“Nhức mắt” với lạm thu đầu năm: Tăng học phí để xóa phụ phí

Tùng Anh (thực hiện) Thứ tư, ngày 24/09/2014 07:12 AM (GMT+7)
Đó là ý kiến của PGS-TS Trần Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xung quanh vấn nạn lạm thu nhức nhối mỗi đầu năm học mới.
Bình luận 0

Vấn đề lạm thu năm nào phụ huynh cũng phản ánh, các nhà trường năm nào cũng phải chấn chỉnh, lãnh đạo sở năm nào cũng “siết”, vậy theo bà tại sao vẫn không thể xóa được?

img  PGS-TS Trần Thị Tâm Đan 

 

- Chỉ có thể “nhổ tận gốc” lạm thu khi ta tìm được nguyên nhân sâu xa và gốc rễ dẫn đến hiện tượng này. Quan điểm của tôi xưa nay đều cho rằng, tất cả các khoản thu các trường tự đặt ra thực chất nguyên nhân đều là do trường họ rất thiếu kinh phí, thiếu cơ sở vật chất, thứ mà ngân sách Nhà nước mới chỉ đáp ứng được ở mức tối thiểu.

Trong khi đó, nhu cầu xã hội ngày một cao, điều kiện dạy và học cũng cần thiết phải được trang bị tốt hơn như phòng học có điều hòa, máy chiếu, tủ đựng đồ, nhu cầu phải học 2 buổi/ ngày, nhu cầu bổ trợ kiến thức môn này, môn kia, nhu cầu tham gia các câu lạc bộ để phát triển về thể lực, trí lực... Tuy nhiên, nói vậy không phải để cổ súy đóng góp mà tôi ủng hộ việc đóng góp hợp lý, công khai và minh bạch.

Hiện nhiều trường thu các khoản đóng góp rất cao, ví dụ quỹ một lớp mầm non 3 tuổi ở nông thôn mà lên đến 12 triệu đồng/năm, quá cao so với kinh tế một gia đình ở vùng đó?

- Các khoản đóng góp “mang tiếng” xã hội hoá với mức quá cao thực sự đã trở thành gánh nặng của nhiều gia đình nghèo, ở nông thôn. Muốn xã hội hóa đúng, phải dựa vào hoàn cảnh kinh tế của địa phương và gia đình, các khoản xã hội hóa là tự nguyện, không được ép buộc, vận động, lôi kéo đóng góp dưới bất kỳ hình thức nào.

Mặt khác, nhiều phụ huynh học sinh hiện cũng đang “đồng lõa” với lạm thu. Kêu thì vẫn kêu, đóng thì vẫn đóng, không có ai chịu đứng lên phản ánh công khai, quyết liệt từ chối các khoản thu vô lý vì sợ con em mình bị trù dập, chèn ép. Càng như thế, càng có đất cho lạm thu sinh sôi, nảy nở.

Để “minh bạch” các khoản thu, nhiều trường đã dùng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu tiền, bà nghĩ gì?

- Đây chẳng qua là sự đùn đẩy trách nhiệm. Trong nhà trường dù phụ huynh có đứng lên hay không đứng lên thì hiệu trưởng cũng phải chịu trách nhiệm. Nếu có chăng thì phụ huynh chỉ được thu khoản tiền sinh hoạt phụ huynh thôi chứ làm sao thu các khoản khác được. Đó là phạm luật. Khi đi thanh kiểm tra, lãnh đạo các sở GDĐT cần phải lưu ý đến các quỹ mang danh hội phụ huynh.

Theo bà, có “liều thuốc mạnh” nào thật hiệu quả để triệt tiêu vấn nạn lạm thu?

- Thực tế, ở các trường công lập, mức học phí hiện nay thu rất thấp. Ở bậc học mầm non, học phí chỉ có 20.000 – 40.000 đồng/tháng, không đủ để nhà trường trang trải các hoạt động giáo dục, việc không đủ trang trải sẽ khiến chính con em chúng ta phải chịu thiệt thòi. Vì vậy, học phí thấp không phải là đã vui mà chính là nỗi lo đấy. Học phí thấp nhưng phụ huynh phải đóng phụ phí gấp cả trăm lần, đó chẳng phải là việc làm rất hình thức ở cái gọi là hỗ trợ của ngân sách sao?

Phải gom tất cả các khoản đóng góp vào một khoản duy nhất là học phí, phải tăng học phí. Học phí này phải được tính trên cơ sở đảm bảo được tất cả các công tác thu chi của nhà trường. Trường phải hạch toán xem việc chi cho đào tạo trên 1 học sinh trong 1 năm học là bao nhiêu. Trên cơ sở đó, ngân sách nhà nước tính ra sẽ hỗ trợ được bao nhiêu, còn phải xã hội hóa bao nhiêu?

Khi làm được điều này thì chắc chắn sẽ không còn lạm thu nữa, việc giám sát của phụ huynh và xã hội cũng rõ ràng, minh bạch hơn. Đầu năm và cuối năm học, nhà trường sẽ công khai các khoản dự kiến chi, đầu tư vật chất tạo điều kiện dạy – học phù hợp với kinh tế từng địa phương, cuối năm công khai các khoản đã chi cho một năm học trên cơ sở nguồn học phí đó.

Xin cảm ơn bà!

Ông Nguyễn Vinh Hiển -Thứ trưởng Bộ GDĐT :Không được phép ép thu tự nguyện
Về các khoản đóng góp mang tính chất xã hội hóa như: Tiền bán trú, nước uống, ăn… các trường phải thỏa thuận thống nhất với phụ huynh, công khai mức thu - chi trên nguyên tắc thu đủ chi. Việc các trường tùy tiện lập quỹ để ép buộc học sinh đóng góp dưới danh nghĩa tự nguyện là không được phép. Vấn đề này thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở GDĐT và chính quyền địa phương nên phụ huynh học sinh nếu phát hiện tiêu cực cần phản ánh tới các sở GDĐT, UBND tỉnh, thành phố để các đơn vị chịu trách nhiệm giải quyết theo quy định.

GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc Hội: Phụ huynh cần mạnh dạn quyết định
Có rất nhiều khoản mà phụ huynh muốn đóng góp để phục vụ một cách thiết thực cho con em họ, như: Hỗ trợ mua sách cho thư viện, hỗ trợ đặt báo Nhi Đồng, Thiếu Niên cho con, hỗ trợ cho học sinh nghèo, học sinh giỏi của lớp, trường, hỗ trợ cho giáo viên nghèo, giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Những khoản đó tôi tin chắc chắn rằng phụ huynh nào cũng sẵn sàng đóng. Các bậc phụ huynh tuyệt đối không nên đóng tiền cho những khoản hình thức, vô lý như điều hòa, nhà vệ sinh xịn...
Lê Vân - Tùng Anh (ghi)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem