Nhóm ngành nào của Việt Nam chịu tác động tiêu cực của xung đột Nga - Ukraine?
Nhóm ngành nào của Việt Nam chịu tác động tiêu cực của xung đột Nga - Ukraine?
Huyền Anh
Thứ tư, ngày 09/03/2022 07:26 AM (GMT+7)
Những nhóm ngành được cho là chịu tác động tiêu cực của xung đột Nga – Ukraine gồm dầu ăn, thức ăn chăn nuôi, vận tải hàng không, điện khí và điện than. Trong đó, chịu tác động tiêu cực nhất là ngành dầu ăn và thức ăn chăn nuôi.
Báo cáo mới cập nhật của Chứng khoán VNDirect đã đánh giá tác động của xung đột địa chính trị đối với các ngành kinh tế Việt Nam, cụ thể là các biện pháp trừng phạt lên Nga và giá hàng hóa tăng cao.
Theo đó, VNDirect cho rằng, các tác động tiêu cực có thể xảy đến với mảng dầu ăn, sản xuất thức ăn chăn nuôi và du lịch hàng không.
Cụ thể, ngành dầu ăn bị đánh giá tiêu cực nhất do xung đột Nga – Ukraine. Nguyên nhân, là do nhu cầu chuyển từ dầu hướng dương sang dầu cọ và dầu đậu nành để phục vụ nhu cầu sản xuất ngắn hạn khi Ukraine là quốc gia xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất thế giới.
Các chuyên gia tại đây cho rằng, nếu xung đột diễn ra trong ngắn hạn và Ukraine sớm khôi phục xuất khẩu dầu hướng dương, các công ty dầu ăn sẽ ít bị ảnh hưởng hơn nhờ các hợp đồng trước đó và lượng hàng tồn kho cao kể từ cuối năm 2021. Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng kéo dài, biên lợi nhuận gộp của các công ty dầu ăn sẽ giảm mạnh vào năm 2022.
Tương tự, ngành thức ăn chăn nuôi cũng bị chịu tác động tiêu cực mạnh từ xung đột Nga – Ukraine và giá hàng hóa tăng cao.
Các chuyên gia VnDirect chỉ rõ, Nga và Ukraine là các nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ nhất và thứ 3 thế giới, chiếm gần một phần ba tổng kim ngạch thương mại lúa mì thế giới. Căng thẳng giữa Nga-Ukraine đã khiến giá lúa mì tăng 17,8% so với mức giá trước xung đột.
Ngoài ra, Ukraine còn là nước xuất khẩu ngô lớn thứ 4, chiếm 22% kim ngạch thương mại thế giới, khiến giá thành phẩm từ ngô tăng 8,4% so với trước khi xảy ra xung đột. Lúa mì và ngô là một trong những nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi, do đó giá tăng sẽ tác động không nhỏ tới chi phí đầu vào, gây sụt giảm lợi nhuận.
Đối với ngành vận tải hàng không, các chuyên gia đánh giá, giá dầu tăng mạnh ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận của các hãng hàng không.
Đồng thời, việc tạm dừng các chuyến bay thương mại đến/đi từ Nga và Ukraine ảnh hưởng nhẹ đến sự phục hồi lượng khách quốc tế. Tuy nhiên, VNDirect cho rằng tác động này chỉ mang yếu tố ngắn hạn.
Nhóm ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực tiếp theo là điện khí. Xu hướng tăng của giá dầu Brent thế giới đã khiến giá khí nội địa tăng mạnh, kéo theo giá bán điện tăng. Giá bán cao ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của nguồn điện khí và biên lợi nhuận bị thu hẹp. Trong khi đó, tiến độ một số các dự án năng lượng của nhà đầu tư Nga có thể bị gián đoạn bao gồm nhiệt điện (Long Phú 1, Quảng Trị), và điện NLTT (Vĩnh Phong).
Cuối cùng, VNDirect nhận định điện than cũng phải chịu ảnh hưởng tiêu cực nếu căng thẳng chính trị leo thang. Năm 2021, Nga là thị trường xuất khẩu than lớn thứ ba sang Việt Nam (khoảng 527 triệu USD), chủ yếu là than nhiệt. Trong khi đó, Nga cũng là nước xuất khẩu than lớn thứ ba thế giới vào năm 2020 - theo IEA.
"Các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nguồn cung khi khó chuyển đổi nhà cung cấp trong ngắn hạn. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng việc này sẽ có tác động ít do Việt Nam chỉ tiêu thụ khoảng 12% lượng than xuất khẩu hàng năm" - VNDirect nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.