Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp "Một số giải pháp phát triển sắn bền vững" do Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Sở NNPTNT Tây Ninh tổ chức mới đây, nhiều nhà khoa học đều cho rằng nhu cầu sử dụng sắn làm nguyên liệu cho sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi, xăng sinh học, dùng làm thực phẩm… đang rất lớn.
Thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), cả nước hiện có gần 650 nhà máy và cơ sở chế biến tinh bột sắn. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy chế biến công nghiệp đạt gần 2,2 triệu tấn tinh bột/năm.
ThS Nguyễn Văn Hòa - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng cho biết, cả nước hiện có 6 nhà máy sản xuất ethanol được xây dựng tại các vùng trồng sắn trọng điểm, với tổng công suất khoảng 550 triệu lít ethanol/năm. Sắp tới, khi chính thức đi vào hoạt động, 6 nhà máy sản xuất ethanol này sẽ tiêu thụ khoảng 3,5 triệu tấn sắn tươi/năm.
Cây sắn đang được trồng ở khắp các vùng miền
Ngoài ra, nhu cầu của các nhà máy chế biến công nghiệp cả nước hiện ở mức 2,2 triệu tấn tinh bột/năm, tức khoảng 8 triệu tấn củ sắn tươi. "Như vậy, sản lượng sắn cả nước hiện chỉ mới đạt xấp xỉ 10 triệu tấn củ tươi, chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất, chế biến trong nước" - ông Hòa cho biết.
Ông Nguyễn Thái Sơn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cũng cho rằng, sắp tới, việc sử dụng xăng E5 được phổ biến, số lượng nhà máy sản xuất xăng E5 sẽ tiếp tục được xây dựng, nhu cầu sử dụng sắn cho chế biến sẽ tăng thêm nữa.
Những năm gần đây, diện tích, năng suất và sản lượng sắn trong nước đều tăng đột biến. TS Nguyễn Như Hiến - Cục Trồng trọt cũng cho biết, sau mỗi vụ, cây sắn sẽ lấy đi một lượng lớn chất dinh dưỡng của đất khiến đất bị thoái hóa, bạc màu khó hồi phục. "Vì vậy, để trồng sắn bền vững cần bón phân đầy đủ và cân đối. Ngoài phân hữu cơ, hàng vụ nên bón 40 - 80N cùng với 20 - 40P205 và 80K2O cho mỗi ha" - ông Hiến đề xuất.
Thuận Hải (Thuận Hải)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.