Nhóm thiếu niên đập gương xe ô tô ở Yên Bái có thể bị xử lý hình sự hay không?

Việt Sáng Chủ nhật, ngày 05/12/2021 12:02 PM (GMT+7)
Theo luật sư, vụ nhóm thiếu niên đập gương xe ô tô tại Yên Bái gây bức xúc dư luận, cơ quan chức năng cần có hình thức xử lý nghiêm để răn đe.
Bình luận 0

Xử lý thế nào nhóm thiếu niên đập gương xe ô tô

Liên quan đến vụ việc nhóm thiếu niên đập gương xe ô tô tại Yên Bái, Tiến sĩ Luật Đặng Văn Cường - Trưởng VP LS Chính Pháp (Đoàn LS TP Hà Nội) đã có những phân tích cụ thể.

Theo ông Cường, hành vi của nhóm thiếu niên này là vi phạm pháp luật, cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác sẽ bị xem xét xử lý hành chính hoặc hình sự.

"Cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ các vụ việc bị đập xe ô tô trên địa bàn, sẽ tiến hành giám định tài sản, xác định mức độ thiệt hại đối với từng vụ việc để làm căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật.

Nhóm thiếu niên đập gương xe ô tô có thể bị xử lý hình sự hay không? - Ảnh 1.

Nhóm thiếu niên đập gương xe ô tô tại Yên Bái. Ảnh: VĐ.

Cơ quan điều tra cũng có thể kêu gọi, thông tin cho các chủ phương tiện để trình báo sự việc, đánh giá tính chất mức độ thiệt hại, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi để có hình thức xử lý phù hợp với quy định.

Từ lời khai của các thanh thiếu niên này cùng với các chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được như clip, dấu vết để lại trên những chiếc xe và kết quả giám định thì sẽ xác định được diễn biến hành vi và hậu quả đã gây ra đối với các chủ xe làm cơ sở áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự", ông Cường nói.

Theo vị luật sư, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định người từ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi tội phạm.

Người từ đủ 14 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp quy định tại điều 12 của bộ luật hình sự năm 2015.

Điều 12, Bộ luật hình sự 2015 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự cụ thể:

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này

"Căn cứ vào quy định pháp luật nêu trên thì các thanh thiếu niên đã đủ 16 tuổi có nguy cơ bị xử lý hình sự. Còn đối với các thiếu niên từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi thì có thể chịu trách nhiệm hình sự nếu thiệt hại đến tài sản là rất lớn.

Trường hợp kết quả xác minh tin báo của cơ quan điều tra cho thấy thiệt hại của những chiếc xe từ 2 triệu đồng trở lên thì sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo điều 178 bộ luật hình sự năm 2015.

Nhóm thiếu niên đập gương xe ô tô có thể bị xử lý hình sự hay không? - Ảnh 4.

Tiến sĩ Luật Đặng Văn Cường - Trưởng VP LS Chính Pháp (Đoàn LS TP Hà Nội) đã có những phân tích cụ thể xung quanh vụ nhóm thiếu niên đập gương xe ô tô.

Khi có căn cứ cho thấy người đã thực hiện hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản từ đủ 16 tuổi trở lên thì sẽ khởi tố bị can đối với người này.

Còn đối với người chưa đủ 16 tuổi nhưng đã đủ 14 tuổi thì chỉ khởi tố bị can khi tài sản bị thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên", vị luật sư phân tích.

Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như sau:

Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: a) Có tổ chức; b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; c) Tài sản là bảo vật quốc gia; d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Để che giấu tội phạm khác; e) Vì lý do công vụ của người bị hại; g) Tái phạm nguy hiểm, 3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 05 năm.

Nhóm thiếu niên đập gương xe ô tô tại Yên Bái

Trước đó, Công an tỉnh Yên Bái đã tiến hành rà soát, triệu tập 4 thiếu niên vì hành vi phá hoại tài sản.

Cụ thể, 1 nhóm thanh, thiếu niên gồm 4 người sử dụng 2 xe máy và 1 xe đạp điện đi dọc các tuyến đường thuộc phường Minh Tân, Đồng Tâm và Yên Ninh thuộc TP Yên Bái, đập phá hàng loạt gương chiếu hậu, đèn xe đỗ trên vỉa hè bằng 1 thanh kim loại, sau đó bỏ đi.

Ngay sau đó, cơ quan chức năng xác định và tiến hành triệu tập nhóm thiếu niên trên gồm L.T.H (SN 2006), N.V.T.K (SN 2006), N.M.D (SN 2007), ở phường Yên Ninh và N.G.H (SN 2007), ở phường Minh Tân. Tất cả đều là học sinh trên địa bàn TP Yên Bái.

Tại trụ sở cơ quan điều tra, nhóm học sinh này khai nhận đã thực hiện 18 vụ đập phá các xe ô tô đỗ trên hành lang các tuyến đường trên địa bàn nhằm tháo gương xe bán lấy tiền tiêu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem