Vâng, tại sao cho đến nay, chiến tranh đã kết thúc gần nửa thế kỷ, các em học sinh được đi học trong hòa bình, vậy mà “đa số” học sinh vẫn chưa biết bơi với trình độ tối thiểu để có thể tự cứu được bản thân mình? Tại sao, trong nhà trường người ta cho học sinh học đủ thứ từ ngoại ngữ đến kỹ thuật vi tính, các môn thể dục thể thao (tất nhiên trong đó có bơi lội), vậy mà học sinh vẫn không biết bơi?
|
Những vòng hoa trắng của bạn bè tiễn đưa 8 nữ sinh xấu số |
Tại sao một đất nước có lắm sông hồ, mưa lũ quanh năm mà ngay cả ở vùng ven sông, ven biển, số người biết bơi vẫn không nhiều? Tại sao bố mẹ các em học sinh ngày nay có thể chiều con đủ thứ từ Ipad đến Iphone, nhưng không hề nghĩ tới đầu tư cho con em mình học bơi để cứu mình và có thể cứu người?
Trả lời câu hỏi của vấn nạn này không khó. Có thể tóm tắt: Chương trình và cách dạy thể dục thể thao ở nhà trường ta không hiệu quả, vô dụng và chỉ nặng hình thức. Bơi lội cần thiết cho kỹ năng sống của một con người hiện đại như thế nào, ai cũng biết, ai cũng đánh giá được, nhưng có lẽ trừ nhà trường của chúng ta. Cũng vì chuộng hình thức hoa hòe hoa sói, phô trương bề nổi nên năm nào cũng có nhiều học sinh bị chìm trên sông, trên suối theo nghĩa đen.
Học sinh thì lao vào hát hò, thi “lấy vui là chính”, tổ chức sinh nhật, chơi games, nhà trường thì khuyến khích đủ loại “vui chơi có thưởng” - trừ bơi lội. Phụ huynh cũng không có nhiều người ý thức việc dạy bơi và cho con học bơi. Những giọt nước mắt của các bậc sinh thành không đủ xóa nhòa trách nhiệm của cha mẹ và thầy cô giáo với con cái.
Có thể nói dứt khoát rằng, một con người không biết bơi là một con người chưa hoàn thiện, chưa đủ điều kiện để sống một cuộc sống trọn vẹn và hữu ích. Bởi vì tình huống nguy cấp có thể xảy ra bất kỳ với ai và ở đâu. Đi máy bay, ô tô cũng có thể rơi xuống biển, xuống sông. Ở nhà cũng có thể chết đuối trong mùa bão lụt...
Có lẽ con số trên 200 em học sinh chết đuối từ đầu năm đến nay là quá đủ cho tất cả chúng ta suy nghĩ, trước hết là những người làm chính sách xã hội và giáo dục. Xin các vị đừng tiếp tục vô cảm và vô tích sự nữa. Nuôi được một con người nhiều khó khăn, nhiều đau đớn lắm.
Nguyễn Quang Thân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.