Nhà báo Đoàn Công Tính (phải) trao lại bức ảnh lịch sử cho ông Đỗ Đức Thắng. T.T
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trên 400 nhà báo đã hy sinh và hàng trăm người bị thương hoặc phải gánh chịu hậu quả khác của chiến tranh. Các phóng viên tác nghiệp ở chiến trường không chỉ cầm bút, cầm máy ảnh mà họ còn trực tiếp cầm súng, có nhà báo bắn cháy 2 xe bọc thép của địch trước khi hy sinh.
Liệt sĩ - nhà báo Lê Đình Dư (PV báo Quân Đội Nhân Dân) được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đằng sau danh xưng “phóng viên chiến trường” là biết bao gian lao mất mát, là sự chịu đựng vô biên, là mồ hôi nước mắt và cả máu… Nhà báo Dương Đức Quảng (nguyên PV TTXVN) kể: “Có những chiếc xe chở đồng nghiệp đi quay phim về những trận đánh, trên đường trở ra bị bom đánh trúng và hy sinh, toàn bộ phim quay được bị cháy.
Các nhà báo khác phải trở lại chiến trường để quay lại những thước phim tư liệu. PV Văn Giá đã hy sinh với vết đạn xuyên qua ống kính máy ảnh và may mắn được các cựu binh Mỹ lưu giữ 2 cuộn phim để trả lại cho gia đình năm 2005. Những đồng nghiệp hy sinh khi quay Lũy thép Vĩnh Linh – Bộ phim tài liệu giành giải vàng tại Liên hoan phim Mátxcơva năm 1971”.
Nhà báo kỳ cựu, Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp (92 tuổi, nguyên PV báo Quân Đội Nhân Dân) chia sẻ: Trong trận Điện Biên Phủ, khó khăn trăm bề, trên đầu là lửa đạn, dưới đất là máu và bùn khi không còn 1 mảnh giấy, chúng tôi phải dùng những bao bì để viết.
Đại bản doanh của báo Quân Đội Nhân Dân lúc đó là 7 chiếc lán tạm bợ, các chiến sĩ anh nuôi vừa chia cơm vừa làm nhiệm vụ phát hành báo. Dù cuộc chiến 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm” vô cùng cam go, nhưng chúng tôi vẫn phát hành được 33 số báo đầy ắp những thông tin nóng hổi về chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu – chấn động địa cầu”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.