Những bức ảnh thời hoa lửa

Thứ ba, ngày 08/03/2011 19:43 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dù đã ở tuổi ngoài 70 nhưng với cựu chiến binh Lê Ngọc Dũng - chiến sĩ đặc công Đoàn M26 Hải quân, những bức ảnh đen trắng đã ố vàng là những kỷ vật thiêng liêng của một thời hoa lửa.
Bình luận 0

Những bức ảnh đó giúp ông ôn lại những kỷ niệm về những trận đánh ở khắp các chiến trường từ Cửa Tùng, Gio Linh đến Cửa Việt, Đông Hà (Quảng Trị), rồi chiến dịch Rừng Sác (TP.HCM)...

img
Ông Lê Ngọc Dũng (giữa) chỉ huy tổ trinh sát tại chiến trường Quảng Trị (ảnh do tác giả cung cấp).

Năm 1963, chàng trai quê lúa Thái Bình Lê Ngọc Dũng lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Ông được bổ sung vào đơn vị Trung đoàn 303 Quân khu 3 rồi sau đó về Đoàn M26 Hải quân và năm 1968 nhận nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị.

Là chiến sĩ đặc công, ông và đồng đội bí mật luồn lách qua các hàng rào, chốt, ổ phục kích đồn bốt với biết bao bãi mìn, vật cản dày đặc trên quãng đường hành quân từ 15 - 20km để tiếp cận mục tiêu. Để có được một trận đánh phải trinh sát nắm tình hình từ 2 - 3 lần.

Ở chiến trường Quảng Trị, ông đã tham gia hơn 20 trận, trong số đó, trận đánh ngày 25.5.1969 tại Cửa Việt là ông nhớ nhất. Trận đó, ông đã trực tiếp đi trinh sát nắm chắc yếu tố dòng chảy, đặc điểm của khu vực sông và cùng đồng đội vận chuyển thuốc nổ đến vị trí an toàn.

Ông cùng với đồng chí Đoàn Văn Cam liên kết khối thuốc nổ nặng khoảng 40kg ngâm mình dưới nước bí mật tiêu diệt tàu vận tải LCU, trên tàu có một Đại đội lính Mỹ và nhiều xe tăng cùng vũ khí đạn dược. Sau trận đánh, ông Lê Ngọc Dũng được tặng 3 danh hiệu: Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt cơ giới, Dũng sĩ diệt tàu.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trên chiến trường Cửa Việt, ông Dũng còn tham gia chiến trường B2 Campuchia và chiến trường rừng Sác của Đoàn 10 Đặc công. Ngày 28.4.1975, ông trực tiếp chỉ huy Đội 32 của Đoàn 316 Bộ chỉ huy Miền chốt giữ và bảo vệ cầu Rạch Bà (Vũng Tàu). Mặc dù lực lượng không cân sức, phía ta chỉ có 22 chiến sĩ nhưng vẫn đánh trả thành công 4 tiểu đoàn hỗn hợp của địch, tiêu diệt hàng trăm tên, giữ vững trận địa bảo vệ an toàn cầu để quân ta vào giải phóng Vũng Tàu ngày 29.4.1975.

Nay đã ở tuổi ngoài 70 nhưng ông Dũng vẫn phát huy tốt phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" xây dựng gia đình đạt "gia đình văn hóa", bản thân liên tục được chính quyền địa phương tặng danh hiệu "người công dân kiểu mẫu".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem