Những "đội quân Osin" lợi hại do con người huấn luyện

Thứ tư, ngày 30/07/2014 09:14 AM (GMT+7)
Cá heo bảo vệ tàu, cừu tỉa cây, khỉ hái dừa, ngựa dẫn đường, chim cốc giúp bắt cá hay chuột phát hiện bệnh lao là những đội quân vô cùng lợi hại được huấn luyện để phục vụ một cách hữu ích cho đời sống của con người.
Bình luận 0
Khỉ giúp thu hoạch dừa

img

Hái dừa là một công việc rất mất thời gian và công sức. Nó đòi hỏi chúng ta phải sử dụng tay chân, máy móc hầu như không giúp đỡ được mất. Công việc này cũng khá nguy hiểm, nếu để dừa rơi vào người hoặc ngã trong lúc thu hoạch thì hậu quả có thể là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, tại Ấn Độ và Thái Lan, những người nông dân đã thực hiện đào tạo những chú khỉ để làm việc cho họ. Việc đào tạo mỗi chú khỉ sẽ mất khoảng thời gian 6 tháng hoặc hơn. Những người chủ sẽ kiểm soát các chú khỉ của mình bằng một dây xích dài và thưởng cho chúng bằng đồ ăn sau mỗi ca làm.

Loài khi vốn đã được biết đến với khả năng leo trèo tuyệt đỉnh cùng sự khéo léo trong các thao tác tay không kém gì con người. Sự giúp đỡ của chúng không chỉ giúp bớt đi phần nào rủi ro cho những người nông dân mà còn giúp tăng năng suất lên từ 5 đến 8 lần so với con người.

Sử dụng loài cừu để tỉa cây

img

Chúng ta thường biết đến tác dụng của loài cừu là đem lại nguồn thịt tươi, mỡ, da, lông và sữa cho con người. Đây là một trong những loài gia súc được con người thuần hóa sớm nhất. Đàn cừu trên thế giới hiện nay là trên 1 tỷ con. Cừu là loại dễ tính, có thể ăn các loại cỏ khô cằn, ưa khí hậu khô, không chịu ẩm ướt. Nuôi nhiều ở những nơi khô hạn, hoang mạc và nửa hoang mạc, đặc biệt là vùng cận nhiệt. Một công dụng khác của chúng mà ít người biết đến chính là để sử dụng tỉa lá cho vườn nho làm rượu vang.

Tại Napa Valley - vùng trồng nho nổi tiếng của Hoa Kỳ người ta đã cho cừu làm công việc này. Để có vườn nho làm rượu vang đạt chất lượng thì việc cần thiết là phải diệt sạch cỏ dại và cây nho phải được tỉa lá để tránh nấm mốc. Tuy nhiên làm những công việc này mất rất nhiều thời gian và tiền bạc mà đôi khi hiệu quả lại không cao nên con người đã rất khôn khéo sử dụng cừu. Để tránh trường hợp chúng ăn cả quả nho, người ta sẽ đặt dây tích điện nhỏ chỗ các chùm nho. Ngoài khả năng dọn cỏ và tỉa lá, phân chúng thải ra cũng là một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho vườn nho. Một bầy cừu nhỏ có thể tỉa được diện tích hơn 20 mẫu Anh một ngày.

Chim Cốc giúp bắt cá

img

Tại Trung Quốc và Nhật Bản người ta đã sử dụng loài chim Cốc như một trợ thủ đắc lực giúp đánh bắt cá từ những năm 960 sau công nguyên. Hơn 1000 năm đã qua đi nhưng hiện tại loài này vẫn đang được sử dụng một cách rất hữu hiệu. Những chú chim cốc đều được huấn luyện nhiều năm, chúng sẽ tự động bay đi bắt cá và mang những chú cá sống về tận giỏ cho người ngư dân. Để chặn trước sự tham ăn của chim cốc, người ngư dân sẽ buộc dây vào cổ của những chú chim để chúng không thể nuốt được cá.

Loài chim rõ ràng có khả năng về thị lực và phản ứng nhanh hơn con người nhiều, việc bắt cá đối với chúng rất đơn giản và nhanh gọn. Tuy những con cá lớn chúng không được phép ăn nhưng những chú cá nhỏ thường hoàn toàn được coi như một phần thưởng. Một mối quan hệ có lợi cho cả đôi bên đã được duy trì xuyên suốt lịch sử. Cho đến bây giờ, do sự phát triển của công nghệ mà việc dùng chim cốc bắt cá không còn phổ biến như trước. Nhưng nó vẫn còn tồn tại và được coi là một trong những nét đặc trưng thu hút du lịch tại Trung Quốc.

Dùng ngựa dẫn đường

img

Con người bắt đầu thuần dưỡng ngựa vào khoảng 4000-4500 TCN và người ta tin rằng ngựa đã được nuôi phổ biến ở châu Âu vào khoảng 3000 TCN-2000 TCN. Ngựa chiến được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh, nhất là chiến tranh thời cổ. Thời hiện đại, ngựa cũng được sử dụng để chuyên chở, di chuyển và lấy da, thịt và lông.

Việc sử dụng ngựa dẫn đường nghe có vẻ vô lý. Bình thường, loài thường giúp dẫn đường cho chúng ta là loài chó bởi sự nhanh nhẹn cũng như gọn nhẹ của chúng. Trong thời hiện đại, người bị giảm thị lực hoặc mù lòa thường sử dụng động vật để dẫn đường. Loài chó tất nhiên là tốt, nhưng không phải ai cũng thích chúng hoặc đơn giản là họ bị dị ứng. Vì vậy, thường những trường hợp này hay sử dụng loài ngựa để thay thế. Ngựa cũng là loài vật thông minh và dễ đào tạo, khả năng chịu đựng cũng tốt hơn chó. Năm 1998, người ta bắt đầu đã nghĩ ra phương án đào tạo những chú ngựa làm phương tiện dẫn đường cho chủ nhân thay cho nhưng chú chó như trước. Bản thân ngựa cũng rất hiền lành, và không gây dị ứng cho chủ nhân. Nếu như một chú chó dẫn đường thường chỉ sử dụng được từ 8-10 năm thì tuổi đời của loài ngựa khá dài, khoảng từ 30-40 năm, việc này giúp người ta có thể sử dụng chúng lâu dài hơn.

Loài chuột phát hiện bệnh lao

img

Lao là một vấn đề lớn với khu vực Châu Phi – một khu vực hội tụ đủ các yếu tố dễ lây truyền bệnh hiểm nghèo như nghèo đói và đông dân. Bệnh lao là một bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu người bệnh được phát hiện sớm. Và trong một môi trường dễ lây nhiễm như các nước nghèo đói ở Châu Phi thì việc chẩn đoán được căn bệnh này còn giúp ngăn chặn sự truyền nhiễm nhanh và hiệu quả hơn. Vấn đề chính là các phương pháp thử mẫu bệnh phẩm lao thường có chi phí tốn kém và gây mất thời gian.

Vấn đề có vẻ đã tươi sáng hơn khi nhóm nghiên cứu Apopo đã tìm ra một phương pháp sử dụng chuột để phát hiện ra mẫu bệnh phẩm nhiễm lao. Chúng có khả năng phát hiện ra bệnh nhanh và hiệu quả nếu được đào tạo theo đúng quy trình và phương pháp, theo kết quả thì nó còn chính xác hơn 20% so với phương pháp truyền thống. Trung bình chi phí đào tạo cho mỗi đợt huấn luyện là khoảng 8000$, có vẻ đắt đỏ nhưng bù lại chúng có thể sử dụng được trong khoảng 8 năm. Nghiên cứu này đã mở ra hi vọng trong việc kiểm soát và ngăn ngừa bệnh lao tại Châu Phi.

(Theo Genk)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem