Nhóm PV Tây Bắc
Thứ sáu, ngày 13/09/2024 10:44 AM (GMT+7)
Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 khiến giao thông chia cắt, hệ thống điện, sóng viễn thông tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai “tê liệt”. Để kịp thời báo cáo tình hình thiệt hại với cấp trên, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát… đã viết thư tay, cho cán bộ băng rừng mang đi báo cáo.
Sáng ngày 10/9, một trận lũ quét kinh hoàng đã xảy ra tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). Trận lũ quét vùi lấp gần như toàn bộ thôn Làng Nủ nơi hàng chục hộ dân với trên 100 nhân khẩu sinh sống.
Sau khi nhận được thông tin, ông Hoàng Quốc Bảo – Bí thư Huyện ủy Bảo Yên đã trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn. Tuy nhiên, tại khu vực này hệ thống giao thông bị chia cắt, mất điện, mất sóng điện thoại, thôn bị cô lập khiến công tác chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, báo cáo, huy động lực lượng từ bên ngoài vào gặp rất nhiều khó khăn.
Trước tình hình cấp thiết, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên đã phải viết thư tay, cho cán bộ băng rừng mang về báo cáo với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lào Cai đề nghị được chi viện lực lượng.
Bức thư gần 100 chữ được viết vội vàng trên tờ giấy ô ly từ vở của học sinh, nêu:
"Huyện ủy Bảo Yên kính gửi: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
- 6h ngày 10/9, tại làng Nủ - Phúc Khánh xảy ra lũ ống.
- 14h, huyện đã tiếp cận được hiện trường.
- Thiệt hại:
+ Bản có 35 nhà, 128 nhân khẩu.
+ Hiện tại đã phát hiện và sơ cứu 10 người, thi thể đã thấy 15 người, còn lại mất tích.
- Kính báo cáo và đề nghị hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp".
Ngay sau đó, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai – Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai – Trịnh Xuân Trường đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường và chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm, cứu hộ các nạn nhân.
Với sự hỗ trợ của Quân khu 2 và nhân dân, các lực lượng chức năng đã tìm kiếm được hàng chục người mất tích và xác định được danh tính. Tính đến 8h30 phút ngày 13/9, lũ quét Làng Nủ đã xác định 46 người tử vong, hiện còn 41 người mất tích. Các lực lượng chức năng vẫn đang tích cực tìm kiếm các nạn nhân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát viết thư tay báo cáo
Tương tự, tại huyện Bát Xát (Lào Cai), rạng sáng 9/9, tại thôn Phìn Chải 2, xã A Lù, huyện Bát Xát đã xảy ra sạt lở đất vùi lấp 4 hộ dân khiến 7 người mất tích.
Sau khi nắm được thông tin, ông Tô Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát đã trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn. Tuy nhiên, khu vực này trời mưa to, giao thông chia cắt, toàn xã mất điện, mất sóng điện thoại.
Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát đã viết thư tay rồi đưa cán bộ băng rừng mang về tỉnh báo cáo tình hình và xin chi viện.
Bức thư nêu: "Báo cáo tình hình khắc phục sạt lở và tìm kiếm cứu nạn tại Phìn Chải, A Lù.
1, Tình hình
- Hiện tại thời tiết khu vực vẫn tiếp tục mưa to từ hôm qua đến sáng nay, lực lượng vẫn tiếp tục triển khai tìm kiếm. Đến chiều 9/9/2024 (khoảng 14h) tìm được 2 trên 7 thi thể (Sùng A Tủa và Sùng Thị Lý Phượng).
2, Khó khăn
- Khu vực tìm kiếm khó khăn bị chia cắt, địa hình hẹp, thời tiết vẫn tiếp tục mưa nên tiến độ chậm.
- Các phương tiện cơ giới do bị sạt lở đường tỉnh với khối lượng lớn nên chưa tiếp cận được khu vực để hỗ trợ lực lượng tìm kiếm.
- Toàn bộ địa bàn xã mất điện và mất sóng từ 10h ngày 9/9/2024 nên không thể liên lạc và cung cấp thông tin.
3, Đề nghị
- Khẩn trương thông đường để đưa các phương tiện phối hợp tìm kiếm
- Khẩn trương khắc phục điện lưới và thông tin liên lạc thông suốt để trao đổi và thông tin
- Tiếp tục tăng cường, bổ sung lực lượng dân quân của xã Trịnh Tường và lực lượng của Ban CHQS huyện để tổ chức tìm kiếm, lực lượng Công an huyện để phối hợp tìm kiếm các thi thể….".
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Bàn Thanh Thảo - Quyền Chủ tịch UBND huyện Bát Xát, chia sẻ: Hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, hoa màu.... Trên địa bàn huyện, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị chia cắt, cô lập hoàn toàn. Bên cạnh đó, việc mất điện, mất sóng viễn thông nên các xã, đoàn công tác của huyện vào cứu hộ, cứu nạn không thể liên lạc được bằng điện thoại cũng như không thể gửi thông tin báo cáo nhanh thiệt hại về huyện, tỉnh.
Do đó, lãnh đạo đoàn công tác và nhiều lãnh đạo xã phải viết thư tay cho cán bộ, công chức xã đi đường rừng mang về báo cáo. Cá biệt có những nơi phải mất 3 ngày mới tới UBND huyện. Đến thời điểm này, có khoảng 90% các xã đã cơ bản có sóng thông tin liên lạc, điện. Chỉ còn khu vực Y Tý, A Lù chưa có sóng. Hiện, huyện đang huy động lực lượng và chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm khắc phục sự cố, đồng thời thông các tuyến đường liên xã, thôn đang bị cô lập.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.