Nhóm "hiệp sĩ" đường phố TP.HCM bắt cướp nhầm?

Thứ ba, ngày 22/01/2019 07:07 AM (GMT+7)
Vụ án xảy ra từ tháng 8.2015, năm lần ra tòa nhưng không xử được, hiện bị can được tại ngoại sau hai năm bị tạm giam.
Bình luận 0

Hơn 40 tháng nay, Phạm Lương Phát Minh (sinh năm 1993, ngụ phường 14, quận 10, TP.HCM), bị truy tố tội cướp giật tài sản, liên tục kêu cứu vì số phận pháp lý của mình bị bỏ lửng. Gia đình Minh đã nhiều lần đến VKS và Công an quận Tân Bình để hỏi thông tin về vụ án nhưng chưa có kết quả. Trước đó, ngày 17.1.2018, cơ quan tố tụng trả lời gia đình Minh rằng vụ án vẫn đang được điều tra bổ sung.

Bị “hiệp sĩ” đường phố dí bắt

Vụ án đã xảy ra từ hơn 40 tháng trước, năm lần tòa đưa ra xử nhưng không thể kết án, Minh đã bị tạm giam hai năm, sau đó được tại ngoại. Lần điều tra lại gần nhất cách đây hơn 18 tháng nhưng vẫn chưa kết thúc điều tra.

Theo hồ sơ, tối 30.8.2015, một nhóm “hiệp sĩ” đường phố đã đeo bám Minh và Diệp Diệu Vinh từ đường Lý Thường Kiệt về đến đường Đông Hồ, quận Tân Bình. Nhóm này trực tiếp chứng kiến việc Minh giật bóp tiền của chị L.V.A đang để trong hộc xe nên đã bắt và áp giải về giao công an phường.

Ngay từ lúc bị bắt, cả Vinh và Minh cùng kêu oan. Khi nhóm “hiệp sĩ” bắt Vinh và Minh thì bóp tiền vẫn trong hộc xe của chị A nên công an đã lập biên bản trả lại cho người bị hại. Hôm sau, thông tin về “chiến công” của các “hiệp sĩ” được đăng trên Facebook Đội hiệp sĩ TP.HCM cùng địa chỉ nơi ở và hình ảnh hai người đang bị còng tay. Tuy nhiên, vài ngày sau Vinh được công an thả về do được xác định là không liên quan đến hành vi giật bóp tiền.

Minh thì bị truy tố tội cướp giật tài sản. Cáo trạng xác định Minh ngồi sau xe do Vinh chở và đã giật bóp của chị A đang để trong hộc bên trái cổ xe. Trong quá trình điều tra, Minh thừa nhận cùng Vinh thực hiện vụ cướp giật và tự viết tường trình diễn biến việc giật bóp tiền. Tại lần đối chất giữa Minh và Vinh có sự giám sát của kiểm sát viên vào ngày 12.10.2015, Minh cũng khai nhận như đã tường trình.

img

Phạm Lương Phát Minh đến báo Pháp Luật TP.HCM gửi đơn kêu cứu. Ảnh: PL

Năm phiên tòa không xử được

Từ tháng 12.2015 đến nay, TAND quận Tân Bình đã năm lần mở phiên tòa xét xử Minh. Tuy nhiên, tại tòa Minh cho rằng lời nhận tội không phải do ý chí của bị cáo mà do điều tra viên (ĐTV) hướng dẫn khai. Do quá sợ nên Minh khai nhận theo ý họ để được gặp gia đình và hy vọng sẽ được thả ra như lời hứa của ĐTV.

Theo Minh, bị cáo không biết gì về vụ cướp giật. Lúc đó xe của người chở chị A và xe của Vinh xảy ra va quẹt nhưng bị một nhóm người dí theo ép xe và đưa về công an phường bắt nhận tội. Vinh có mặt tại tòa và cũng khai tương tự Minh. Vinh khai rằng không biết gì về vụ cướp giật và cũng không bàn bạc thống nhất gì với Minh.

Tại lần mở phiên tòa vào tháng 5.2016, ba “hiệp sĩ” trực tiếp dí bắt Minh và Vinh đã đến tòa làm chứng. Ba “hiệp sĩ” cùng khai do thấy hai đối tượng khả nghi nên họ bám theo và phát hiện việc Minh giật bóp nên dí bắt. Riêng nhân chứng là các “hiệp sĩ” hướng dẫn chị A trình báo vụ cướp giật thì chưa từng đến tòa.

Người bị hại là chị A và nhân chứng (là người chở chị A) cũng chưa một lần đến tòa dù đã được mời hợp lệ. Hai người này có lời khai trong hồ sơ rằng đã trực tiếp chứng kiến hành vi cướp giật tài sản của Minh. Sau đó họ đã thay đổi lời khai và khẳng định cái bóp không có dây nên không thể nói “bị vướng dây nên giật hụt”. Hai người còn khai rằng không có ai giật bóp của mình, đồng thời từ chối tham gia thực nghiệm điều tra khi được mời.

TAND quận Tân Bình đã nhiều lần trả hồ sơ nhằm làm rõ những tình tiết mới phát sinh tại tòa; làm rõ lời khai của các “hiệp sĩ” do các lời khai này mâu thuẫn nhau về khoảng cách giữa các xe, cách thức thực hiện hành vi của Minh, ánh sáng đèn đường và nhiều vấn đề khác...

Được tại ngoại và kêu oan

Minh được chánh án TAND quận Tân Bình ký lệnh cho tại ngoại từ tháng 7.2017. Trong 18 tháng bị cấm đi khỏi nơi cư trú, Minh phụ giúp cha làm công việc in ấn tại nhà. Số phận pháp lý lửng lơ nên Minh không thể xin việc làm ở nơi khác khiến cuộc sống bí bách. Cha mẹ của Minh đã liên tục đi gõ cửa các cơ quan để hỏi về kết quả vụ án của con.

Mẹ Minh kể khi được ba tuổi Minh uống nhầm một hóa chất khiến bao tử bị tổn thương nên phải đưa chất dinh dưỡng vào cơ thể bằng đường ống. Đến năm sáu tuổi, có đoàn của Tổ chức Y tế Thế giới đến Việt Nam trợ giúp, Minh được chọn để can thiệp y khoa nên từ đó mới có thể tự ăn uống nhưng người yếu ớt, gầy guộc.

Minh kể tối hôm xảy ra sự việc Vinh đến tìm nhờ làm giùm mẫu thiệp cưới và rủ Minh đi uống cà phê. Trên đường, xe của Vinh chạy cùng chiều với một xe Nouvo. Bất ngờ xe Nouvo rẽ trái mà không bật đèn xi nhan, Vinh điều khiển xe lách qua. Minh ngồi sau, theo phản xạ để giữ thăng bằng nên tay phải bám vào baga sau của xe Nouvo.

Xe của Vinh chạy tiếp một đoạn thì có nhóm “hiệp sĩ” yêu cầu dừng xe và dùng dây rút cột tay lại. Khi về phường thì Minh mới biết bị bắt vì tình nghi cướp giật tài sản. “Sau đó em được chuyển về công an quận. Em nói em không ăn trộm, ăn cắp gì của ai hết. ĐTV hỏi em những câu mà em không biết trả lời: Ai là người rủ đi cướp giật? Ai là người thấy tài sản? Ai là người thực hiện hành vi?” - Minh kể.

Minh kể rằng ĐTV hứa là sẽ cho gặp cha mẹ nếu nhận tội. Bản cung ghi là Minh giật không được là do chiếc bóp vướng dây vào xe. Tuy nhiên, khi điều tra bổ sung, trưng cầu vật chứng thì mới biết cái bóp đó không có dây. Chị A và người chở chị cũng khai rằng cái bóp nằm trong hộc xe.

Minh nói: “Ban đầu em tưởng do xe em va chạm vào xe chị A nên đã làm rớt bóp. Qua lời khai của chị A, em mới biết bóp không có dây thì làm sao vướng vào xe được. Rõ ràng là em đã bị vu oan…”.

Sẽ kiểm tra, giải quyết sớm

Mới đây, tại hội nghị triển khai công tác năm 2019, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Văn Quảng phát biểu chỉ đạo ngành kiểm sát TP.HCM tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm các vụ án có bị can đã khởi tố kéo dài nhiều năm. Viện trưởng VKSND TP.HCM Dương Ngọc Hải đã tiếp thu chỉ đạo. Ông Hải thông tin TP.HCM còn nhiều vụ (trong đó có vụ án này) bị kéo dài, đồng thời chỉ đạo kiểm tra, giải quyết dứt điểm loại án này từ nay đến trước Tết nguyên đán.

VKS chưa xếp lịch gặp

Để làm rõ vụ việc, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với VKSND quận Tân Bình để đăng ký gặp viện trưởng. PV được hướng dẫn để lại số điện thoại, sau khi VKS sắp xếp lịch sẽ mời đến làm việc. Tuy nhiên, từ khi đăng ký làm việc đến nay đã khá lâu nhưng VKS vẫn chưa có lịch hẹn. Chúng tôi sẽ liên hệ với Cơ quan CSĐT Công an quận để tìm hiểu thông tin vụ án này.

Phương Loan (Pháp luật TP.HCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem