Trong vòng 15 năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa ở TP.HCM đã thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, mỗi năm mất khoảng 1.400ha. Ngoài diện tích đất bị các dự án chung cư, khu công nghiệp ngoạm mất, số còn lại dù còn đó nhưng chỉ là những “cánh đồng hoang”.
Gọi là những cánh đồng hoang bởi vì đất đai bị ô nhiễm, chất thải của các nhà máy, khu công nghiệp không xử lý xả thẳng ra môi trường, thấm vào mạch đất, nguồn nước. Chưa kể chất thải sinh hoạt của các khu dân cư, rác bẩn ùn về ứ đọng, nước rỉ rác ngấm vào lòng đất, đất nào chịu cho nổi. Cho nên, nông dân không mất đất vì dự án, thì cũng không thể sinh sống được trên mảnh đất bị ô nhiễm của mình, nhiều hộ nông dân rơi vào cảnh nghèo khổ. Cay đắng thay, đất bị ô nhiễm không phải lỗi tại họ.
Một địa phương khác là Phú Yên, các hộ dân sống ven biển đang là nạn nhân của ô nhiễm môi trường. Vùng bờ biển ven bờ thuộc các khu công nghiệp Đông Bắc sông Cầu, khu công nghiệp Hòa Hiệp bị ô nhiễm. Các đầm, vịnh cũng bị ô nhiễm.
Đầm Ô Loan có 82 loài tôm cá, 52 loài giáp xác, nhưng sản lượng khai thác ngày càng giảm mạnh, các nhà khoa học dự báo sẽ có nhiều loài bị tuyệt chủng do ô nhiễm, cụ thể như sản lượng khai thác sò huyết giảm đến 90%. Ngư dân không khá lên mà ngày càng cơ cực, sản lượng khai thác ngày một thấp.
Các tỉnh ven biển thuộc ĐBSCL cũng phải đối diện với tình trạng ô nhiễm môi trường. Các hộ nông dân nuôi tôm và thủy hải sản khác thường gặp phải nạn tôm chết “bất đắc kỳ tử”. Nông dân nuôi tôm dày kinh nghiệm không hiểu lý do, nhưng cuối cùng câu trả lời là do nguồn nước bị ô nhiễm. Không ít người nuôi tôm trắng tay vì tai họa này.
Do tình trạng ô nhiễm môi trường nên có nhiều hộ nông dân, ngư dân lâm vào cảnh đói nghèo vì không thể canh tác, nuôi trồng, khai thác thủy sản. Với tốc độ phá hoại môi trường như hiện nay thì chỉ trong vài năm nữa, những “cánh đồng hoang” sẽ xuất hiện nhiều, con người sẽ trả giá vì thiếu lương thực, thực phẩm. Nhưng đối tượng phải trả giá đầu tiên là nông dân, ngư dân.
Chân Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.