Nhờ loại đậu phụ vàng béo bùi, mềm thơm, bánh đa vừng giòn rụm mà bà con nơi này có thu nhập khá

Chủ nhật, ngày 05/03/2023 16:06 PM (GMT+7)
Không chỉ nổi tiếng là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng, người dân thôn Yên Hoành, xã Định Tân (Yên Định, Thanh Hóa) từ bao đời nay vẫn luôn giữ gìn nghề làm đậu phụ vàng và bánh đa nức tiếng.
Bình luận 0
Nhờ loại đậu phụ vàng béo bùi, mềm thơm, bánh đa vừng giòn rụm mà bà con nơi này có thu nhập khá - Ảnh 1.

Gia đình bà Trịnh Thị Quýnh, thôn Yên Hoành đã có nhiều năm làm nghề đậu phụ.

Từ rất lâu đời, nghề làm đậu phụ vàng và bánh đa truyền thống xã Định Tân đã mang lại việc làm, thu nhập cho nhiều hộ gia đình, sản phẩm nổi tiếng khắp vùng bởi hương vị thơm ngon, có mặt ở hầu khắp các chợ quê ở Yên Định và Vĩnh Lộc, vừa bán lẻ tại gia đình, vừa bán cất đi các nơi.

Nhờ hương vị thơm ngon, béo bùi của đậu phụ, giòn rụm của bánh đa vừng mà bà con trong thôn có thu nhập khá giả, nuôi con cái học hành đỗ đạt… Theo các cụ cao niên xã Định Tân, dù là nghề truyền thống của ông cha để lại, nhưng do thời gian cũng như tác động của cơ chế thị trường, nghề này đang có nguy cơ mai một. Hiện, chỉ tập trung ở thôn Yên Hoành với vài chục hộ còn giữ nghề.

Ngoài đậu phụ trắng, đậu phụ vàng là món ăn đặc trưng của người dân nơi đây bởi màu vàng tự nhiên của nghệ tươi với hương vị khác biệt. Thanh đậu chắc nhưng ăn thì mềm, béo, thơm. Có thể ăn ngay hoặc chế biến thành nhiều món khác.

Đã gần 20 năm trong nghề làm đậu phụ, bà Trịnh Thị Quýnh, thôn Yên Hoành, chia sẻ: Để làm ra một bìa đậu ngon, quan trọng nhất là khâu chuẩn bị nguyên liệu. Đầu tiên đậu nành phải chọn lựa kỹ, hạt vàng, tròn để ngâm. Chế biến cũng phải thật tinh, thật khéo để lấy được phần cốt đậu đạt chuẩn. Nghề làm đậu bây giờ đã bớt phần vất vả nhờ máy móc cải tiến. Hệ thống máy xay, vắt nấu nước đậu có giá từ khoảng 150 - 200 triệu đồng.

“Công đoạn pha nước chua quyết định sự thành công của mẻ đậu phụ. Khâu cuối cùng là gói đậu, đến đây người làm nghề ở Yên Hoành làm hoàn toàn thủ công. Việc gói đậu dù không vất vả nhưng đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khéo léo. Vì thế, công việc này thường do các bà, mẹ, chị, em phụ nữ đảm nhiệm”, bà Quýnh bộc bạch.

Chị Lê Thị Hương, thôn Yên Hoành, cho biết: “Trong ẩm thực, đậu phụ được sử dụng làm nguyên, phụ liệu để chế biến nhiều món ăn, tuy vậy dù chế biến thành món ăn nào thì miếng đậu phụ được làm từ đôi bàn tay cần mẫn, khéo léo của người dân Yên Hoành cũng toát lên mùi thơm, mềm, vị béo ngậy đậm đà, thanh mát”.

Nhờ loại đậu phụ vàng béo bùi, mềm thơm, bánh đa vừng giòn rụm mà bà con nơi này có thu nhập khá - Ảnh 2.

Nhờ loại đậu phụ vàng béo bùi, mềm thơm, bánh đa vừng giòn rụm mà bà con nơi này có thu nhập khá - Ảnh 3.

Theo chia sẻ của người dân thôn Yên Hoành, bột nghệ là phụ gia không thể thiếu để làm ra miếng đậu phụ vàng trứ danh.

Ghé thăm cơ sở sản xuất của gia đình anh Trịnh Ngọc Hùng - một trong những hộ làm đậu phụ lớn nhất thôn Yên Hoành, anh chia sẻ, gia đình làm nghề này ngót nghét đã hơn 20 năm, thời các cụ do chưa có công nghệ nên làm hơi vất vả, thủ công, tốn nhiều thời gian và công sức. Đến thế hệ chúng tôi, dù đã có máy móc hỗ trợ, nhưng để làm ra miếng đậu thơm ngon, nhất định phải giữ nguyên bí quyết từ thời cha ông để lại.

Đậu phụ là món ăn thanh mát, dân dã, phổ biến ở nhiều nơi nhưng đậu phụ Yên Hoành thơm ngon, nổi tiếng hơn cả. Trung bình mỗi ngày gia đình anh Hùng sử dụng từ 90 – 100 kg đậu nành nguyên liệu, làm ra khoảng 1.000 – 1.400 bìa đậu thành phẩm, giá bán thị trường 2.000 – 2.500 đồng/bìa đậu, trừ chi phí gia đình anh thu về 15 triệu đến 20 triệu đồng/tháng.

Anh Hùng tâm sự, ở thôn Yên Hoành, rất hiếm có người trẻ theo nghề, bám nghề mà chủ yếu là lao động trung niên và cao tuổi. Công việc yêu cầu phải thức khuya dậy sớm, rất vất vả, thu nhập lại không cao. Bài toán kinh tế khiến nhiều gia đình trong thôn không còn mặn mà. Đặc biệt, người trẻ không còn thích gắn bó với nghề truyền thống nữa mà lựa chọn những công việc khác.

Ông Trịnh Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Định Tân, cho biết: Toàn xã có 4 thôn, nhưng duy nhất chỉ có thôn Yên Hoành là người dân còn lưu giữ nghề làm đậu phụ với gần 30 hộ. Hàng năm tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động, ngoài ra, địa phương còn nổi tiếng bởi nghề làm bánh đa “cha truyền con nối”. Trong xu thế phát triển của cuộc sống hiện đại, nghề làm đậu phụ vàng và bánh đa đang đứng trước nguy cơ mai một, trước thực tế đó địa phương đang tìm cách mở rộng, phát triển nghề theo hướng hiện đại, đồng thời xây dựng đậu phụ Yên Hoành trở thành sản phẩm OCOP trong năm 2023.


Trung Lê (vhds.baothanhhoa.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem