Nhặt thứ cả làng vứt đi, chị em xã này ở Thái Bình kiếm tiền triệu giúp nhà nghèo

Tiên Dung (Cổng TTĐT huyện Vũ Thư) Thứ hai, ngày 27/02/2023 04:12 AM (GMT+7)
Thu gom rác thải nhựa không chỉ giúp bảo vệ môi trường, nhiều chị em phụ nữ ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) còn bán thu về tiền triệu, từ đó mua nhiều suất quà trao tặng đến người nghèo.
Bình luận 0

Đều đặn vào ngày cuối cùng của tháng, nhà văn hóa thôn Văn Lang, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) lại tấp nập các bà, các mẹ, các chị mang phế liệu đến góp vào mô hình Tiết kiệm từ thu gom phế liệu của Chi hội phụ nữ. 

Nhanh tay phân loại phế liệu, bà Vũ Thị Hồng, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Văn Lang hồ hởi cho biết: Năm 2018, Chi hội phụ nữ thôn Văn Lang là một trong những chi hội đầu tiên hưởng ứng thực hiện mô hình Tiết kiệm từ thu gom phế liệu do Hội LHPN xã Duy Nhất phát động nhằm gây quỹ giúp đỡ hội viên phụ nữ, trẻ em nghèo.

Nhặt thứ cả làng vứt đi, chị em xã này ở Thái Bình kiếm tiền triệu giúp nhà nghèo - Ảnh 1.

 

 

Nhặt thứ cả làng vứt đi, chị em xã này ở Thái Bình kiếm tiền triệu giúp nhà nghèo - Ảnh 2.

Hội viên phụ nữ xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư (Thái Bình) tích cực thu gom rác phế liệu bán gây quỹ mua nhiều suất quà trao tặng người nghèo.

Bốn năm qua, việc thu gom phế liệu như các loại vỏ chai, vật dụng cũ trong gia đình được nhiều chị em trong chi hội phụ nữ thôn Văn Lang, xã Duy Nhất duy trì. 

Thời gian đầu, chỉ có vài hội viên tham gia, nhưng dần dần nhận thấy được ý nghĩa của mô hình, số lượng chị em tham gia rất đông. Từ số tiền thu được, chi hội đã mua 5 thẻ Bảo hiểm y tế tặng phụ nữ nghèo và thăm hỏi nhiều phụ nữ, trẻ em nghèo gặp hoạn nạn.

Đầu năm 2018, xuất phát từ thực tế hộ gia đình nào cũng có phế liệu như bìa cát-tông, vỏ chai nhựa,… nhưng sau khi sử dụng thường vứt bỏ vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường, Hội LHPN xã Duy Nhất đã triển khai mô hình phụ nữ “Tiết kiệm từ thu gom phế liệu” gây quỹ giúp đỡ hội viên, phụ nữ, trẻ em nghèo, đồng thời góp phần làm sạch môi trường. 

Ban đầu, từ 10 thành viên trong BCH Hội tham gia, đến nay, mô hình được nhân rộng ở 100% chi hội với sự tham gia của đông đảo hội viên phụ nữ trong toàn xã Duy Nhất.

Nhặt thứ cả làng vứt đi, chị em xã này ở Thái Bình kiếm tiền triệu giúp nhà nghèo - Ảnh 3.

Hội viên phụ nữ xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình phân loại phế liệu, đóng vào bao mang đi bán cho các đại lý thu mua phế liệu.

“Vào những ngày cuối tuần, chị em trong chi hội lại chia thành từng nhóm đi thu gom phế liệu của các hộ gia đình trong thôn, sau đó dồn góp vào mỗi tháng bán phế liệu một lần. Khi bán được 50.000-60.000 đồng, cũng có khi bán được vài trăm nghìn đồng. Số tiền thu được sẽ góp lại để dành hỗ trợ hội viên phụ nữ khi gặp khó khăn”, bà Lê Thị Kim Loan, thôn Minh Hồng, xã Duy Nhất chia sẻ.

Chị Bùi Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN xã Duy Nhất (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cho biết: Mặc dù số tiền tích góp từ việc bán phế liệu của mỗi hội viên không nhiều, nhưng nhiều hội viên góp lại là một con số không hề nhỏ. 

Bốn năm qua, mô hình “Tiết kiệm từ thu gom phế liệu” của Hội LHPN xã Duy Nhất đã thu được 35,2 triệu đồng từ việc bán phế liệu. Từ số tiền này, Hội LHPN xã Duy Nhất đã trích quỹ sửa chữa nhà cho phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; tặng con giống, quà cho hội viên nghèo và thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội có ý nghĩa. 

Không chỉ tạo được nguồn quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, mô hình còn góp phần vào việc nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân trong xã.

Nhặt thứ cả làng vứt đi, chị em xã này ở Thái Bình kiếm tiền triệu giúp nhà nghèo - Ảnh 4.

Số tiền thu được từ mô hình thu gom, bán rác phế liệu sẽ được cất giữ trong các hòm tiết kiệm do Hội Phụ nữ xã Duy Nhất tổ chức.

“Khi chưa thực hiện mô hình, những loại rác thải nhựa ít được người dân quan tâm để ý, nhiều người vẫn có thói quen vứt chai, vỏ nhựa ra đường, xuống sông nhưng giờ tình trạng này đã giảm đáng kể. Có hôm chúng tôi thấy mấy bà, mấy chị đi chợ về dừng xe nhặt những chai nhựa ở ven đường, nói là mang về góp cho Hội Phụ nữ. Chỉ cần nghe thôi đã thấy ý nghĩa, ý thức và tinh thần của chị em tiếp thêm động lực để chúng tôi duy trì thực hiện mô hình này”, bà Trần Thị Thanh, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Văn Lâm chia sẻ.

Mô hình “Tiết kiệm từ thu gom phế liệu” gây quỹ giúp đỡ phụ nữ, trẻ em khó khăn đã đem lại hiệu quả thiết thực và được hưởng ứng tích cực bởi nó rất phù hợp với thực tế địa phương, lại đơn giản, mọi người đều có thể thực hiện. Điều đáng ghi nhận là từ phong trào đã lồng ghép việc thực hành tiết kiệm với các hoạt động xã hội, từ thiện, giúp đỡ, tạo sợi dây gắn bó mật thiết giữa các hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem