Nhóm khủng bố IS hiện giờ ra sao? Động cơ khiến chúng tấn công buổi hòa nhạc Moscow là gì?

Phương Đăng (theo Reuters/Newsweek) Thứ bảy, ngày 23/03/2024 11:22 AM (GMT+7)
Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gây chú ý khi lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố vào tối thứ Sáu 22/3 gần Moscow, khiến ít nhất 60 người thiệt mạng. Theo các quan chức Mỹ, sau một thời gian tương đối im lặng, IS đang ngóc đầu dậy, cố gắng gia tăng các cuộc tấn công đẫm máu.
Bình luận 0

Nhóm khủng bố IS hiện giờ ra sao?

Nhóm khủng bố IS hiện giờ ra sao? Động cơ khiến chúng tấn công buổi hòa nhạc Moscow là gì?- Ảnh 1.

Các chiến binh khủng bố thuộc chi nhánh Afghanistan của Nhà nước Hồi giáo tự xưng được gọi là Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria - Khorasan (ISIS-K). Ảnh NDTV

Nhóm khủng bố IS đã nhanh chóng lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công đẫm máu vào trung tâm thương mại sầm uất Crocus City Hall gần Moscow khiến ít nhất 60 người thiệt mạng và 130 người khác bị thương thông qua kênh Amaq trên Telegram. Tổ chức này cũng tuyên bố, họ nhắm mục tiêu vào những người theo đạo Cơ đốc. IS nhấn mạnh, các chiến binh tổ chức này đã "tấn công một cuộc tụ tập lớn... ở ngoại ô của thủ đô Moscow của Nga". Tuyên bố của IS cũng tiết lộ thêm rằng những tay súng tham gia vụ tấn công đã "rút lui về căn cứ của họ một cách an toàn. Sau vụ tấn công vào buổi hòa nhạc gần Moscow, nhiều người đặt câu hỏi nhóm khủng bố IS giờ ra sao, đang hoạt động thế nào?

Nhóm khủng bố IS hiện giờ ra sao? Động cơ khiến chúng tấn công buổi hòa nhạc Moscow là gì?- Ảnh 2.

Trung tâm thương mại sầm uất Crocus City Hall gần Moscow bốc cháy dữ dội sau vụ tấn công khủng bố tối 22/3. Ảnh IT

Theo Reuters, các chiến binh tham gia vụ tấn công đẫm máu vào trung tâm thương mại Crocus City Hall tối 22/3 thuộc chi nhánh Afghanistan của Nhà nước Hồi giáo tự xưng được gọi là Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria - Khorasan (ISIS-K). 

ISIS-K, được đặt tên theo một thuật ngữ cũ để chỉ khu vực bao gồm các phần của Iran, Turkmenistan và Afghanistan. Nhóm này nổi lên ở miền đông Afghanistan vào cuối năm 2014 và nhanh chóng gây sợ hãi về sự tàn bạo cực độ của họ.

Là một trong những chi nhánh hoạt động tích cực nhất trong khu vực của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng, ISIS-K cũng giống như IS đã chứng kiến số lượng các thành viên của họ bị giảm sụt đáng kể sau khi hoạt động đạt đỉnh điểm vào khoảng năm 2018. Lực lượng Nga (hoạt động ở Syria), liên minh quân sự chống IS do Mỹ dẫn đầu và cả Taliban đã gây ra tổn thất nặng nề cho nhóm khủng bố IS nói chung lẫn ISIS-K nói riêng.

Mỹ cho biết khả năng phát triển thông tin tình báo nhằm chống lại các nhóm cực đoan ở Afghanistan như ISIS-K của họ đã bị suy giảm kể từ khi quân đội Mỹ rút khỏi nước này vào năm 2021. Theo các quan chức Mỹ, sau một thời gian tương đối im lặng, IS đang ngóc đầu dậy, cố gắng gia tăng các cuộc tấn công đẫm máu vào nhiều khu vực trên thế giới.

ISIS-K nguy hiểm thế nào, đã tiến hành những vụ tấn công nào?

ISIS-K có lịch sử tấn công tàn bạo, bao gồm cả các vụ khủng bố vào nhà thờ Hồi giáo, trong và ngoài Afghanistan.

Đầu năm nay, Mỹ đã chặn được thông tin liên lạc xác nhận nhóm này đã thực hiện vụ đánh bom kép ở Iran khiến gần 100 người thiệt mạng.

Vào tháng 9/2022, các chiến binh ISIS-K đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom liều chết tại Đại sứ quán Nga ở Kabul.

Nhóm này cũng từng lên tiếng chịu trách nhiệm về một cuộc tấn công đẫm máu vào sân bay quốc tế Kabul vào năm 2021 khiến 13 lính Mỹ và nhiều dân thường thiệt mạng trong cuộc sơ tán hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan.

Đầu tháng này, vị tướng hàng đầu của Mỹ ở Trung Đông cảnh báo, ISIS-K có thể tấn công các lợi ích của Mỹ và phương Tây bên ngoài Afghanistan "trong vòng 6 tháng và có rất ít hoặc không có cảnh báo".

Tại sao IS lại tấn công Nga?

Các chuyên gia cho biết, cuộc tấn công của ISIS-K vào Crocus City Hall gần Moscow vào tối 22/3 là một sự leo thang đáng kể các hoạt động bạo lực của nhóm khủng bố này. 

Tiến sĩ Colin Clarke thuộc Trung tâm Soufan, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Washington, cho biết: “ISIS-K đã tập trung vào Nga trong 2 năm qua".

Ông Michael Kugelman thuộc Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington cho biết ISIS-K "coi Nga là đồng lõa trong các hoạt động thường xuyên đàn áp người Hồi giáo".

Ông nói thêm rằng nhóm này cũng có thành viên là một số chiến binh Trung Á có mối bất bình với Moscow.  

Trước đây, các chiến binh IS cũng đã từng thực hiện một số vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhắm vào Nga. Chẳng hạn, vào ngày 13/3/2019, 2 tay súng đã tấn công các sĩ quan Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) bằng vũ khí tự động và lựu đạn khi bị dừng lại để thẩm vấn tại Stavropol thuộc quận Shpakovsky. Cả hai thủ phạm đều thiệt mạng trong cuộc đối đầu. Sau đó, chính quyền Nga cho biết họ đang lên kế hoạch tấn công khủng bố vì có liên kết với IS. Vào ngày 8/4 cùng năm, IS nhận trách nhiệm gây ra một vụ nổ tại Kolomna, một thành phố gần Moscow. Cuộc tấn công không gây ra thương vong nào.

Đáng chú ý nhất là ngày 31/10/2015, IS đã nhận trách nhiệm tấn công khiến một chiếc Airbus A321 của Nga phát nổ giữa chuyến bay sau khi khởi hành từ Ai Cập, khiến 224 người thiệt mạng. Cụ thể, chuyến bay Metrojet 9268 của hãng hàng không Nga Kogalymavia (có nhãn hiệu là Metrojet) đã phát nổ trên bầu trời phía bắc Sinai sau khi khởi hành từ Sân bay Quốc tế Sharm El Sheikh, Ai Cập và đang trên đường đến Sân bay Pulkovo, Saint Petersburg, Nga. Toàn bộ 217 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn trên máy bay đều thiệt mạng. Trong tuyên bố nhận trách nhiệm cho vụ tấn công, IS chi nhánh Sinai đã đăng kèm những bức ảnh về thứ mà chúng tuyên bố quả bom chúng cài trên chuyến bay Metrojet 9268.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem