Những yếu kém vốn có của nền kinh tế chưa khắc phục được triệt để, thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ... là những yếu tố được Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa dẫn chứng để minh chứng cho áp lực đẩy giá tăng trong năm 2011.
Thưa ông, trong năm 2011, theo lộ trình sẽ có nhiều mặt hàng thiết yếu đã bị "kìm giá" trong năm 2010 sẽ phải để thị trường điều tiết như: Điện, than, xăng, dầu, nước sạch… Hiện tại, dư luận đang quan tâm xung quanh "thời điểm thích hợp" sẽ tiến hành điều chỉnh giá của các mặt hàng này sẽ là khi nào?
- Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường đối với những mặt hàng thuộc diện Nhà nước đang quản lý như điện, than… bảo đảm khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả… đó là công việc bắt buộc phải làm, nhưng cần phải lựa chọn vào thời điểm thích hợp và tránh tập trung điều chỉnh trong cùng một thời điểm nhằm giảm thiểu tác động cộng hưởng gây hiệu ứng tâm lý đẩy giá hàng hóa dịch vụ khác tăng.
Thời điểm thích hợp được tính đến sẽ là thời điểm cung cầu hàng hóa dịch vụ diễn biến bình thường, mặt bằng giá không bị biến động bất thường do tác động của các yếu tố như thiên tai, nhu cầu sức mua có khả năng thanh toán tăng quá cao trong các dịp lễ, Tết, các sự kiện chính trị, xã hội được tổ chức với quy mô lớn…
Dự báo về kịch bản của giá cả cho năm nay khả năng sẽ diễn biến ra sao, thưa ông?
- Nghị quyết của Quốc hội kỳ họp thứ 8, khóa XII đã đặt ra mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%. Đây là công việc hết sức khó khăn, đòi hỏi phải có sự phấn đấu quyết liệt với nhiều biện pháp đồng bộ.
|
Những ngày gần đây, doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ, nhưng vẫn chưa được phép tăng giá. |
Bên cạnh những nhân tố khách quan, còn có những nguyên nhân ở trong nước tác động trực tiếp đẩy giá có xu hướng tăng như: Những yếu kém vốn có của nền kinh tế chưa khắc phục được triệt để, như cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả sử dụng vốn, kết cấu hạ tầng… tiềm ẩn những yếu tố gây lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô.
Nền kinh tế phục hồi khá nhanh và lấy lại đà tăng trưởng sau ảnh hưởng của khủng hoảng, như vậy nhu cầu nguyên, nhiên, vật liệu để phục vụ tăng trưởng sẽ tăng, gây áp lực đẩy giá tăng. Tiếp tục lộ trình cải cách tiền lương trong năm, thu nhập tăng sẽ làm tăng cầu, gây sức ép đẩy giá tăng. Tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước còn định giá…
Thời điểm này, nhiều nguyên liệu đầu vào khác đã tăng giá như xi măng, thép… đe doạ đến việc tăng giá của nhiều hàng hoá tiêu dùng. Ông có thể đánh giá về khả năng tác động đến lạm phát, CPI trong các tháng tiếp theo? Liệu CPI tháng 2 có ở mức 1,4% như mong muốn hay không?
- Sức ép gây tăng giá, lạm phát năm 2011 như đã nói là không nhỏ. Để giảm sức ép này phải thực hiện ngay việc đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhất là hiệu quả sử dụng vốn và năng suất các nhân tố tổng hợp, tiếp tục cắt giảm bội chi ngân sách… không tăng trưởng bằng bất kỳ giá nào và áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ khác về tiền tệ, kiểm soát giá, bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa dịch vụ.
Ba tháng đầu năm thường là chỉ số tăng cao trong năm, do đó là những thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán và nhiều lễ hội lớn, nhu cầu tăng cao; tháng 1 chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 1,74%, tháng 2 sẽ nằm trong khoảng 1,5%- 2%... Nếu kiềm chế có hiệu quả thì giá của các tháng trong quý II, quý III sẽ thấp hơn các mức tăng này.
Hiện tại, riêng với mặt hàng xăng, dầu đang có mức thuế nhập khẩu là 0%, tiền từ quỹ bình ổn không còn nhiều, trong khi các doanh nghiệp kêu lỗ từ lâu, nếu doanh nghiệp kinh doanh tiếp tục đề xuất tăng giá trong ngày một, ngày hai thì liệu có được cơ quan quản lý chấp thuận, thưa ông?
- Giá xăng, dầu trên thị trường thế giới trong nhiều tháng qua luôn vận động theo xu thế tăng, hiện nay nếu tính giá bình quân 30 ngày so với 30 ngày trước đó giá đã tăng từ 3,86 - 7, 34% tùy loại. Trong khi hiện tại với mức giảm thuế từ 0- 2% thì mức chênh lệch âm giữa giá hiện hành so với giá cơ sở đối với xăng khoảng: 1.104 đồng/lít; diesel: 1.046 đồng/lít; dầu hỏa: 1.109 đồng/lít; ma dút: 910 đồng/lít…
Điều đó đang làm cho kinh doanh xăng, dầu gặp khó khăn. Nếu giá thị trường thế giới tiếp tục nhích lên, chúng ta phải có giải pháp điều hành phù hợp, linh hoạt cả phí, thuế, quỹ bình ổn giá và kể cả việc xử lý mức giá cụ thể, giúp sản xuất kinh doanh bình thường và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Việc điều hành giá cả trong năm 2011 sẽ có nhiều khó khăn, khi mà nhiều nhóm hàng hóa sẽ "thoát dần" sự quản lý hành chính của Nhà nước. Ông có "lường" trước được những khó khăn để đảm bảo duy trì mức độ quản lý của cơ quan Nhà nước hay không, và giải pháp để hài hòa các mục tiêu trong năm 2011 là gì?
- Chúng ta nhất quán thực hiện cơ chế giá thị trường nhưng không phải là tự do, tự phát mà phải có sự quản lý của Nhà nước. Quản lý của Nhà nước không nên hiểu theo nghĩa hẹp là Nhà nước định giá. Trong cơ chế giá thị trường thì quyền định giá của Nhà nước sẽ giảm đi mà phải thực hiện quản lý bằng các biện pháp kinh tế vĩ mô gián tiếp để tôn trọng quyền tự định giá, thỏa thuận giá, cạnh tranh về giá của thị trường.
Trước hết là phải quản lý giá bằng pháp luật, tạo ra cơ chế để doanh nghiệp tính giá theo căn cứ, phương pháp, nguyên tắc do Nhà nước hướng dẫn; mở rộng cơ chế đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá; kiểm soát giá bằng những hình thức thích hợp như: Kiểm soát giá độc quyền, kiểm soát các yếu tố hình thành giá, đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá… Đi liền với nó là thực hiện tốt việc điều hòa cung cầu hàng hóa dịch vụ; điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ hợp lý…
Xin cảm ơn ông!
Hương Thủy (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.