“Lỗi ấy tôi xin chịu”
Sáng 28.10.1946, kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khai mạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tại khu vực ngoài Nhà hát Lớn, người dân tụ họp khá đông để theo dõi buổi họp qua máy phát thanh. Đúng 8 giờ các đại biểu Quốc hội đến đầy đủ, có cả quan khách ngoại quốc như lãnh sự Anh, Mỹ, Trung Hoa, Thụy Sĩ; các phóng viên của Mỹ, Pháp, Anh...
Các đại biểu Quốc hội khóa I chụp ảnh cùng Hồ Chủ tịch. Ảnh: Tư liệu
Ngày 31.10.1946, người dân đến dự thính buổi họp Quốc hội tăng đột biến. Quốc hội – với đại diện của nhiều thành phần đã đặt ra 88 câu hỏi chất vấn các thành viên Chính phủ.
Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ trả lời một số vấn đề lớn. Người nhận xét: Chính phủ hiện thời thành lập mới hơn một năm, hãy còn thanh niên. Quốc hội bầu ra được 8 tháng lại còn thanh niên hơn. Vậy mà Quốc hội đã đặt ra những câu hỏi thật già dặn khó trả lời, đề cập tất cả những vấn đề quan hệ đến vận mệnh của nước nhà. Với sự trưởng thành chính trị và sự quan tâm về việc nước ấy, ai dám bảo nước ta không có tư cách độc lập...
Trước câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội tại sao lại mang vấn đề Quốc kỳ ra thảo luận, Hồ Chủ tịch nói Chính phủ không bao giờ dám đòi thay đổi, chỉ một vài người trong Chính phủ đề nghị việc ấy nên Chính phủ phải đưa lên để Thường trực Quốc hội xem xét... Bây giờ, trừ phi 25 triệu đồng bào yêu cầu, còn không ai có quyền gì mà đòi thay đổi nó.
Về tính liêm khiết của Chính phủ, Hồ Chủ tịch nói: Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng ở trong Chính phủ, từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc ở những ủy ban hiện đông lắm, phức tạp lắm. Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương và nếu làm gương không xong, sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ - đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết.
Người nói với toàn thể Quốc hội: “Nếu trong Chính phủ, có những người khác lầm lỡ thì lỗi ấy tôi xin chịu, xin gánh và xin lỗi đồng bào”. Tiếng vỗ tay vang lên và kéo dài cho đến khi Người về chỗ ngồi.
Phải là một Chính phủ liêm khiết
Phó Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Lê Mậu Hãn nguyên là giảng viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông là tác giả bộ sách 3 tập có tựa đề “Nghiên cứu Quốc hội Việt Nam” và tham gia biên soạn cuốn “Lịch sử Quốc hội Việt Nam” (1946 – 1961)...
|
Buổi họp Quốc hội ngày 31.10.1946 kéo dài đến tận buổi tối, sau khi Hồ Chủ tịch và các thành viên Chính phủ trả lời các câu hỏi chất vấn, đến 23 giờ 45 phút, Hồ Chủ tịch tuyên bố thay mặt Chính phủ hiện thời xin từ chức, trao quyền lại cho Quốc hội để Quốc hội theo nguyên tắc dân chủ bầu ra một Chính phủ mới.
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận và đã đưa ra quyết nghị tán thành chính sách chung của Chính phủ, nhận sự từ chức của Chính phủ, ủy nhiệm cho Hồ Chí Minh đứng ra lập Chính phủ mới theo nguyên tắc đoàn kết và tập hợp nhân tài không phân biệt đảng phái. Hồ Chủ tịch lại lên diễn đàn, Người nói: Lần này là lần thứ hai, Quốc hội lại giao phó cho tôi phụ trách Chính phủ một lần nữa. Việt Nam chưa được độc lập, chưa được thống nhất thì bất kỳ Quốc hội ủy cho tôi hay cho ai cũng phải gắng mà làm. Tôi xin nhận.
Rồi Hồ Chủ tịch lại tiếp: Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước Quốc dân, trước thế giới: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài. Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái. Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước Quốc dân, trước thế giới rằng tôi chỉ có một đảng: Đảng Việt Nam.
Người nhấn mạnh thêm: Tuy trong nghị quyết của Quốc hội không nói đến hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước Quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết.
Buổi họp của Quốc hội kết thúc vào khoảng 1 giờ sáng hôm sau. Đến ngày 3.11.1946, Chính phủ mới do Hồ Chủ tịch đứng đầu đã ra mắt Quốc hội.
Gặp mặt đại diện các thế hệ đại biểu Quốc hội
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, sáng 5.1, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã gặp mặt các thế hệ đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu vui mừng và xúc động cùng nhau ôn lại lịch sử hào hùng và ý nghĩa lịch sử của Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, các hoạt động của Quốc hội từ khóa I tới khóa XIII.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định các thế hệ đi trước đã để lại một gia sản to lớn cho đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 thành công vang dội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mỗi đại biểu Quốc hội có quyền tự hào được đại diện cho ý chí nguyện vọng nhân dân, mang trong mình hơi thở của cuộc sống, sức mạnh của nhân dân, tinh thần đại đoàn kết toàn dân và của ý chí dân tộc Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ.
Anh Thư
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.