Những "chàng trai vàng" Toán học Việt Nam: Tài năng từ nhỏ, lớn lên lập "kỷ lục"

Tào Nga Thứ ba, ngày 31/01/2023 13:52 PM (GMT+7)
Những thành tích của các "chàng trai vàng Toán" học Việt Nam có năng khiếu từ nhỏ khiến nhiều người phải "ngả mũ" thán phục.
Bình luận 0

Giáo sư Ngô Bảo Châu

Ngô Bảo Châu (sinh năm 1972) sinh ra trong gia đình có truyền thống làm khoa học. Bố ông là GS.TSKH Ngô Huy Cẩn, từng du học ở Nga (chuyên ngành cơ học) và nhiều năm công tác ở Viện cơ học. Ông nguyên là cán bộ Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước. Mẹ ông là PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền, nguyên cán bộ Viện Y học cổ truyền Trung ương.

Những chàng trai vàng Toán học Việt Nam: Tài năng từ nhỏ, lớn lên lập "kỷ lục" - Ảnh 2.

GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: Dũ Tuấn

Tài năng của Ngô Bảo Châu chỉ thực sự được phát hiện khi GS Ngô Huy Cẩn về nước vào những năm con trai học hết cấp I. Khi làm toán cùng Châu, ông Cẩn nhận ra khả năng tư duy toán khá đặc biệt của con. Ông rất ngạc nhiên khi thấy con giải dễ dàng các bài tập trong sách giáo khoa. Chính vì vậy, ông đã quyết định cho con đi theo con đường chuyên Toán.

Năm 1988, Ngô Bảo Châu tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế tại Australia và giành huy chương vàng. Năm sau, Ngô Bảo Châu tiếp tục giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế tại Đức.

Cũng trong năm 1989, Bảo Châu sang Pháp học tại ĐH Paris 6 và bảo vệ luận án tiến sĩ khi mới 25 tuổi tại ĐH Sư phạm Paris - ngôi trường danh tiếng bậc nhất nước Pháp. Năm 2003, ở tuổi 31, ông hoàn thành luận án habilitation (tương đương tiến sĩ khoa học) tại ĐH Paris 11 và đầu năm sau trở thành giáo sư của đại học này.

Năm 2005, ở tuổi 33, Ngô Bảo Châu được đặc cách phong hàm giáo sư và trở thành giáo sư trẻ tuổi nhất Việt Nam. Năm 2007, sau khi chứng minh được "bổ đề cơ bản", một giả thuyết then chốt của chương trình Langlands, ông được trao giải thưởng Oberwolfach của Đức, giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp. Ngày 19/8/2010 tại lễ khai mạc đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabad (Ấn Độ), bà Pratibha Patil - Tổng thống Ấn Độ đã trao huy chương Fields - giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực Toán học cho GS Ngô Bảo Châu. 

Giáo sư Lê Anh Vinh

GS Lê Anh Vinh sinh năm 1983, là cựu học sinh chuyên toán Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, từng giành Huy chương Bạc Olympic Toán quốc tế (IMO) năm 2001. Năm 2010, GS Vinh nhận bằng Tiến sĩ của ĐH Harvard, Mỹ. Năm 2013, ông là người trẻ nhất Việt Nam được công nhận chức danh PGS khi 30 tuổi. Năm 2017, ông Lê Anh Vinh được bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (trực thuộc Bộ GDĐT). Từ 1/11/2020, ông được giao nhiệm vụ phụ trách Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.

Những chàng trai vàng Toán học Việt Nam: Tài năng từ nhỏ, lớn lên lập "kỷ lục" - Ảnh 3.

GS Lê Anh Vinh dẫn đội tham dự thi Olympic Toán quốc tế (IMO) 2022. Ảnh: MOET

Năm 2013, ông là người trẻ nhất Việt Nam được công nhận chức danh phó giáo sư khi mới tròn 30 tuổi. Ông là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu thủ đô năm 2013 do Thành đoàn Hà Nội công bố. GS Lê Anh Vinh, phụ trách Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, tiến sĩ Đại học Harvard, trở thành giáo sư trẻ nhất năm 2020.

Giáo sư Lê Anh Vinh nhiều năm liền giữ vị trí trưởng đoàn Olympic Toán quốc tế (IMO) Việt Nam đã dẫn dắt đội tuyển và ghi danh tài năng Toán học Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình

Lê Bá Khánh Trình, sinh năm 1963 tại Huế. Năm 1979, Lê Bá Khánh Trình làm rạng danh Việt Nam khi giành điểm tuyệt đối 40/40 tại Olympic Toán học quốc tế (IMO). Cùng với huy chương vàng, Khánh Trình nhận thêm giải đặc biệt dành cho thí sinh có lời giải đẹp nhất. 41 mùa IMO, Khánh Trình vẫn là thí sinh Việt Nam duy nhất có được thành tích này.

Những chàng trai vàng Toán học Việt Nam: Tài năng từ nhỏ, lớn lên lập "kỷ lục" - Ảnh 4.

TS Lê Bá Khánh Trình. Ảnh: Zing

Chia sẻ về cảm xúc khi đó, ông cho hay: "Lúc chuẩn bị đi được ưu đãi nhiều, mọi người cũng đặt niềm tin và mong đợi. Khi về, mọi người đón tiếp hồ hởi cũng gây ra một cảm giác mắc nợ với tôi. Nhưng khi đó tôi còn nhỏ, nên gánh nặng ấy cũng không đến nỗi là một áp lực. May mắn là nhờ giải thưởng đó, tôi được chọn vào thẳng đại học và được đi học ở nước ngoài".

Sau kỳ thi này, ông được tuyển thẳng vào khoa Toán - Cơ, Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov và làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của viện sĩ Andrey Alexandrovich Gontrar, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, Khánh Trình trở về Việt Nam và công tác tại khoa Toán Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM cho đến nay.

Nhiều năm liên tiếp ông có đóng góp to lớn trong việc giảng dạy cho những học sinh được chọn để đi thi Olympic toán quốc tế.

Nghiên cứu sinh tiến sĩ Phạm Tuấn Huy

Phạm Tuấn Huy, sinh năm 1996, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ năm thứ 4 tại khoa Toán, Đại học Stanford. Tuấn Huy đã công bố 28 bài báo trên các tạp chí quốc tế về Toán học tập trung vào đề tài nghiên cứu xác suất, lý thuyết Khoa học máy tính.

Những chàng trai vàng Toán học Việt Nam: Tài năng từ nhỏ, lớn lên lập "kỷ lục" - Ảnh 1.

"Chàng trai vàng toán học" Việt Nam nhận học bổng danh giá ở Mỹ. Ảnh: CMI

Chàng trai vàng này là cựu học sinh chuyên Toán, niên khóa 2011-2014, Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM. Huy có 12 năm liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi; thủ khoa đầu vào lớp chuyên Toán, Trường phổ thông Năng khiếu; giải nhất học sinh giỏi Toán TP.HCM năm lớp 9; huy chương vàng Olympic truyền thống 30/4 năm học 2011 - 2012 môn Toán; giải nhất học sinh giỏi quốc gia môn Toán năm lớp 11; giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế năm 2013 tại Colombia; nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GDĐT... Đặc biệt, Huy còn đoạt danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2013.

Không những giỏi Toán, Huy còn giỏi Văn, chơi đàn piano và organ. Huy từng đoạt giải nhất cuộc thi Festival Casio về đàn năm 2007.

Mới đây, Viện Toán học Clay (CMI), Mỹ, đã công bố trao học bổng sau tiến sĩ của Viện Toán học Clay (Clay Research Fellowships) cho Phạm Tuấn Huy. Trước đó, giáo sư Ngô Bảo Châu được trao giải thưởng Toán học của Viện Clay vào năm 2004. Theo CMI, với phần học bổng này, Huy sẽ được bổ nhiệm làm nghiên cứu viên ở Viện Toán học Clay trong 5 năm, bắt đầu từ 1/7.

Ngô Quý Đăng

Ngô Quý Đăng, sinh năm 2004 là cựu học sinh trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Mới đây, Đăng gây ấn tượng khi đạt Huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) năm 2022, với số điểm tuyệt đối 42/42. Sau gần 20 năm chờ đợi, Việt Nam mới lại có 1 thí sinh giành Huy chương Vàng IMO với điểm số tuyệt đối. Cách đây 2 năm, Đăng cũng là học sinh lớp 10 đầu tiên của Việt Nam giành được Huy chương Vàng tại một kỳ thi IMO, xếp hạng 4 thế giới.

Những chàng trai vàng Toán học Việt Nam: Tài năng từ nhỏ, lớn lên lập "kỷ lục" - Ảnh 5.

Ngô Quý Đăng nhận học bổng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Ảnh: VNU

Trước đó, chàng trai vàng Toán học này cũng đạt nhiều thành tích đáng nể như giải Vàng kỳ thi Toán Quốc tế Singapore & châu Á (SASMO) năm 2017; huy chương Vàng kỳ thi Toán Quốc tế giữa các thành phố - Mùa thu lần thứ 38 năm 2017; giải Nhì trường và top 1% cá nhân xuất sắc kỳ thi Toán học Hoa kỳ AMC8 năm 2017; vô địch cuộc thi Toán quốc tế Kangaroo IKMC năm 2017 và 2018; vô địch bảng quốc tế HOMC năm 2018; vô địch cuộc thi Tìm kiếm tài năng Toán học trẻ Việt Nam MYTS năm 2018.

Quý Đăng từng đạt giải nhất Toán TP.Hà Nội năm học 2018 - 2019 (quán quân, với số điểm gần như tuyệt đối 19,75/20); đạt giải Nhì môn Toán trong kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia năm học 2019 - 2020 (thi vượt cấp với học sinh lớp 12).

ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã trao học bổng trao học bổng khoa học cơ bản và giải thưởng IMG Thắp sáng tài năng trẻ cho Ngô Quý Đăng sau khi em đăng ký nguyện vọng duy nhất vào Khoa Toán - Cơ tin học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem