Nhìn từ loạt “phim người lớn” sắp chiếu trên VTV2: Các nước ứng xử ra sao?

Thứ ba, ngày 04/11/2014 13:38 PM (GMT+7)
Các nội dung truyền hình dành cho người lớn được nhiều quốc gia, bao gồm không ít nước ở châu Á, quản lý khá chặt chẽ, với những quy định rõ ràng về việc chúng chỉ được phát sóng trong các khung giờ cụ thể.
Bình luận 0

Hoạt động quản lý nội dung truyền hình thường gắn chặt với việc xếp hạng phân loại nội dung, nhằm giúp khán giả hiểu rõ chương trình sắp chiếu phù hợp với trẻ em hay người lớn.

Australia: Phải trả tiền để xem truyền hình 18+

Australia là một trong những nước phân loại rất cụ thể và chặt chẽ các nội dung sẽ được phát lên sóng truyền hình. Cụ thể, các nội dung truyền hình được chia làm 6 loại, loại G dành cho mọi lứa tuổi và PG dành cho khán giả trẻ, có cha mẹ xem cùng. Xếp loại M dành cho khán giả đã trưởng thành. Các chương trình M có thể gây khó chịu cho những khán giả dưới 15 tuổi và chỉ được phát sóng từ 8 giờ 30 tối đến 5 giờ sáng mỗi ngày.

Các nội dung xếp loại MA15+ nghĩa là không phù hợp cho trẻ dưới 15 tuổi do chứa các nội dung bạo lực. Chương trình MA15+ chỉ được chiếu từ 9 giờ tối tới 5 giờ sáng mỗi ngày. Xếp loại AV15+ cũng giống MA15+ và chỉ được phát sóng từ 9 giờ 30 tối đến 5 giờ sáng.

Cuối cùng là R18+, hoàn toàn không dành cho trẻ dưới 18 tuổi. Xếp loại này chỉ dành riêng cho các chương trình chứa nội dung người lớn của truyền hình trả tiền. Các chương trình R18+ có thể mang hình ảnh bạo lực, khiêu dâm, ngôn ngữ thô tục và cảnh sử dụng ma túy.

img
Việc VTV2 dự kiến khởi động khung giờ Phim 18+ với Sex and the city trên kênh VTV2 đang gây tranh luận


Phân loại khán giả rất rõ ràng

Trong khi Trung Quốc không tiến hành phân loại nội dung truyền hình, chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong lại có hệ thống này. Các nội dung truyền hình ở Hong Kong hiện được chia ra làm 3 loại gồm G dành cho mọi đối tượng khán giả, PG không phù hợp cho trẻ em và M chỉ dành riêng cho khán giả trên 19 tuổi. Các chương trình xếp loại M chỉ được phát sóng từ 11 giờ tối đến 6 giờ sáng.

Tại Malaysia, hệ thống xếp loại nội dung truyền hình mới chỉ được khôi phục vào tháng 1.2012. Nội dung truyền hình được chia làm 3 loại gồm U dành cho mọi đối tượng; P13 dành cho người từ 13 tuổi trở lên và 18, dành cho khán giả từ 18 tuổi trở lên. Các chương trình xếp loại 18 không được phép phát sóng trước 11 giờ tối. Việc phát thông báo xếp loại nội dung phải diễn ra khoảng 5 giây trước khi chương trình bắt đầu.

Về phần mình, Singapore đã bắt đầu xếp loại nội dung truyền hình từ ngày 15.7.2011. Các mức phân loại gồm PG và PG13 (khán giả từ 13 tuổi trở lên) dành cho truyền hình phát sóng miễn phí. Truyền hình trả tiền có thêm NC16 (từ 16 tuổi trở lên), M18 (từ 18 tuổi) ngoài 2 mức trên.

Với truyền hình phát sóng miễn phí, các chương trình PG có thể được chiếu vào bất kỳ khung thời gian nào, trong khi PG13 chỉ được phát từ 10 giờ tối tới 6 giờ sáng. Với truyền hình trả tiền, chương trình PG13 có thể được phát vào bất kỳ thời điểm nào. Chương trình M18 chỉ được phát sóng từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng trên truyền hình trả tiền. Trước khi phát sóng, các chương trình đều phải nêu rõ xếp loại nội dung.

Ở Indonesia, do có cộng đồng Hồi giáo lớn (nhất thế giới), các nhà chức trách có quyền xóa bỏ bất kỳ nội dung nào được xem là phạm luật Hồi giáo. Các bộ phim truyền hình ở Indonesia không được có ngôn ngữ tục tĩu, hình ảnh bạo lực, khiêu dâm (bao gồm việc khỏa thân, thể hiện các hoạt động như hôn và ám chỉ tới tình dục đồng giới). Truyền hình cũng không được chiếu các cảnh có thể khiến trẻ em kinh sợ.

THEO DÒNG SỰ KIỆN: VTV2 lần đầu có khung giờ đặc biệt cho "phim người lớn"

(Theo Thể thao & Văn hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem