Nhớ Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh: Làm ngọn lửa hồng, làm tấm gương trong

Mai An Thứ hai, ngày 27/08/2018 07:00 AM (GMT+7)
Những bài thơ, ca khúc và trích đoạn kịch lắng sâu của đêm nghệ thuật "Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh: Tình yêu ở lại" tối 26.8 khiến khán giả xúc động. Ký ức và cảm xúc ùa về, để thêm tiếc nhớ 2 tài năng đã mãi mãi đi xa.
Bình luận 0

Nơi thu sang, mây trắng vẫn bay về 

Tối 26.8, khán phòng Nhà hát Lớn tràn ngập một không khí xúc động trong đêm nghệ thuật "Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh: Tình yêu ở lại" do Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ, VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của vợ chồng cố tác giả. 

img

Tham dự chương trình có ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ông Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Thế Kỷ- Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo NTNN... và rất nhiều đại biểu khác. 

Từ khi chương trình chưa bắt đầu, khán giả đã đến rất đông và rất sớm, để dạo bước quanh khu trưng bày phía ngoài nhà hát như một triển lãm sắp đặt nhỏ, những bức áp phích quảng cáo những vở kịch nổi tiếng của Lưu Quang Vũ, những bức ảnh tư liệu, những trang bản thảo còn dang dở. Bạn bè văn nghệ sĩ của vợ chồng nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đến rất đông, ai cũng nghẹn ngào xúc động. Bà Đông Mai- chị gái nhà thơ Xuân Quỳnh cũng bay từ TP.HCM ra để tham dự đêm nghệ thuật đặc biệt này. 

Nghệ sĩ nhân dân Doãn Châu, nghệ sĩ ưu tú Lê Chức, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhà thơ Anh Ngọc, nhà thơ Hồng Thanh Quang, nhà văn Ngô Thảo... và những thành viên trong gia đình 2 cố tác giả đã từng gặp nhau trong nhiều lần tưởng niệm trước nhưng lần này vẫn không giấu nổi sự nghẹn ngào xúc động.

img

Nhà thơ Anh Ngọc đọc bài thơ "Vườn trong phố".

30 năm trước, cũng vào "mùa thu vàng hoa cúc" này, gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ ra đi trong 1 tai nạn giao thông ở Hải Dương, đây là một sự kiện gây chấn động, bàng hoàng cho khán giả cả nước và bạn bè văn nghệ sĩ quốc tế. 

30 năm sau, những kỷ niệm như vẫn còn tươi rói về những ngày đẹp nhất mà họ đã sống, đã cống hiến cho nghệ thuật, những nỗi đau vẫn còn hằn sâu trong ký ức người ở lại, như vừa mới hôm qua. Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức nghẹn lời khi kể phút gây ông cậy nắp quan tài, đưa thi hài 3 người vào nhà lạnh. Nghệ sĩ nhân dân Doãn Châu nhắc lại lời cuối cùng mà bạn ông- nhà thơ Lưu Quang Vũ đã nói cùng ông trong đêm định mệnh cuối cùng, bên bờ biển, rằng "Dù có khó khăn đến đâu, chúng ta cũng phải cố gắng vượt qua, để mang đến những điều tốt đẹp nhất cho cuộc đời".

img

Vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh.

Nhà phê bình, TS Nguyễn Thị Minh Thái rưng rưng nhớ lại, kỷ niệm khi còn làm chung tạp chí Sân khấu với nhà thơ Lưu Quang Vũ hay gặp gỡ nhà thơ Xuân Quỳnh khi đang học ở Nga. Những kỷ niệm về 2 con người tài năng tột bậc mà bình dị, luôn sống và nghĩ cho người khác, đến tận giây phút cuối đời vẫn gắn bó bên nhau khiến khán giả rưng rưng nghẹn ngào.

Nhà thơ Anh Ngọc đọc bài thơ "Vườn trong phố", để lý giải vì sao ông mê nhà thơ Lưu Quang Vũ, ông xúc động nói: "Với những câu thơ đẹp đẽ thế này, chạm vào xúc cảm thế này mà không mê, không yêu nhà thơ Lưu Quang Vũ sao được: 

"Rừng rậm đèo cao anh đã vượt lên

Theo tiếng gọi con tàu ngày bé dại

Vườn không níu được bước chân trở lại

Nhưng lá còn che mát suốt đường anh

Mảnh vườn em vẫn là mảnh vườn xanh

Nơi ban đầu lòng ta ươm tổ mật

Nơi ta hái những chùm thơ thứ nhất

Nơi thu sang mây trắng vẫn bay về".

Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể một câu chuyện mà ông giữ kín trong lòng suốt nhiều năm nay, đó là khi ông đang học ở Liên Xô, nhà thơ Xuân Quỳnh có sang học một thời gian và ở cùng trường với ông. Một lần trong một cuộc nói chuyện với nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú và nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, ông bỗng nhiên thấy gương mặt của nhà thơ Xuân Quỳnh 'bạc đi một nửa". Và Trần Đăng Khoa khuyên nhà thơ Xuân Quỳnh "hãy rời xa Lưu Quang Vũ nếu không cả hai sẽ gặp chuyện chẳng lành, và Xuân Quỳnh rất buồn khi nghe lời "tiên đoán" của ông, viết thư cho Lưu Quang Vũ ở Việt Nam, chị nhắc đến những lời "nói gở" của Trần Đăng Khoa làm chị buồn. 

Không ai chống được số mệnh. Dù là 2 con người tài năng, nhân hậu và cống hiến hết mình cho nghệ thuật, cho tình yêu thương gia đình bè bạn như Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh, họ cũng không chống lại được số mệnh nghiệt ngã của mình. 

Làm ngọn lửa hồng, làm tấm gương trong

30 năm qua, ký ức về 2 cố tác giả tài danh Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh trong lòng bạn bè, công chúng vẫn còn lại những điều đẹp nhất. Những bài thơ không chết. Những vở kịch cháy bỏng không chết. Những kỷ niệm một thời khốn khó không chết.

Cuộc đời Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh dù ngắn ngủi, anh mất năm 40 tuổi, chị mất năm 46 tuổi, ngoài khối lượng tác phẩm đồ sộ anh chị để lại, thì câu chuyện tình yêu của họ cũng là một nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ khán giả. Họ là 2 con người tử tế, đẹp đẽ, hoàn toàn xứng đáng với 2 chữ "con người", bởi những gì mà họ dành cho nhau và dành cho cuộc đời.

img

Xuân Quỳnh đã yêu, đã sống với một trái tim "biết yêu anh ngay cả khi chết đi rồi", còn Lưu Quang Vũ, những dòng thơ anh dành cho người vợ đầu gối tay ấp suốt 15 năm, người đã khiến sự nghiệp của anh thăng hoa, đến giờ vẫn khiến người đọc rưng rưng cảm động: 

Làm thuyền trên sông, làm lúa trên đồng

Làm ngọn lửa hồng, làm tấm gương trong

Và nhận hết niềm vui trên cõi sống

Mũi kim nhỏ mà chiều mau tắt nắng

Có sao đâu: áo đẹp đã xong rồi

Phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay

Ta đã có những ngày vui sướng nhất

Đã uống cả men nồng và rượu chát

Đã đi qua cùng tận của con đường

Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên

Buồm đã tới và lúa đồng đã gặt.

"Chúng ta không mất Quỳnh, không mất Vũ, không mất Thơ, họ không mất đi đâu cả, họ vẫn sống cùng ta trong cuộc sống này, vì những điều tốt đẹp thì không bao giờ mất"- nghệ sĩ ưu tú Lê Chức nói thay cho tâm sự của rất nhiều người. 

img

Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức đọc trích đoạn bài thơ "Và anh tồn tại". 

Tài năng chỉ là một chuyện, nhưng Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh còn đến hôm nay, vẫn đẹp trong tâm trí của người thân, bạn bè và khán giả chính bởi cái "Tâm" của họ. Nghệ sĩ nhân dân Doãn Châu nói: "Nghĩ đến Lưu Quang Vũ, tôi thường nghĩ tới Nguyễn Du với câu "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài", nghĩ đến Nguyễn Đình Chiểu với câu thơ: "Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương. Những vở kịch của Lưu Quang Vũ chống phá cái xấu, cái ác đến tận cùng, một cách quyết liệt cũng bởi ông quá yêu thương cuộc đời này, chỉ mong nó được tốt đẹp hơn". 

Điều này lý giải vì sao những vở kịch của Lưu Quang Vũ 30 năm không hề cũ, luôn đi cùng, thậm chí đi trước thời đại. Và những vần thơ của ông, cũng như của nhà thơ Xuân Quỳnh, 30 năm qua vẫn được nhiều thế hệ thuộc lòng, ngâm nga, bởi giá trị nghệ thuật và những xúc cảm nhân văn của chúng, qua thời gian chỉ làm ánh thêm lên những sắc màu của những viên ngọc quý. 

Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đã hoàn thành sứ mệnh của họ trên cuộc đời mình, không chỉ với tư cách của những thi nhân hay kịch tác gia, mà còn là biểu tượng của tài năng và tình yêu cao đẹp. Họ đã "làm ngọn lửa hồng, làm tấm gương trong" cho nhân thế, để chúng ta soi vào mà mơ tới những điều đẹp đẽ cho ngày mai.

"Tôi đề nghị Thành phố Hà Nội nên có một con đường mang tên nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Phải chọn một con đường thật đẹp, nơi có nhiều đôi trai gái hẹn hò để đặt tên con đường ấy bằng tên của cặp vợ chồng tác giả tài danh này. Đừng đặt tên họ cho 2 con đường riêng biệt, bởi họ đã sống cùng nhau, đã yêu nhau đến tận cùng, ngay cả cái chết cũng không làm chia lìa họ được"- Nhà thơ Trần Đăng Khoa- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem