Có một thời, những đứa trẻ sống giữa Hà Thành - Phố cổ chúng tôi coi việc sở hữu tấm vé vào sân Hàng Đẫy để xem Thể Công đấu với những đối thủ “kình địch”, mà nhất là với Công An Hà Nội là cả một niềm mơ ước.
Thể Công thập niên 70 thế kỷ trước đã để lại ký ức đẹp trong lòng người hâm mộ.
Hà Nội ngày ấy còn nghèo với những dãy phố buồn xơ xác. Chẳng có tivi, cũng như các phương tiện giải trí khác như bây giờ… nên để được xem một trận đấu bóng, chúng tôi phải cuốc bộ cả chục cây số, trèo bờ rào hoặc cả tuần trời phải ngoan ngoãn, bóp bụng, tiết kiệm tiền ăn sáng để mua tấm vé vào xem.
Ở thập niên 70, Thể Công trong mắt tôi ngày bé là một đội bóng đại diện cho cả quốc gia. Lũ bạn tôi lần đầu tiên nghe đến cái tên này không khỏi thắc mắc họ đến từ đâu, họ chẳng đại diện cho một địa phương nào mà lại thi đấu ở giải vô địch quốc gia (?!).
Nhưng cũng chính cái sự mập mờ về nguồn gốc ấy khiến chúng tôi mê say, muốn tìm tòi và từ đó, yêu họ lúc nào chẳng rõ. Bóng đá trong tôi cũng như vô số người dân Hà Nội lúc bấy giờ gồm cả niềm tự hào dân tộc, màu cờ sắc áo Tổ quốc. Và đi đến đâu, từ sóng radio, truyền hình… người ta cũng đều nhắc đến 2 chữ Thể Công, những câu chuyện nhỏ nhất xung quanh cuộc sống đời thường của họ với đầy sự tin yêu!
Đó là lứa cầu thủ F1, thế hệ vàng với các tên tuổi lừng lẫy như anh em Ba Đẻn, Cao Cường, Trung vệ Nguyễn Trọng Giáp, tiền vệ Vũ Mạnh Hải (nguyên Tổng biên tập báo Bóng Đá), Vương Tiến Dũng, rồi đến Quản Trọng Hùng, Nguyễn Mạnh Cường… Những cái tên vang bóng một thời gắn liền với tên tuổi của Thể Công – ra đời trong những tháng ngày hoà bình đầu tiên của miền Bắc Việt Nam và họ trưởng thành trong chiến tranh ác liệt. Thế hệ F2 sau này gắn liền với các lứa cầu thủ như Hồng Sơn, Việt Hoàng, Như Thuần và gần đây nhất là Bảo Khanh, Phước Tứ…
Tôi may mắn là hàng xóm của anh Ba Đẻn, cựu cầu thủ Thể Công một thời. Anh sống khá khép kín trong căn gác nhỏ ở khu tập thể Châu Long. Anh ngại tiếp xúc với báo giới, chẳng giao lưu với ai.
Khi nhớ lại những trận túc cầu đỉnh cao một thời, anh nở nụ cười buồn nhưng ánh mắt lại cháy bỏng niềm tự hào rằng: Với Thể Công, thời nào cũng có anh tài. Và, từ anh, tôi hiểu tại sao Thể Công xưa lại trở thành biểu tượng chiến thắng thể thao của cả dân tộc. Bởi, đó là những ngày họ tập luyện không mệt mỏi trên sân, bất chấp cả sự khắc nghiệt của thời tiết và cũng chẳng biết rằng – có một người lặng lẽ đứng ở xa quan sát.
Ít nhất 2 lần tôi đã bắt gặp bác Võ Nguyên Giáp ngày ấy sau giờ làm việc đã đi bộ ra sân để xem các cầu thủ tập luyện. Bác bình dị đứng xem như bất kỳ người dân Hà Nội nào và cũng như chúng tôi tự hào theo dõi từng pha bóng, từng tình huống của những “dũng sĩ” khoác trên mình màu cờ sắc áo Việt Nam, đem vinh quang về cho nước nhà.
Hôm nay, con trai hỏi tôi về thế hệ những cầu thủ thời thập niên 70-80, tôi vẫn kể cho cháu nghe về những cái tên của thế hệ Thể Công F1 ngày nào. Dù rằng, trong ký ức của người Hà Nội trong đó có thế hệ chúng tôi, Thể Công chỉ còn là hoài niệm, hoài niệm về một cái tên rất đẹp…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.