhưng đến nay công ty còn nợ hơn 10 tỷ đồng.
Sự việc giám đốc Công ty Phú An Sinh lấy tiền BOG để đầu tư, kinh doanh việc khác lần đầu tiên được phát hiện và đưa ra công luận ngay lập tức được các chuyên gia trong lĩnh vực này coi là một minh chứng rõ ràng, một hồi chuông cảnh báo về mặt trái của chính sách BOG được triển khai những năm gần đây.
Rõ ràng, không thể phủ nhận bên cạnh những mục đích tốt đẹp mà chính sách BOG hướng tới, đó là nhằm giữ giá cả một số mặt hàng trong diện bình ổn không tăng cao trong bối cảnh lạm phát khiến giá cả chung tăng mạnh ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng có thu nhập thấp, thì nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ hiệu quả của chính sách này trên thực tế.
Trao đổi với NTNN sau khi sự kiện giám đốc Công ty Phú An Sinh bị bắt, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Vụ việc Công ty Phú An Sinh làm sai, ảnh hưởng đến chủ trương của chính sách BOG nói chung là do Sở Công Thương của tỉnh đó phải chịu trách nhiệm, vì mỗi địa phương đều có những quy định riêng, cụ thể để áp dụng cho các doanh nghiệp trên địa bàn mình.
Cần cắt “bầu sữa” bao cấp
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khi đề cập đến chính sách này đã thẳng thắn cho rằng: Không nên tiến hành phương thức BOG bằng việc rót tiền cho doanh nghiệp vì dễ gây cơ chế xin - cho, sử dụng không đúng mục đích. “Việc đưa một lượng tiền lớn ra để BOG nhưng không kiểm soát được giá các mặt hàng khi bán ra thì dẫn đến việc tiền dành cho BOG sẽ rơi vào túi doanh nghiệp. Ý định tốt nhưng tôi cho rằng hiệu quả còn rất “phập phù” và vì vậy không thể tránh được việc lãng phí nguồn lực, ngân sách” - ông Doanh nói.
Bà Minh Thu - chủ siêu thị tư nhân trên phố Đào Tấn (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: Chương trình BOG cần tiến tới tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Không thể để tình trạng doanh nghiệp lớn, mạnh mới được phân bổ ngân sách và được hưởng ưu đãi mà không phải cạnh tranh, dùng vốn ưu đãi để tích trữ mặt hàng khác.
Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý khi nhìn nhận về chính sách BOG đã cho rằng: Không nên trông chờ phụ thuộc vào sự làm ăn trung thực của doanh nghiệp. Vì sẽ có doanh nghiệp trung thực nhiều, nhưng cũng có doanh nghiệp trung thực ít. Do đó, mong muốn hàng hóa thiết yếu được trợ giá thông qua tiền BOG được bán theo đúng giá quy định là việc rất khó thực hiện.
Cùng quan điểm với ông Doanh, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng: BOG là một chương trình “phi thị trường” chắc chắn sẽ tạo nên cơ chế xin cho và nảy sinh tiêu cực.
“Cần cắt ngay “bầu sữa” bao cấp. Doanh nghiệp nào được cấp trăm tỷ, doanh nghiệp nào được cấp chục tỷ, ai là người đánh giá, thẩm định? Rồi “năm thì mười họa” mới đi kiểm tra thì sự việc xảy ra như Phú An Sinh là điều dễ hiểu” - ông Phú nói.
Theo ông, các địa phương cần dẹp ngay chương trình BOG như tỉnh Tiền Giang đã “bỏ” 4 - 5 tháng trước đây bởi nếu tiếp tục duy trì sẽ bị doanh nghiệp lợi dụng, khi tiền bình ổn là tiền ngân sách, là tiền chung thì doanh nghiệp sẽ dễ lợi dụng để tham ô. “Nên cho phép doanh nghiệp tự trích quỹ bình ổn và để tại doanh nghiệp thì họ sẽ chi tiêu hiệu quả hơn, cơ bản hơn và đặc biệt là đúng mục tiêu hơn” - ông Phú khẳng định.
Hồ Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.