Tháp Eiffel, biểu tượng của kinh đô ánh sáng - thủ đô Paris nước Pháp trong ánh hoàng hôn. (Ảnh: Telegraph)
Xin visa
Các bạn nên tự làm visa, chứ phải mất 300-400USD tiền thuê người làm không đáng tí nào. Thủ tục thì online rất đơn giản. Đọc kỹ, chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, lên Công ty TLS (Công ty chuyên nhận hồ sơ làm visa đi Pháp) ở Trần Hưng Đạo nộp là xong. Công ty này là trung gian thu hồ sơ, sau đó chuyển qua ĐSQ Pháp xem xét cấp visa. Được là được luôn, còn không được cũng biết luôn.
Săn vé
Nhớ mua sớm trước 2-3 tháng, VNA hay có chương trình vé rẻ đi châu Âu vào mùa thấp điểm. Còn nếu có điều kiện thì không cần săn mất thời gian, mua của hãng nào cũng được, lệch nhau 100-200USD. Ăn nhau là cách tiêu tiền bên Pháp. Lệch một chút là ngày mất 200-300 € bình thường. Có nhiều hãng để chọn VNA, Singapore Airlines, Air France...
Đặt phòng từ nhà
Nên lên một kế hoạch đầy đủ cho số ngày đi, hoặc book trước 1-2 ngày đầu cho có chỗ ngủ, sau đó vừa đi vừa tính. Trước tôi hay dùng Booking, Agoda, Coachsuffing. Nhưng nay tôi dùng AirBnb - phần mềm giúp tìm phòng do chủ nhà cho thuê trực tiếp. Cực tiện lợi và quan trọng nhất là nhà nào cũng có bếp để nấu nướng.
Sang Pháp mà đi ăn hàng là tiêu. Đừng dại, hãy mua đồ về nấu tiết kiệm được cả trăm € một ngày. Tìm phòng thì cứ trung tâm quanh tháp Eiffel mà thuê, rất nhiều. Tuy nhiên để sử dụng và kết nối được với chủ nhà đòi hỏi tiếng Anh của các bạn phải tốt vì họ sẽ gửi hướng dẫn tìm nhà, mở code, lấy chìa khoá khá phức tạp. Bù lại, hồi hộp hấp dẫn như tìm kho báu.
Các phần mềm trợ giúp
Tôi sử dụng khá thường xuyên 2 phần mềm là Google map và Paris Metro, ngoài ra Uber là một phần mềm bắt buộc phải có để đảm bảo an toàn. Nhớ down 3 cái app này về trước khi đi.
Một nữ du khách xinh đẹp người Việt chụp ảnh lưu niệm trước tháp Eiffel nổi tiếng ở thủ đô Paris, Pháp.
Đồ cần mua trước khi đi
Nếu bạn là người biết nấu nướng, hãy mua đầy đủ gia vị mang theo thì coi như đã có cuộc sống của người Việt tại Pháp rồi. Gia vị bao gồm: Nước mắm (chai nhỏ), bột canh, dấm, nước tương, muối, ớt tươi, tỏi, hành khô, hạt tiêu, tương ớt… Gạo có thể sang Pháp mua. Các loại rau củ quả bên này nhiều, sạch, giá hợp lý.
Hoà mạng
Ngay tại sân bay đến ở CDG hãy tìm một đơn vị cung cấp 4G. Cân nhắc số ngày mình ở để mua dung lượng cho phù hợp. Tôi ở 10 ngày xài 10GB bình thường. Cái này đừng tiếc tiền vì nếu không có mạng thì đừng mong bước chân ra khỏi sân bay.
Đi từ sân bay về Paris
Trên đỉnh Khải Hoàn Môn, du khách có thể ngắm cảnh qua ống kính viễn vọng. (Ảnh: Michael Jo)
Có thể chọn tàu RER hoặc taxi, Uber thì tuỳ. Nhưng kinh nghiệm thế này: Nếu đi 2-3 người nên chọn taxi, vì có hành lý lỉnh kỉnh đi tàu rất mệt chưa kể lên xuống thang bộ, thang cuốn. Hãy ra ngay ngoài đón 1 taxi về thẳng khách sạn, đồng giá 55€/xe, khỏi mặc cả. Nếu đi tàu mỗi người hơn chục € cộng lại cũng quá. Mà khi chưa quen cách đi lại bằng tàu thì đừng mạo hiểm làm trò này.
Phương tiện đi lại trong Paris
Metro là lựa chọn tốt nhất. Trên Google có thể thấy các chữ M màu xanh trên bản đồ chính là các trạm Metro. Khi đến bất kỳ trạm Metro nào, hãy mua vé ở dạng 14.99 € cho 10 vé, rẻ hơn nhiều so với mua lẻ đi từng chặng. Đừng nghĩ 10 vé là nhiều vì nó chính là xe máy, xe đạp chúng ta đi ở nhà. Cú pháp mua vé chìa ra cho nhân viên quầy vé là xong: Je voudrais acheter un carnet. Mua được vé, biết đi tàu thì toàn bộ Paris coi như trong tầm tay. Từ tháp Eiffel tới Khải hoàn môn, nhà thờ Đức Bà, bảo tàng Louvre, đồi Montremate đều nháy mắt là tới.
Hướng dẫn cách đi Metro
Mở Google map định vị xem mình gần trạm Metro nào nhất thì đi bộ tới đó. Muốn đến tham quan điểm nào thì tìm trạm Metro quanh nó. Sau khi xác định được ga đến thì mở Paris Metro ra để gõ tên ga đi, ga đến, phần mềm sẽ hướng dẫn đi tới những ga nào, dễ vô cùng. Trong trường hợp lười đi Metro thì cứ Uber mà dùng, ngon bổ rẻ. Cách đi Metro là nhớ xác định ga đầu và ga cuối của mỗi Line để đi cho đúng hướng.
Đi chợ
Rau củ quả tại các chợ ở Paris khá phong phú, sạch và giá cả cũng hợp lý. (Ảnh: Michael Jo)
Ở Paris có nhiều cửa hàng của hệ thống Carrefour hoặc Carrefour city, mua cái gì cũng có, giống Big C thu nhỏ và làm cửa hàng lẻ theo kiểu Vinmart, tiện lợi vô cùng. Còn nếu thích ăn gan ngỗng (mua về tự làm kiểu áp chảo) thì vào hệ thống cửa hàng Picard sẽ có, mỗi túi 400-500 gr giá chỉ 34-40 € mà ăn thoải mái. Chỗ gan đó mà ra nhà hàng giá không dưới 200-300 €. Tất cả hệ thống cửa hàng trên nếu ở Paris chỗ nào cũng có, cứ dùng Google map tìm định vị quanh khu mình ở là đủ hết, kể cả đổi tiền.
Đổi tiền
Tỷ giá đổi giữa € và USD rất bất lợi. Đổi 500USD chỉ được 390 € trong khi đó ở nhà có thể đổi được tới 420 € vì bên này các trung tâm đổi tiền thu phế rất cao. Nên đổi tiền từ nhà mang đi đừng đổi bên này. Có cái hay nếu ai cần đổi tiền gấp có thể mặc cả nhích lên thêm 5-7 €.
Mua sắm
Chỉ có một nơi thôi là La Vallee, ngay gần Paris Disney Land. Muốn tới đó, tìm ga nào có tàu RER, mua vé tới ga Val d’Europe. Mua luôn khứ hồi giá khoảng 15€/người. Chỗ này là thiên đường mua sắm, cái gì cũng có và giá rẻ. Hãy quên những trung tâm như La Fayette hay Champ Elysee đi nhé. Khi đi phải mang theo balô to hoặc valy mà đựng đồ.
Những lưu ý khác
Không mang theo nhiều tiền mặt trong người. Túi luôn giữ chắc cẩn thận. Trong mọi giao dịch luôn kiểm tra chắc chắn mình đã tiêu đúng, đủ. Không tin ai đặc biệt người lạ trên đường, tất cả dù vô tình hay cố ý đều có thể là lừa đảo.
Một số hình ảnh về cảnh yên bình của ngoại ô Paris, thị trấn Honfleur và Deauville, qua ống kính của phượt thủ Michael Jo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.