Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cách đây 300 năm, năm 1723, cũng là năm Quý Mão (cách năm nay 5 vòng hoa giáp), nước ta đang ở thời vua Lê - chúa Trịnh, dưới sự trị vì của vua Lê Dụ Tông. Năm đó, chúa Trịnh Cương đưa ra một số cải cách quan trọng.
Năm 1723, niên hiệu Bảo Thái năm thứ 4. Niên hiệu này đã xuất hiện trong truyện dân gian Trạng Quỳnh, với câu chuyện "Tiên sư thằng Bảo Thái", nhưng đây là chuyện được dân gian sáng tác sau này mà thôi.
Đầu tiên là cải cách về địa giới hành chính. Bộ chính sử triều Nguyễn, "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" viết về sự kiện diễn ra đầu năm Quý Mão đó: "Tháng Giêng, mùa Xuân, định lại giới mốc châu, huyện".
Về điều này, bộ sách sử chép về triều Lê trung hưng khác là "Lịch triều tạp kỷ" của Ngô Cao Lãng cho biết chi tiết: Chúa Trịnh Căn dụ bảo các bề tôi phụ tá rằng: "Bờ cõi các quận trong nước hoặc căn cứ vào núi sông, hoặc dựa vào địa phận đồng bằng. Vậy nên làm cho dứt khoát đằng nào đi đằng ấy. Nay nên bàn định phân chia một cách rạch ròi để cho giới phận bờ cõi được chính xác".
Cũng sách này, khi chép về các sự kiện diễn ra vào tháng 9 (âm lịch), năm đó, cho biết: Phủ liêu vâng mệnh, chiếu theo núi sông và thung lũng ở các xứ mà vạch chia địa giới, cắt chỗ nọ sáp nhập vào chỗ kia, dứt khoát định rõ bờ cõi. Việc đã xong, bèn liệt kê ra từng huyện, từng xã đưa xuống cho các quan lưu thủ, đốc trấn, thừa chính ty và các quan huyện, quan châu: Từ đây về sau, phàm các việc hộ, kiện tụng và các sự vụ khác đều chiếu theo thuộc hạt mình mà tuân hành.
Sách "Cương mục" thì giải thích rõ: "Bản đồ cũ trong nước gồm 13 đạo, xét ra các xã dân thuộc về các phủ, huyện, cũng có nơi xa nơi gần không đều nhau. Năm ấy, làm sổ hộ, bèn hạ lệnh: Tùy hình thế từng địa phương đổi lại cho lệ thuộc vào 13 thừa tuyên theo như chế độ cũ đời Hồng Đức (thời vua Lê Thánh Tông).
Duy đổi lại: Đem hai phủ Trường Yên và Thiên Quan (Nho Quan, đều thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay) trước thuộc Sơn Nam, nay cho thuộc vào Thanh Hóa; về trấn Sơn Tây, thì đem phần huyện Bất Bạt trước thuộc phủ Đà Dương nay cho lệ thuộc vào phủ Quảng Oai; phần huyện Tam Nông nay cho lệ thuộc vào phủ Lâm Thao. Còn các xã, thôn khác phần nhiều thay đổi cho lệ thuộc vào các châu, huyện...".
Cũng năm này, triều đình nhà Lê có cải cách lớn về mặt giáo dục, là bắt đầu cấp ruộng cho các trường học. Theo đó, từ trước, các triều vua đã đặt trường học, nhưng chưa cấp học điền. Đến năm đó mới có quy định: Trường quốc học, cấp cho 60 mẫu; trường hương học: phủ lớn, cấp cho 20 mẫu, phủ vừa 18 mẫu, phủ nhỏ, 16 mẫu, để lấy hoa lợi ruộng ấy chỉ dùng vào dầu đèn.
Một cải cách khác diễn ra vào tháng 5 năm đó, là chính sách đánh thuế. Đó là việc triều đình bắt đầu thi hành phép đánh thuế: Tô, dung và điệu. Theo lời chúa Trịnh Cương thì: "Quốc triều (triều Lê) mở nước dựng nghiệp, định lệ ba năm một lần làm sổ hộ, ruộng công nộp tiền hoặc thóc có ruộng nhiều ruộng ít khác nhau, ruộng tư cũng có lúc đánh thuế. Đến lúc bắt đầu trung hưng vẫn noi theo phép cũ, sau mới đổi làm phép "bình lệ".
Phép đặt lâu ngày, sinh ra tệ hại. Xét rộng đến điển lệ đời xưa, chỉ có phép tô, dung và điệu của nhà Đường là hay hơn cả. Việc này đem bàn luận đã được sự hợp ý của nhiều người. Vậy cho theo thứ tự thi hành".
Sách "Cương mục" dẫn rõ những tác giả của chính sách thuế này: "Lúc ấy, Trịnh Cương đang hăng hái lo toan việc trị nước, tham tụng (Tể tướng) Nguyễn Công Hãng ngày đêm mưu tính, nên những chế độ về việc binh, việc dân, việc tài sản và thuế khóa, phần nhiều được xây dựng xếp đặt".
Theo đó, thuế tô là đánh vào ruộng, ruộng công mỗi mẫu nộp 8 tiền. Số tiền này chia làm 3 phần, hạng ruộng cấy được hai mùa nộp hai phần ba bằng thóc; hạng ruộng một mùa nộp một phần ba bằng thóc. Đất bãi công theo chỗ hiện cày cấy được chia làm hai bậc, mỗi mẫu nộp một quan hai tiền. Bãi nào có trồng dâu thì thuế tô bãi ấy một nửa nộp bằng tơ, bãi nào không trồng dâu thì nộp thay bằng tiền. Ruộng tư, trước không đánh thuế, từ bấy giờ quy định ruộng hai mùa mỗi mẫu nộp 3 tiền, ruộng một mùa mỗi mẫu nộp hai tiền.
Dung là thuế thân, thu theo suất đinh, mỗi suất nộp 1 quan 2 tiền, sinh đồ, lão hạng (trên 50 tuổi) và hoàng đinh (từ 17 đến 19 tuổi) nộp một nửa số tiền thuế ấy. Điệu là tiền thu phục vụ việc tế lễ của nhà nước, thờ cúng đình làng, đắp đê làm đường, cầu cống, kho tàng và trường thi… trước tính theo suất đinh, đến lúc đó chuẩn định mỗi suất đinh mùa Hạ và mùa Đông nộp 6 tiền; quan trên dùng tiền ấy, đóng góp thay cho dân, gọi là tiền thuế điệu.
Ngoài ra triều đình còn định tiền thuế dung, thuế điệu ở cửa đình và giáo phường (các phường hát): Giáo phường ở tứ trấn chỉ nộp tiền thuế dung, giáo phường ở Thanh, Nghệ chỉ nộp tiền thuế điệu. Thuế giáo phường ở Nghệ An bằng năm phần mười thuế giáo phường ở tứ trấn, Thanh Hóa lại càng nhẹ hơn.
Để thu thuế, thì năm này, triều đình cho đặt thêm sở tuần ty (như các trạm thu thuế) ở các trấn, người buôn bán qua lại tùy theo thuyền bè lớn hay nhỏ, chở hàng nặng hay nhẹ, để liệu lượng đánh thuế một phần bốn mươi (1/40) so với hàng đã chở.
Về pháp luật, tháng 8, năm ấy, chúa Trịnh Cương thấy việc kiện tụng quá nhiều, đã sai các quan viên trong phủ chúa chia nhau xét hỏi, dựng cả nhà trạm lớn ở ngoài cửa phủ chúa để làm nơi hỏi kiện.
Mùa Đông năm này, sách "Lịch triều tạp kỷ" cho biết bắt đầu bàn định mở khoa thi võ, thi "sơ cử" cũng qua ba trường như thi văn, ai trúng cách được làm "viên sinh" (như sinh đồ (tú tài) khoa thi Hương), đến kỳ bác cử ai trúng cách được làm "tạo sĩ" (như tiến sĩ bên văn) và được bổ dụng cầm đầu các đội quân. Còn theo sách "Cương mục" thì năm sau, 1724, tức năm Giáp Thìn, mới bắt đầu tổ chức kì thi võ cử đầu tiên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.