Từ "sự kiện Vịnh Bắc Bộ" đến vi phạm của Trung Quốc ở bãi Tư Chính

Thành An (thực hiện) Thứ hai, ngày 05/08/2019 07:30 AM (GMT+7)
Theo Tiến sĩ Trần Công Trục từ "sự kiện vịnh Bắc Bộ" năm 1964 với chiến thắng đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam đến việc đấu tranh chống lại hành động phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông hiện nay đã cho thấy rõ một điều: Chủ quyền lãnh thổ quốc gia là bất khả xâm phạm!
Bình luận 0

Các đây 55 năm, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và nhân dân Việt Nam giáng trả những đòn thích đáng.

Sau 55 năm, để có cái nhìn rõ hơn về khía cạnh pháp lý của sự kiện này, PV Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Trần Công Trục - chuyên gia luật biển, nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ.

img

Tiến sĩ Trần Công Trục - chuyên gia luật biển, nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ. (Ảnh: Thành An).

Thưa ông, "sự kiện Vịnh Bắc Bộ" và chiến công đánh thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964 của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Đây là sự kiện tiêu biểu cho ý chí quyết chiến, quyết thắng, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Vậy, xét trên phương diện pháp lý, ông bình luận gì sự kiện này? 

- Sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964 là chủ trương tạo cớ gây hấn của Mỹ nhằm đánh phá miền Bắc nước ta và một phần ngăn chặn sự tiếp tế của miền Bắc vào chiến trường miền Nam.

Ngày đó, lực lượng Hải quân Việt Nam còn non trẻ, trang thiết bị quân sự ở thế yếu so với Mỹ nhưng chúng ta có quyết tâm rất lớn và tổ chức chiến đấu rất dũng cảm. Ngày 2/8/1964, khi tàu khu trục USS Maddox (Mỹ) xâm phạm lãnh hải của Việt Nam, Hải quân Việt Nam đã đánh đuổi bằng 3 tàu phóng lôi khiến tàu Maddox trúng đạn. 

Sự kiện này là mốc son chói lọi, đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng Hải quân Việt Nam.

Tuy nhiên dưới góc nhìn pháp lý, trong quá trình tôi theo dõi và nghiên cứu, Mỹ đã đạt được mục đích sau khi tạo được “cái cớ” để thực hiện chiến dịch gây hấn đánh phá miền Bắc. 

img

Hải quân Việt Nam chiến đấu chống máy bay Mỹ đến bắn phá, 5/8/1964 (Ảnh: TL).

Thế nhưng, phía Việt Nam lại nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ của dư luận quốc tế, trong đó có cả dư luận Mỹ thừa nhận và kịch liệt lên án hành động xâm phạm trắng trợn của Hải quân Mỹ.

Việc này không chỉ là chiến công đánh bị thương con tàu Maddox hiện đại của Mỹ khi xâm phạm vào phần lãnh hải của Việt Nam (sát bờ biển Thanh Hóa - cách bờ biển khoảng 6 hải lý). Điều quan trọng là vào những năm 60 của thế kỷ trước, xét về khía cạnh pháp lý, Việt Nam đã hành xử rất phù hợp với luật pháp quốc tế về biển. Quan điểm của Việt Nam thời điểm đó và đến mãi sau này khi bắt đầu đàm phán với Trung Quốc rằng chúng ta có đường biên giới ở Vịnh Bắc Bộ. Đó là đường kinh tuyến 108 độ 03 phút 13 giây và phía Tây đường biên giới đó thuộc lịch sử của Việt Nam, thực hiện theo chế độ Nội thủy của nước Việt Nam.

Điều này cũng được tuyên bố trong đường cơ sở. Mặc dù sau này trong quá trình đàm phán chúng ta không nhắc tới, nhưng tại thời điểm đó chúng ta coi đó là vùng nội thủy, vùng lãnh hải là bộ phận thuộc lãnh thổ quốc gia. 

Bên cạnh đó, dù chưa có Công ước luật biển (UNCLOS) năm 1982 nhưng cũng đã có “Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1958”, “Công ước về Hải phận quốc tế năm 1962”.

img

Bộ đội Hải quân Việt Nam đánh trả máy bay Mỹ. (Ảnh: TL)

Như vậy, vùng nội thủy hay vùng lãnh hải lúc đó chúng ta coi là vùng lãnh thổ trên biển của Việt Nam và mọi hành vi xâm nhập vào vùng nội thủy, lãnh hải thì nước ven biển có quyền sử dụng vũ lực để đánh trả để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ đường biên giới quốc gia.

Cho nên, việc Mỹ đưa tàu khu trục hiện đại vào khu vực vượt quá giới hạn đó thì Việt Nam có quyền sử dụng vũ lực. 

Việc này về mặt luật pháp hoàn toàn phù hợp và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng quốc tế.

Từ việc này, chúng ta có thể liên hệ với tình hình hiện nay, đặc biệt khi UNCLOS 1982 ra đời. Nghĩa là các quốc gia ven biển có những quyền được quy định rất rõ về vùng biển thuộc chủ quyền, quyền tài phán,… Việt Nam có quyền xác lập các vùng biển theo UNCLOS 1982. 

Như tôi đã nói, trong 5 vùng biển thì có 2 vùng biển là nội thủy và lãnh hải được coi như là lãnh thổ quốc gia trên biển; đường ranh giới 12 hải lý tính từ đường cơ sở là biên giới lãnh thổ.

Như vậy, theo sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964, nếu quốc gia nào xâm phạm vào vùng lãnh thổ trên biển này thì các quốc gia ven biển có quyền dùng vũ khí tấn công, tiêu diệt sự xâm phạm.

img

Tàu Kiểm ngư Việt Nam làm nhiệm vụ trên biển. (Ảnh: Thành An).

Vậy bài học từ “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” trong bối cảnh tình hình biển đảo có nhiều diễn biến phức tạp khó lường hiện nay là gì, thưa ông?

- Qua theo dõi tình hình hiện nay trên Biển Đông, khi Trung Quốc đưa tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 đến bãi ngầm Tư Chính là vi phạm chủ quyền trên vùng biển Việt Nam. Việc này, những ngày qua dư luận cho rằng: “Tại sao Việt Nam không dùng đến Hải quân, không dùng đến vũ lực để tiêu diệt, để đuổi tàu Trung Quốc ra khỏi vùng chủ quyền trên biển của Việt Nam. Phải chăng, Việt Nam hèn yếu, không dám chống trả?”

Thế nhưng, như chúng ta đã biết, Việt Nam đã công bố đường cơ sở năm 1982, trên đường cơ sở này chúng ta xác định được đâu là vùng nội thủy, đâu là vùng lãnh hải… Như vậy, hiện khu vực Trung Quốc đưa tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 hoạt động tại bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thuộc UNCLOS 1982 chứ không phải hoạt động trong vùng lãnh hải hay nội thủy của Việt Nam. Cho nên, Trung Quốc đã vi phạm về quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. 

img

Hệ thống Cụm dịch vụ kinh tế-khoa học-kỹ thuật (gọi tắt là nhà giàn DK1) được xây dựng trên thềm lục địa phía Nam từ năm 1989 đến 1998 và do lực lượng Hải quân quản lý, là "Cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt trên biển". (Ảnh: Hoàng Thành ).

Theo UNCLOS, chúng ta thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán để khai thác, bảo vệ vùng tài nguyên tại khu vực đó và có quyền lắp đặt các thiết bị để phục vụ quá trình khai thác, bảo vệ tài nguyên môi trường của khu vực vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. 

Bên cạnh đó, đây là vùng chủ quyền và vùng tài phán của Việt Nam, cho nên các quốc gia ven biển phải tôn trọng những quyền khác. 

Cho nên, khi xảy ra sự việc trên, các lực lượng chấp pháp trên biển của chúng ta như Cảnh sát biển và Kiểm ngư đã được điều ra để đảm bảo thực thi pháp luật chứ không có lực lượng Hải quân bởi vì quy chế pháp lý hiện nay là như vậy. 

Khi chúng ta ra đấy chúng ta phải dùng các biện pháp để đấu tranh, để nói rõ phạm vi này thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; yêu cầu Trung Quốc ra khỏi khu vực này chứ chúng ta không dùng đến vũ lực, không dùng đến các biện pháp mạnh. Còn nếu khu vực này xảy ra điều gì đó ảnh hưởng trực tiếp đến vùng nội thủy, lãnh hải thì chúng ta có biện pháp khác. Ở đây chúng ta đang thi hành luật pháp quốc tế đề ra.

img

Các lực lượng hoạt động trên biển luôn sẵn sàng, chủ động với các nhiệm vụ được giao. (Ảnh: Thành An).

Về quy ước trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế khi phát hiện ra sai phạm đó các lực lượng chấp có quyền lập biên bản, xác định tội danh, có quyền dẫn độ đưa ra tòa xử và phải có quyết định xét xử của tòa mới xác định được việc họ bị giam, bị tù hay bị phạt như thế nào. Chứ không được dùng biện pháp mạnh như bắn phá, đốt phá phương tiện,… 

Vừa qua những động thái, hành động của Việt Nam làm là tôn trọng và thực hiện theo đúng luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Đồng thời thể hiện sự khôn khéo trong hành xử không mắc bẫy tạo cớ xâm phạm. Điều này thể hiện sức mạnh tinh thần rất lớn. Đối chiếu với sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964, chúng ta thấy được rõ ràng trong ứng xử của chúng ta đã có cân nhắc rất kỹ. 

Còn về ngoại giao, như chúng ta đã biết, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nước ta đã khẳng định rõ, việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 và các tàu họ tống hoạt động tại bãi Tư Chính là xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán và cùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Yêu cầu Trung Quốc rút ngay khỏi khu vực này…

Việc này được quốc tế ủng hộ rất lớn, trong đó có Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản… Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá rất cao việc hành xử khôn khéo và khôn ngoan của Việt Nam vừa rồi. Một mặt vừa thượng tôn pháp luật vừa không tạo cớ để Trung Quốc xâm nhập, tạo cớ để xảy ra chiến tranh.

img

 Chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn luyện tập thể dục thể thao hằng ngày để đảm bảo sức khỏe, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. (Ảnh: Thành An).

Như vậy, chúng ta luôn có tư tưởng "không nổ súng trước” và luôn thể hiện sự yêu chuộng hòa bình, luôn tìm cơ hội hòa bình để ngăn ngừa chiến tranh. Tuy nhiên, thông qua sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964, cho thấy bất kể thế lực nào có dã tâm xâm lược Tổ quốc, xâm phạm vào lãnh thổ quốc gia Việt Nam thì chúng ta cương quyết bảo vệ đất nước, đánh bại giặc ngoại xâm? 

- Nếu các tàu thuyền của các nước khác vượt qua biên giới có hành vi xâm lược, vi phạm vào lãnh thổ Việt Nam thì chắc chắn chúng ta không để kẻ xâm lược đó tồn tại được. Ngoài các biện pháp đấu tranh về mặt tư tưởng, ngoại giao thì Việt Nam sẵn sàng cầm vũ khí, nổ súng để tiêu diệt. 

Bằng chứng là sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964, khi Mỹ vi phạm, chúng ta đã dùng những con tàu phóng lôi nhỏ bé để xông pha đến tận nơi đánh đuổi con tàu hiện đại của Mỹ khiến Mỹ phải rút ngay.

Việc này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Và, bây giờ, trong thời kỳ hiện nay, Trung Quốc xâm phạm vào vùng biên giới lãnh hải của Việt Nam hoặc tiếp tục xâm lấn các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thì chắc chắn lực lượng bảo vệ non sông đất nước sẽ phải thực thi nhiệm vụ. 

img

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng Hải quân Việt Nam luôn chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương (Ảnh: Thành An).

Tất nhiên, hiện nay chủ trương của chúng ta là giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, chúng ta không muốn xảy ra chiến tranh, không tạo ra cớ để chiến tranh. Nhưng, khi cần thiết, phải bảo vệ đất nước, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc thì bất cứ người Việt Nam nào cũng phải đứng lên.

Còn nếu vi phạm ở khu vực nhất định, ở một chừng mực pháp lý nhất định chúng ta phải có hành xử khôn khéo. Hay họ có những biện pháp gây hấn thì chúng ta có những biện pháp đấu tranh pháp lý cao hơn. Đặc biệt, nếu họ có những hành động đụng độ ảnh hưởng đến khả năng tự vệ thì chắc chắn Việt Nam sẽ sử dụng quyền tự vệ của mình được pháp luật cho phép để ứng xử lại. Chứ không phải chúng ta đứng nhìn họ vi phạm ngay trên vùng đất của mình.

Chúng ta phản ứng ở mức độ cần thiết. Đấu tranh bằng các biện pháp chính trị, ngoại giao. Đây là sự khéo léo, đấu tranh khôn ngoan. Không bao giờ có chuyện người Việt Nam quay lưng lại với vận mệnh của đất nước. Khi cần thiết sẽ nổi lên. Chúng ta có thể làm bất kể điều gì, không ai có thể xâm lược được. Và lịch sử Việt Nam đã ghi nhận điều này.

img

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên vùng biển phía Nam của Tổ quốc. (Ảnh: Hoàng Thành).

Xét về nghệ thuật ngoại giao, theo ông sự kiện Vịnh Bắc Bộ nói lên điều gì trong mối quan hệ giữa các nước lớn và nước nhỏ trong bối cảnh hiện nay?

- Như tôi đã phân tích, ngay cả trong việc ứng xử của các nước lớn đối với các nước nhỏ, anh không thể hành xử bằng vũ lực, bằng vũ khí, khoa học kỹ thuật để đàn áp,… nếu như anh hành động như vậy, chắc chắn anh sẽ phải trả giá. Lịch sử đã chứng minh điều này, trong cuộc đấu tranh giành hòa bình, độc lập dân tộc Việt Nam đã đánh thắng cả đế quốc như Mỹ, Pháp, Nhật… Đây là bài học lớn.

Việt Nam hoan nghênh sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước siêu cường. Việt Nam trân trọng tất cả các ý kiến bảo vệ luật pháp nhưng chúng ta không nghiêng về phía nào để đánh, chiếm. Chúng ta luôn giữ vững vị thế và bảo vệ nền chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ. Bảo vệ nền độc lập, hòa bình của dân tộc.

Sắp tới chúng ta giữ chức vụ Chủ tịch các nước ASEAN và là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Đó là trách nhiệm của quốc gia. Đặc biệt là không để chiến tranh xảy ra. Không để nhân loại rơi vào thảm cảnh nặng nề.

Xin cảm ơn ông!

Chiến công đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam

Sau khi tạo dựng “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, Không quân Mỹ đã mở màn chiến dịch đánh phá miền Bắc Việt Nam. Ngày 2/8/1964, tàu khu trục USS Maddox, trong khi thực hiện một cuộc tuần tra, đã đụng độ với 3 tàu phóng ngư lôi của Hải quân Bắc Việt Nam, thuộc Đoàn tàu phóng ngư lôi 135.

Trận chiến Hải quân đã xảy ra, tàu Maddox sử dụng hơn 280 đạn pháo 3-inch và 5-inch, cùng 4 máy bay tiêm kích USN F-8 Crusader oanh tạc các tàu phóng ngư lôi của Việt Nam. Một máy bay Mỹ đã bị trúng đạn, tàu khu trục bị 1 vết đạn 14,5mm; 3 tàu ngư lôi của Hải quân Việt Nam bị hư hỏng, 4 thủy thủ hy sinh, 6 người bị thương. Phía Mỹ không có thương vong, tuy nhiên, phải tháo chạy khỏi vùng biển Bắc Việt Nam.

img

Tàu khu trục Maddox - số hiệu 731 thuộc Biên đội xung kích 77 Hạm đội 7 Mỹ. (Ảnh: TL)

Điều này được dư luận nhiều nước, có cả dư luận Mỹ thừa nhận và kịch liệt lên án hành động xâm phạm trắng trợn đó của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, để tạo ra một tác động tâm lý mạnh mẽ cho Quốc hội và công chúng Mỹ đồng thời gây ra “một cuộc khủng hoảng quốc tế”, “một sự thách thức đối với danh dự của nước Mỹ”. Đặc biệt, những người Mỹ chủ trương tiến đánh Bắc Việt Nam đã dựng thêm sự kiện khác rằng: “Đêm 4/8/1964, các tàu phóng lôi của Hải quân Việt Nam một lần nữa lại vô cớ tấn công khu trục Ma-đốc và Tơ-nơ gioi của Mỹ đang hoạt động bình thường trên vùng biển quốc tế”.

Ngay ngày 5/8, Mỹ điều hàng chục máy bay tiêm kích và cường kích hiện đại, chia làm 3 đợt tấn công cùng một lúc vào các mục tiêu kinh tế, quân sự, và căn cứ hải quân của Việt Nam từ Quảng Bình, đến Nghệ An, Thanh Hóa và Quảng Ninh.

Chiến dịch này đã mở màn cho cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ bằng không quân và hải quân quy mô lớn đối với miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, với chiến dịch “Mũi tên xuyên” tham vọng to lớn của Mỹ đã bị thất bại ngay từ trận đánh đầu tiên. Hải quân Nhân dân Việt Nam chẳng những không bị tiêu diệt trong một trận đánh, mà còn giáng cho Không quân Mỹ những đòn nặng nề.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem