Giao dịch biệt thự, nhà phố TP.HCM giảm kỷ lục, doanh nghiệp ra sức kích cầu

Linh San Chủ nhật, ngày 16/04/2023 14:21 PM (GMT+7)
Dưới ảnh hưởng của việc thắt chặt tín dụng, khó khăn về dòng tiền, lượng giao dịch biệt thự, nhà phố TP.HCM đã giảm về mức thấp nhất trong 10 năm gần đây.
Bình luận 0

3 tháng chỉ bán được 46 căn biệt thự, nhà phố

Thời gian qua, phân khúc biệt thự, nhà phố tại TP.HCM bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc thắt chặt tín dụng. Theo các chuyên gia, đây là phân khúc buộc nhà đầu tư, khách hàng khi mua sản phẩm phải bỏ vào số tiền lớn. Vì vậy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, dòng tiền khan hiếm, phân khúc này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp chuyên phát triển sản phẩm biệt thự, nhà phố tại TP.Thủ Đức, giá thành sản phẩm này ở mức 50-80 tỷ nên nếu chỉ cần bán được 1 vài căn thì chủ đầu tư đã có đủ chi phí để vận hành bộ máy nhân sự trong suốt 1 năm. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn, khách hàng e ngại khả năng "chôn vốn" khi phải bỏ số tiền lớn khiến việc bán hàng của doanh nghiệp gặp khó.

Giao dịch biệt thự, nhà phố TP.HCM giảm kỉ lục, doanh nghiệp ra sức kích cầu - Ảnh 1.

Lượng giao dịch biệt thự, nhà phố TP.HCM đã giảm về mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Ảnh: L.S

Theo Savills Việt Nam, biệt thự, nhà phố tại TP.HCM thời gian qua đã sụt giảm đáng kể về nguồn cung và lượng giao dịch thành công. Nguồn cung mới của phân khúc này chạm mức thấp nhất trong 3 năm chỉ với 47 căn, giảm 81% theo quý và 85% theo năm. Hai dự án dời lịch mở bán. Nguồn cung mới đến từ hai dự án hiện hữu là The Global City – SOHO và Bảo Tân Residence.

Trong đó, nguồn cung sơ cấp giảm 8% theo quý nhưng tăng 29% theo năm đạt 629 căn. Riêng TP.Thủ Đức chiếm đa số nguồn cung sơ cấp khi chiếm 72%, các địa phương như quận 8, 12, Bình Chánh, Bình Tân, Nhà Bè và Tân Phú chiếm thị phần còn lại.

Đáng chú ý, lượng giao dịch biệt thự, nhà phố trong 3 tháng qua chỉ bán được 46 căn, giảm 59% theo quý và 80% theo năm. Đây là con số thấp nhất trong 10 năm qua.

Tỷ lệ hấp thụ kém chỉ ở mức 7%. Nhà phố có mức giảm lớn nhất 72% theo quý, còn 17 giao dịch, theo sau là nhà phố thương mại với 16 giao dịch và biệt thự có 13 giao dịch.

Trong khi đó, DKRA Group đánh giá nguồn cung mới nhà phố/biệt thự tính gộp TP.HCM và vùng phụ cận trong 3 tháng đầu năm 2023 chỉ 375 căn mở bán đến từ 9 dự án, giảm 39% so với quý 1/2022. Lượng tiêu thụ tương đương 54 căn, giảm đến 87% so với cùng kỳ năm trước.

Giao dịch biệt thự, nhà phố TP.HCM giảm kỉ lục, doanh nghiệp ra sức kích cầu - Ảnh 3.

Nguồn cung mới biệt thự, nhà phố cũng sụt giảm. Ảnh: L.S

Các giao dịch thành công tập trung chủ yếu ở các dự án có mức giá dưới 3 tỷ đồng/căn. Mặt bằng giá bán mới giảm trung bình 9% - 25% so với lần mở bán trước đó. Thanh khoản thị trường thứ cấp vẫn còn trầm lắng.

Doanh nghiệp ra sức kích cầu biệt thự, nhà phố

Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, các chủ đầu tư đưa ra đa dạng chiến lược bán hàng để thúc đẩy lượng giao dịch. Đơn cử, các dự án bình dân từ các chủ đầu tư ít tên tuổi như Bảo Tân, Bảo Yến trực tiếp giảm giá bán và thêm nhiều ưu đãi đáng kể. Chủ đầu tư khu đô thị Vạn Phúc City gia tăng giá trị gói nội thất.

Đáng chú ý, việc giãn tiến độ thanh toán đang được nhiều chủ đầu tư áp dụng. Được biết, dự án The Rivus Elie Saab đã giãn tiến độ thanh toán cho khách hàng. The Classia mặc dù đã sẵn sàng bàn giao nhưng chủ đầu tư cũng kéo dài thời hạn thanh toán để thu hút khách hàng với nhu cầu ở thực. Vinhomes Grand Park – Broadway và The Origami cam kết lợi suất cố định 6%/năm.

Giao dịch biệt thự, nhà phố TP.HCM giảm kỉ lục, doanh nghiệp ra sức kích cầu - Ảnh 4.

Các doanh nghiệp ra sức tung chiêu bán hàng. Ảnh: L.S

Trong 3 quý còn lại của năm 2023, nguồn cung nhà xây sẵn trong tương lai tại TP.HCM dự kiến tiếp tục khiêm tốn với 480 căn từ bốn đợt mở bán tiếp theo và một dự án mới. Phân khúc này sẽ có cạnh tranh lớn từ các tỉnh lân cận đang có chiến lực tung ra các dự án mới.

Các chuyên gia bất động sản cho rằng thời gian tới, thị trường biệt thự, nhà phố tại TP.HCM sẽ có sự thanh lọc mạnh, hướng tới nhóm khách hàng có nhu cầu thực.

Việc các thủ tục, pháp lí được kiểm soát chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn khiến cho các dự án bất động sản nói chung và bất động sản nhà liền thổ nói riêng kiểm chứng được chất lượng của các sản phẩm trước khi được tung ra thị trường.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ tín dụng cũng được kiểm soát hơn, hướng tới nhóm khách hàng có nhu cầu mua để ở, hạn chế tình trạng lướt sóng, gây ra hiện tượng giá bán nhà liền thổ bị thổi phồng. Tất cả điều này đều giúp cho thị trường phát triển theo hướng bền vững, loại bỏ các yếu tố tiêu cực, từ đó, chất lượng của các dự án sẽ được nâng cao hơn và thị trường được bình ổn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có xu hướng áp dụng phương án chuyển nhượng, sáp nhập dự án cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp để giải quyết vấn đề thanh khoản của dự án. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem