Nhìn lại sự kiện vịnh Bắc Bộ và quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh hải

Lương Kết (thực hiện) Thứ sáu, ngày 02/08/2019 06:15 AM (GMT+7)
Theo Đại tá, PGS –TS Trần Ngọc Long, nhìn lại sự kiện vịnh Bắc Bộ cách đây 55 năm cho thấy, ý thức và quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh hải của chúng ta đã sẵn sàng từ trước chứ không bị động, bất ngờ. Do đó dù lực lượng Hải quân còn non trẻ nhưng đã dám đương đầu và đánh đuổi tàu USS Maddox (Mỹ) khi chúng xâm phạm lãnh hải Việt Nam.
Bình luận 0

img

Đại tá, PGS -TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (ảnh IT).

Nhân dịp 55 năm diễn ra trận đánh đầu tiên và oanh liệt của Hải quân nhân dân Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền lãnh hải, và câu chuyện về sự kiện vịnh Bắc Bộ, PV Dân Việt đã trao đổi với Đại tá, PGS –TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (Bộ Quốc phòng) để hiểu rõ hơn về sự kiện này.

Là nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, ông có thể nói rõ hơn về trận đánh đầu tiên của Hải quân Việt Nam, trận đánh này có liên quan gì đến cái gọi là "sự kiện vịnh Bắc Bộ"?

- Thực ra để nói trận đầu đánh thắng của Hải quân nhân dân Việt Nam là ngày 5/8/1964 (có 8 máy bay địch bị bắn rơi, nhiều máy bay địch bị hư hỏng nặng), còn trận ngày 2/8/1964 là trận đánh đuổi tàu Maddox ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Riêng trận ngày 4/8/1964 là sự kiện không có thật, điều này do Mỹ dựng lên nhằm tạo cớ để Quốc hội Mỹ lúc đó thông qua nghị quyết cho phép Tổng thống Johnson tiến hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả sử dụng lực lượng vũ trang để giúp đỡ bất kỳ quốc gia nào là thành viên hoặc nước bảo trợ của Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) yêu cầu giúp đỡ.

Thời gian qua, ngày càng có nhiều nhà khoa học của Mỹ, các tướng lĩnh của Mỹ liên quan đến sự kiện vịnh Bắc Bộ trong lời sám hối, những nhân chứng lịch sử đã đưa ra bằng chứng khẳng định sự kiện vịnh Bắc Bộ là không có thật, đây là câu chuyện được Mỹ dựng lên nhằm tạo cớ để mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc Việt Nam.

Cần phải nói tư tưởng tấn công ra miền Bắc của Mỹ đã có từ thời Tổng thống Kennedy (1917 -1963) nhưng điều kiện hoàn cảnh lúc đó chưa cho phép Mỹ thực hiện. Ở miền Nam Việt Nam thời đó chưa tới mức bi đát. Năm 1963, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm bị đảo chính và sát hại thì chính quyền Sài Gòn bắt đầu lung lay và Mỹ thực hiện mưu đồ tấn công ra miền Bắc Việt Nam hòng cứu vãn tình thế.

Năm 1964, dù lực lượng Hải quân của chúng ta còn non trẻ nhưng đã dám đương đầu và chiến đấu anh dũng trước quân xâm lược có phương tiện rất hiện đại, điều này là sự tiếp nối tinh thần bất khuất trong chống ngoại xâm của dân tộc, thưa ông?

- Ngày 2/8/1964, đó là ngày tàu khu trục USS Maddox (Mỹ) xâm phạm lãnh hải của Việt Nam, 3 tàu phóng lôi của Hải quân ta đã ra đánh đuổi tàu Maddox ra khỏi lãnh hải Việt Nam, trận đánh này tàu Maddox đã bị trúng đạn.

Có thể thấy cách thức bảo vệ chủ quyền lãnh hải của chúng ta đã sẵn sàng từ trước chứ không bị động, bất ngờ. Cần phải nói khi kẻ địch đã tìm cách gây hấn để tạo cớ thì tàu của chúng không xâm phạm lãnh hải Việt Nam vào ngày 2/8/1964, rồi dựng chuyện ngày 4/8/1964 thì sẽ có ngày khác, kiểu gì chúng cũng gây hấn để tạo cớ.

Thời điểm đó mặc dù Hải quân Việt Nam còn non trẻ (thành lập năm 1955) nhưng chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu với tinh thần cao nhất.

Trước khi Mỹ cho tàu xâm phạm lãnh hải Việt Nam ngày 2/8/1964, 4 tháng trước đó Mỹ đã xây dựng một kế hoạch ném bom miền Bắc Việt Nam với 94 mục tiêu cụ thể. Còn trước nữa vào 2/1964, Mỹ đã vạch ra kế hoạch 34A để gây áp lực quân sự chống Việt Nam dân chủ Cộng hòa.

img

Tàu USS Maddox của Mỹ (ảnh tư liệu).

Việc xâm phạm lãnh hải có phải là "cái bẫy" của quân xâm lược nhằm khiêu khích chúng ta để chúng thực hiện âm mưu khác, thưa ông?

- Cần phải khẳng định trận đánh ngày 2/8/1964 của Hải quân Việt Nam đuổi tàu USS Maddox, không phải là cái bẫy để Mỹ tạo cớ là bị chúng ta tấn công. Sự kiện đó là tàu Maddox của Mỹ đã xâm phạm sâu vào lãnh hải của Việt Nam, cụ thể chúng đã đi sâu vào vịnh Bắc Bộ, chúng ta phải đuổi kẻ xâm phạm ra, đó là điều đương nhiên.

Trận đánh ngày 2/8/1964, là đòn đau bất ngờ với Mỹ, kẻ địch không nghĩ một lực lượng Hải quân còn non trẻ lại dám đánh cả tàu khu trục hiện đại như tàu Maddox.

img

Hải quân Việt Nam chiến đấu chống máy bay Mỹ đến bắn phá, 5/8/1964 (ảnh tư liệu).

Theo ông, nhìn lại sự kiện vịnh Bắc Bộ của hơn nửa thế kỷ trước cho chúng ta bài học gì trong việc gìn giữ chủ quyền trên biển hiện nay?

Trước hết là bài học phải luôn luôn đề cao tinh thần cảnh giác, nhất là trong bối cảnh hiện nay, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, phải giành thế chủ động từ đầu. Điều thứ hai, nhìn lại quá trình lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, thấy thông thường những kẻ xâm lược (từ phong kiến phương Bắc, sau này là Pháp và Mỹ) đều tấn công chúng ta từ hướng biển vào. Do đó ngoài việc cảnh giác, trong quá trình chuẩn bị chúng ta phải xây dựng lực lượng bảo vệ biển, có những chính sách về chiến lược biển, tầm nhìn hướng biển mang tính lâu dài.

Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII (tháng 10/2018), Trung ương có Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đây là định hướng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?

- Đó là chiến lược hướng biển của Đảng và Nhà nước ta, thứ nhất là phát triển kinh tế biển, đồng thời kết hợp kinh tế và quốc phòng an ninh trên biển để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên biển. Đây là cơ sở rất quan trọng để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân triển khai thực hiện chiến lược biển và đề cao vai trò của phát triển kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng an ninh trên biển.

Để gìn giữ chủ quyền biển đảo, chúng ta đã kết hợp trên nhiều phương diện, thứ nhất chuẩn bị mọi mặt đảm bảo cho khả năng của lực lượng Hải quân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh mới; thứ hai, nâng cao tinh thần cảnh giác và đề cao khả năng của lực lượng chấp pháp trên biển.

Ngoài việc chuẩn bị mọi khả năng tiềm lực quốc phòng trên hướng biển, khi tình huống xảy ra chúng ta luôn kiên quyết đấu tranh trên cơ sở giữ hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời tích cực vạch trần các thủ đoạn âm mưu, thủ đoạn của kẻ xâm phạm.

  • Đêm 31/7, rạng sáng ngày 1/8/1964, tàu Maddox số hiệu 731 thuộc biên đội xung kích 77, hạm đội 7 của Mỹ xâm phạm vùng biển Quảng Bình, sau đó tiến lên phía bắc, hoạt động gần bờ dọc vùng biển từ Vĩnh Linh đến Thanh Hóa.
  • Rạng sáng ngày 2/8, Phân đội 3 tàu phóng lôi – Đoàn 135 (Quân chủng Hải quân) gồm ba tàu: 333, 336, 339 được lệnh bí mật rời cảng, hành quân vào Hòn Nẹ (Thanh Hóa) để phục kích tàu địch.
  • 13 giờ 30 phút ngày 2/8/1964 tàu địch đến xâm phạm vùng biển giữa Hòn Mê, Lạch Trường (Thanh Hóa).
  • Ba tàu 333, 336, 339 thuộc Phân đội 3 được lệnh xuất phát.
  • Tàu 333 tiến lên chặn địch để 2 tàu 336 và 339 chiếm góc mạn tấn công. Cuộc chiến đấu diễn ra, tàu Maddox sử dụng hơn 280 đạn pháo 3-inch và 5-inch, cùng 4 máy bay tiêm kích USN F-8 Crusader oanh tạc các tàu phóng ngư lôi của Việt Nam.
  • Tàu 333 hướng thẳng mạn trái tàu địch với góc 90 độ, cự li cách khoảng 5 liên (10 liên bằng 1 hải lý, một hải lý bằng 1.853m) rồi phóng hai quả ngư lôi, nổ súng bắn thẳng lên boong tàu địch
  • Lính Mỹ trên boong tàu bỏ chạy, các họng súng im bặt, tàu địch đã di chuyển ra khỏi vùng biển Việt Nam 12 hải lý.
  • Kết quả trận đánh ngày 2/8/1964: Một máy bay Mỹ bị cháy, 1 bị trúng đạn, tàu khu trục bị 1 vết đạn 14,5mm; 3 tàu ngư lôi của Hải quân Việt Nam bị hư hỏng, 4 thủy thủ hy sinh, 6 người bị thương.
  • Tối ngày 4/6/1964, chính quyền của Tổng thống Johnson (Mỹ) dựng lên sự kiện “vịnh Bắc Bộ” vu cho Hải quân Việt Nam tấn công tàu Mỹ trên vùng biển quốc tế.
  • Ngày 7/81964, Quốc hội Mỹ thông qua “Nghị quyết về sự kiện Vịnh Bắc bộ", cho phép Tổng thống Johnson "tiến hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả sử dụng lực lượng vũ trang để giúp đỡ bất kỳ quốc gia nào là thành viên hoặc nước bảo trợ của SEATO yêu cầu giúp đỡ.
  • Ngày 5/8/1964, Mỹ đã sử dụng lực lượng của 2 biên đội tàu sân bay Constellation và Ticonderoga gồm 40 máy bay cánh quạt và phản lực hiện đại, cả tiêm kích và cường kích như AD6, A4D, F8U, F4H… mở cuộc tấn công đánh phá vào hầu hết các căn cứ Hải quân của ta trên suốt dải ven biển miền Bắc từ Bãi Cháy (Quảng Ninh), Lạch Trường (Thanh Hoá), Cửa Hội, Vinh - Bến Thuỷ (Nghệ An) đến Cảng Sông Gianh (Quảng Bình).
  • Kết quả trận đánh 8 máy bay bị bắn rơi, nhiều máy bay địch bị hư hỏng nặng, nhiều phi công chết, một trung úy phi công bị bắt sống.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem