Ngày nay, những cái ô trầu hầu như vắng bóng trong đời sống những người phụ nữ, nhất là ở thành thị. Ảnh: T.L
Tay cầm dao, tay cầm trái cau, má “tiện” bỏ phần cuống rồi chẻ ra làm tư hoặc sáu. Vuốt lá trầu ngay ngắn, má cầm chìa vôi, quậy nhẹ, quệt một cái, sau đó má trét đều vôi lên mặt lá trầu. Đặt miếng cau gọt xong lên lá trầu, má cuốn lại trước khi cho lên miệng, nhai. Má vừa nhai vừa nhổ nước cổ trầu vô cái ống nhổ nhỏ lúc nào cũng sẵn sàng bên cạnh vừa xỉa thuốc lá quanh các chân răng.
Riêng bà tôi thì sau khi hoàn thành mọi công việc cuốn lá trầu quệt vôi và cau tươi thì nhét nhẹ vào cái ống ngoáy xinh xinh, cũng bằng đồng lên nước sáng bóng sau nhiều chục năm sử dụng.
Tôi thích nhìn bà và má ăn trầu. Nhưng thích nhất là điều “kỳ diệu” của cái ô trầu. Mấy miếng vỏ cau sau khi tách lấy ruột, má chừa lại. Những khi rảnh rỗi, má lấy ra, tay cầm chà qua chà lại hai hàm răng. Chà không biết chán vì nó làm sạch mặt và chân răng. Răng của bà và má tuy có màu đo đỏ của nước cổ trầu nhưng sáng bóng, đặc biệt không bị sâu, hư. Má cũng thường chỉ tôi làm vệ sinh răng bằng những miếng vỏ cau ấy.
Từ lâu lắm rồi, những cái ô trầu hầu như vắng bóng trong đời sống những người phụ nữ, nhất là ở thành thị. Tôi rất nhớ cái ô trầu “kỳ diệu” của bà và má cùng những năm tháng xa mờ đã qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.