Sự khác biệt quá lớn về chất lượng chuyên môn giữa hai giải là nguyên nhân lớn nhất. Bóng đá với khán giả trung lập bỏ qua yếu tố màu cờ sắc áo, để thu hút được khán giả phải đáp ứng được chất lượng chuyên môn, tính cống hiến và sự hiện diện của các ngôi sao.
Có thể do Covid 19 nhưng cả hai trận đấu của Singapore với tư cách chủ nhà còn có nhiều lý do khác dẫn tới những khán đài trống vắng.
Bóng đá Singapore đã từng 4 lần vô địch AFF Cup (và Tiger Cup) nhưng giải VĐQG của họ cũng từng bị xóa sổ gần đây vì các trận đấu diễn ra không có khán giả.
Người Singapore vốn quen xem các trận đấu ở Ngoại hạng Anh, trở thành 1 trong 2 quốc gia phải trả tiền bản quyền truyền hình đắt đỏ nhất khu vực, đã không thể "tiêu hóa" được thứ bóng đá của chính họ.
Sau thế hệ Fandi Ahmad, Sasi Kumar với chức vô địch 1998 rồi tới thế hệ gần nhất làm nên vinh quang với bộ 3 nhập tịch là Fairuhdin, Alex Duric, Agu Casmir năm 2012 rồi tới gần đây mới có một dàn cầu thủ trẻ trung, đẹp về thể hình và không che giấu một khát vọng học chơi bóng đá hiện đại (tốc độ, ít chạm, pressing).
Với riêng người viết sau các trận đấu đã diễn ra giải năm nay, trận Singapore – Philippines có chất lượng chuyên môn khá nhất kể từ đầu AFF Cup nhờ cả hai đội trong hiệp hai chơi đôi công nhiều hơn, nhưng vẫn thiếu tốc độ, thiếu sự chính xác trong những khâu cơ bản nhất là chuyền, khống chế bóng.
Trận đấu giữa Việt Nam và Lào nếu không phải vì màu cờ sắc áo thì nó cũng không khá hơn một bản tin Thời sự trên truyền hình là mấy dù cả 2 đội “đều có Messi”: "Messi của Lào" Vongchiengkham và "Messi Việt Nam" Công Phượng!
Bàn thắng của "Messi Việt Nam" được ghi sau pha tấn công mở ra bởi đường chuyền của "Pirlo Việt Nam" Hoàng Đức.
Ấy nhưng, chúng ta đã quên một điều rằng Hoàng Đức chuyền bóng mà không bị ai gây áp lực nên như thể đang chơi game sau một buổi tập, trong khi bóng đá đỉnh cao, các cầu thủ đưa ra quyết định và thực hiện trong trạng thái bị gây sức ép, trong một trận đấu cường độ cao.
Nếu đó là đường chuyền trong trận đấu có đối thủ là Nhật, Ả rập Xê út hay Australia thì giới quan sát mới đánh giá được đúng đẳng cấp.
AFF Cup tới năm 2016 mới được FIFA đưa vào hệ thống tính điểm để xếp hạng các đội tuyển trên toàn thế giới. Nhưng nó chưa được đưa vào hệ thống lịch thi đấu chính thức của FIFA, dù Chủ tịch FIFA Infantino đã tới dự khán trận khai mạc.
Ông Infantino xuất hiện với 2 lời hứa, một là đưa AFF Cup vào lịch thi đấu chính thức, hai là ủng hộ ý tưởng Đông Nam Á cùng nhau đăng cai VCK World Cup 2034.
Đăng cai World Cup có vẻ là con đường khả thi nhất để các nước Đông Nam Á xuất hiện ở World Cup sau khi Thái Lan từng chỉ giành được 2 điểm sau 10 trận vòng loại thứ ba cách nay 4 năm, còn Việt Nam đang thua cả 6 trận đầu tiên.
Việt Nam và Thái Lan cũng chính là những đội tuyển đi xa nhất ở vòng loại World Cup trong khi Đông Nam Á còn có hai quốc gia khác cũng từng ấp ủ kế hoạch World Cup là Indonesia với lứa Bambang Pamungkas được gửi đi Ý đào tạo và Singapore có Dự án Goal 2010.
Nghề của Chủ tịch FIFA giống như một chính trị gia, với tầm ảnh hưởng như một nguyên thủ, dù cho FIFA không phải là một nhà nước.
Công việc của ông ấy là đi khắp nơi, có thể thực lòng, hoặc mang tính xã giao, khi kêu gọi sự công bằng cho bóng đá cho vùng trũng, và thoải mái ban phát những lời hứa.
Đá như AFF Cup, cơ sở hạ tầng như bóng đá Đông Nam Á mà đăng cai được World Cup mới thật phi thường!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.