Những căn biệt thự cổ tại Hà Nội bỏ hoang, xuống cấp
Những căn biệt thự cổ tại Hà Nội bỏ hoang, xuống cấp
Thanh Hiền
Thứ bảy, ngày 22/04/2023 09:44 AM (GMT+7)
TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan đánh giá sơ bộ chất lượng 1.216 biệt thự xây dựng trước năm 1954. Trong số này, nhiều căn biệt thự cũ sau một thời gian dài đã bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng.
Cận cảnh những căn biệt thự cổ tại Hà Nội bỏ hoang, xuống cấp.
Trong danh mục 24 biệt thự kiểm định xong trước ngày 30/9 có căn biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa (quận Hoàn Kiếm) rộng hơn 400m2, từng được nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên sử dụng giai đoạn năm 2002-2014. Hiện nay căn biệt thự đang trong tình trạng xuống cấp.
Căn biệt thự luôn trong tình trạng "kín cổng cao tường".
Nhiều năm nay căn biệt thự không có người sử dụng, cỏ mọc từ sân cho đến bậc thềm, xung quanh công trình xuất hiện phế liệu, túi ni lông, vỏ chai nhựa, rác thải.
Bên cạnh đó, danh sách 24 biệt thự cần đánh giá kiểm định có căn biệt thự số 5 Lê Phụng Hiểu được xếp loại biệt thự nhóm 1; có diện tích nhà, đất là 1.250 m2. Biệt thự này nằm ở vị trí đắc địa, với 2 mặt đường Lê Phụng Hiểu và Tông Đản, trước đây là trụ sở của Ban Nội chính Thành ủy.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt ngày 20/4, nhiều hạng mục công trình xuống cấp, bên trong khuôn viên chỉ toàn là lá khô, rác thải.
Phía bên ngoài cổng phụ biệt thự số 5 Lê Phụng Hiểu trở thành điểm tập kết rác thải.
Xung quanh khu biệt thự trở thành nơi tập kết vật dụng, đồ phế liệu.
Cũng trong danh mục 24 biệt thự cũ ưu tiên kiểm định, biệt thự số 62 Phan Đình Phùng hiện nay vẫn có người ở. Căn biệt thự đã cũ kỹ, tường ngả màu, hàng rào hoen gỉ.
Căn biệt thự số 17 Điện Biên Phủ (Ba Đình), trước đây là Đại sứ quán có tổng diện tích 500m2 hiện đang bị bỏ hoang. Bên trong khuôn viên là khung cảnh hoang tàn, phủ đầy lá cây khô, cỏ dại mọc do lâu ngày không dọn dẹp, vệ sinh.
Theo UBND TP Hà Nội, tất cả các căn biệt thự thuộc danh mục không được tự ý phá dỡ. Trường hợp biệt thự nằm trong danh mục bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, muốn cải tạo phải có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng và được cấp thẩm quyền cho phép (Ảnh chụp căn biệt thự cổ ở số 71 Quán Thánh).
Sau khi có kết quả kiểm định, thành phố sẽ đầu tư ngân sách cải tạo, chỉnh trang biệt thự do thành phố quản lý. Những biệt thự do Trung ương hoặc các tổ chức cá nhân quản lý, thành phố sẽ thông báo kết quả đánh giá sơ bộ chất lượng và khuyến nghị kiểm định chi tiết, phương án sửa chữa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.